Một DN xây dựng bị BIDV siết nợ, ngưng hoạt động do toàn bộ người lao động đã nghỉ việc

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Hà Nội vừa có thông báo về kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của CTCP Licogi 166 (LCS). Tài sản của CTCP Licogi 166 được đưa ra đấu giá bao gồm 3 máy móc thiết bị công trình tại Số 68 thôn 9 Hương Linh, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội và 18 tài sản bao gồm máy móc thiết bị công trình, phương tiện vận tải tại Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Hà Nội – là chủ nợ lớn nhất của Công ty với dư nợ gốc 81,8 tỷ đồng (trong năm 2022 đã trả được hơn 2 tỷ nợ gốc) và khoảng 20 tỷ đồng tiền lãi, hiện dư nợ đang ở nhóm nợ xấu.

Những năm gần đây, BIDV liên tục yêu cầu Licogi 166 thanh lý tài sản dể trả nợ quá hạn.

Về Licogi 166, Công ty được thành lập ngày 18/5/2007, tiền thân là Chi nhánh CTCP Licogi 16 tại Hà Nội. Công ty này hoạt động tập trung vào lĩnh vực thi công xây lắp, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, thi công các công trình điện.

Làm ăn thua lỗ nên tháng 3/2023, HĐQT Công ty công bố nghị quyết tạm ngừng kinh doanh 1 năm, kể từ ngày 15/3/2023 đến ngày 14/3/2024, với lý do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn. Công ty xin tạm ngừng để tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức.

Việc tạm ngừng kinh doanh đã nằm trong kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Licogi 166. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông đã đồng ý cho phép công ty tạm dừng hoạt động, thực hiện việc thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp.

Licogi 166 cho biết, Công ty không có tiền để hoạt động, người lao động đã nghỉ việc, không thể triển khai được hoạt động kinh doanh .

Thực tế, Licogi 166 đã gặp nhiều khó khăn từ năm 2019 do thiếu việc làm, ít dự án được chuyển tiếp từ năm trước, khó khăn về tài chính, nhiều dự án triển khai bị vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng từ phía chủ đầu tư quá chậm. Hầu hết các công trình đều bị đọng vốn trong thời gian dài.

Khó khăn chồng chất khi ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của Licogi 166 càng gặp khó khăn dẫn đến việc dư nợ vay tại các tổ chức tín dụng bị quá hạn và chuyển sang nhóm nợ xấu từ tháng 7/2021. Khó khăn về tài chính khiến Licogi 166 phải dừng thi công các dự án. Một số dự án đã ký đồng cũng phải dừng hoặc chuyển cho đơn vị khác thực hiện. Toàn bộ nhân viên đã nghỉ việc từ đầu năm 2022.

Năm 2022, Licogi 166 chủ yếu giải quyết các việc tồn đọng, làm việc với ngân hàng, thu hồi công nợ. Công ty ghi nhận doanh thu gần 3,4 tỷ đồng, chỉ thực hiện vỏn vẹn 4% kế hoạch và lỗ trước thuế hơn 98 tỷ đồng, sâu hơn nhiều con số 67 tỷ đồng năm trước.

Trước khi tạm ngừng hoạt động, cổ phiếu LCS cũng đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đình chỉ giao dịch từ tháng 8/2022 do Công ty chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên 2022 được soát xét quá 6 tháng so với quy định. Ngoài ra, Công ty còn chậm nộp báo cáo tài chính riêng và hợp nhất, bao gồm báo cáo tài chính soát xét bán niên, báo cáo kiểm toán năm 2021 quá 6 tháng so với thời gian quy định.

Xem thêm tại cafef.vn