Một ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên tới 8%/năm

Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) mới đây đã triển khai sản phẩm Chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân với mức lãi suất lên tới 8%/năm.

Cụ thể, từ ngày 2/5 đến hết 31/12/2024 hoặc đến khi hết hạn mức 3.000 tỷ đồng, PVComBank phát hành chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân với lãi suất cố định 8%/năm, kỳ hạn 85 tháng (tức 7 năm, 1 tháng). PVcomBank thực hiện trả lãi trước định kỳ hàng thàng cho khách hàng. Chứng chỉ tiền gửi của PVcomBank cũng có thể chuyển nhượng hoặc cầm cố tùy theo thỏa thuận, giúp khách hàng dễ dàng linh hoạt nguồn vốn cá nhân, tăng cường khả năng thanh khoản trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây. Tính từ đầu tháng 5 đến nay đã có 7 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân như BacABank, ACB, GPBank, NCB, BVBank, Saocmbank, CBBank. Mức tăng phổ biến là 0,2-0,3%/năm.

Chẳng hạn như tại BacABank, ngân hàng tăng 0,15 điểm % tại các kỳ hạn 6 - 11 tháng, và tăng 0,25 điểm % tại kỳ hạn 12-18 tháng. Lãi suất cao nhất hiện nay tại BacABank là 5,7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên và số tiền gửi trên 1 tỷ đồng.

Hay tại Sacombank, ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động từ ngày 6/5 với mức tăng 0,2 - 0,5 điểm % ở tất cả kỳ hạn. Trước đó, một ngân hàng tư nhân lớn khác là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã tăng lãi suất huy động ngay sau kỳ nghỉ lễ. Theo biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất, ACB tăng 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn 1 - 3 tháng đối với tất cả các mức tiền gửi.

Trước đó, thông kê trong tháng 4 cũng đã có tới 16 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, VietinBank, ACB.

Theo bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán MBS, lãi suất tiết kiệm các ngân hàng tăng trở lại trong bối cảnh tiền gửi của người dân rút dần ra khỏi hệ thống ngân hàng (theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%). Vào cuộc họp báo ngày 19/4, NHNN cho biết tính đến 31/3, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân mới của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm ngoái.

MBS cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 50 - 70 điểm cơ bản trong nửa sau năm 2024. Nhóm phân tích dự báo cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM lớn sẽ có thể nhích thêm 50 - 70 điểm cơ bản, quay về mức 5,1%-5,3% trong nửa sau năm 2024. Tuy nhiên rằng lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và NHTM nỗ lức hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Xem thêm tại cafef.vn