Một nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ đang được miễn thuế

Từ ngày 19–22/5/2025, vòng đàm phán thứ hai về Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã diễn ra tại Washington D.C., dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên – Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ.

Trong 4 ngày làm việc, hai bên đã trao đổi toàn diện các nội dung trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị mỗi nước, hài hòa lợi ích, cân bằng quyền lợi và phù hợp với các cam kết quốc tế. Kết quả bước đầu ghi nhận nhiều tiến triển tích cực, bao gồm một số nhóm vấn đề đã đạt được đồng thuận và các nội dung còn khác biệt nhưng đã thu hẹp khoảng cách.

Đáng chú ý, vòng đàm phán diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng 46% trong vòng 90 ngày đối với một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Theo Công ty Chứng khoán SHS, đây là cơ hội chiến lược giúp doanh nghiệp xuất khẩu tranh thủ đẩy mạnh đơn hàng mùa cao điểm cuối năm, đồng thời tạo dư địa để Việt Nam tiếp tục thương lượng nhằm thu hẹp thặng dư thương mại.

Tuy nhiên, SHS cảnh báo giai đoạn tạm hoãn này chỉ mang tính chiến thuật. Nếu không đạt được thỏa thuận mang tính cân bằng hơn, nguy cơ áp dụng mức thuế cao nhất có thể khiến Việt Nam chịu thiệt trong cuộc cạnh tranh thu hút FDI. Hiện Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia bị đề xuất mức thuế cao nhất ASEAN – chênh từ 10–29% so với Thái Lan, Indonesia và Philippines.

Trong kịch bản bất lợi, các ngành như bất động sản khu công nghiệp, dệt may, da giày, gỗ, thủy sản sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt. SHS ước tính, nếu thuế suất 46% được thực thi, lượng hợp đồng thuê mới tại các khu công nghiệp có thể giảm 15–20%, giá thuê trung bình giảm 8–10%. Nhu cầu sử dụng tiện ích như điện, nước cũng sẽ giảm theo, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp vận hành hạ tầng.

Một nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ đang được miễn thuế
Nguồn: SHS

Dù vậy, SHS lưu ý nhà đầu tư không nên quá bi quan với viễn cảnh toàn ngành. Việc Mỹ tạm thời chỉ áp mức thuế 10%, thay vì mức cao nhất 46%, cho thấy khả năng chính sách thuế hiện tại chỉ là công cụ tạo áp lực đàm phán. Ngoài ra, nhóm hàng điện tử – chiếm khoảng 27% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ – hiện vẫn được miễn thuế, giúp giảm thiểu tác động lên khu công nghiệp, đặc biệt tại miền Bắc – nơi tập trung nhiều nhà máy lớn như Samsung, Foxconn, LG.

Với thời gian đàm phán còn lại, áp lực đang đặt lên vai các nhà hoạch định chính sách trong việc tìm kiếm một thỏa thuận thương mại cân bằng hơn – vừa giữ vững lợi thế xuất khẩu, vừa đảm bảo không đánh mất vị thế cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn