Thị trường chứng khoán đảo chiều, nhà đầu tư FOMO như ngồi trên đống lửa

Phiên giao dịch ngày 22/5 khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc trái chiều cho nhà đầu tư. Thị trường mở cửa trong sắc đỏ do tâm lý thận trọng bao trùm, tuy nhiên lực cầu mạnh mẽ đã nhanh chóng nhập cuộc, đưa VN-Index vươn lên mốc 1.330 điểm và duy trì trạng thái tích cực trong phần lớn thời gian giao dịch.

Tuy vậy, chỉ trong 15 phút cuối phiên, áp lực bán bất ngờ gia tăng trên diện rộng, lan tỏa sang nhiều nhóm ngành, khiến chỉ số quay đầu giảm sâu. VN-Index đóng cửa mất 9,94 điểm, dừng tại 1.313,84 điểm, đánh rơi toàn bộ thành quả tích lũy trước đó.

Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện, với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường vượt 28.400 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD – cho thấy mức độ sôi động của dòng tiền, dù xu hướng chốt lời chiếm ưu thế.

Sự đảo chiều bất ngờ khiến số lượng cổ phiếu giảm điểm áp đảo hoàn toàn trên cả ba sàn. Trên sàn HoSE, có tới 214 mã giảm giá, gấp đôi số mã tăng (98 mã), cùng 53 mã đứng giá. Tương tự, sàn HNX ghi nhận 106 mã giảm so với 59 mã tăng và 57 mã tham chiếu. UPCoM phân hóa mạnh với 126 mã tăng, 140 mã giảm và 75 mã đứng giá.

Trong nhóm VN30, áp lực bán gia tăng rõ rệt khiến nhiều mã điều chỉnh, đáng chú ý là VIC và VHM. Dù VHM có lúc tăng mạnh đầu phiên, nhưng đà tăng suy yếu dần về cuối và chỉ còn giữ được mức tăng hơn 1% khi đóng cửa. Trong khi đó, VIC bị bán mạnh hơn và kết phiên giảm 1% so với tham chiếu.

Trong nhóm VN30, chỉ một vài cổ phiếu giữ được sắc xanh

Toàn rổ VN30 chỉ còn một vài cái tên giữ được sắc xanh như VHM, MSN, GAS và SAB; trong khi MWG và SSI đóng cửa tại tham chiếu. Các cổ phiếu còn lại đồng loạt giảm điểm, trong đó LPB dẫn đầu đà giảm với mức mất 2%.

Làn sóng chốt lời không chỉ giới hạn ở nhóm vốn hóa lớn mà còn lan rộng ra toàn thị trường. Điển hình là cặp đôi GEX – VIX thuộc hệ sinh thái Gelex. Cả hai từng chạm mức giá trần trong phiên nhưng sau đó suy yếu mạnh. Đến cuối phiên, VIX chỉ còn giữ được sắc xanh nhẹ, còn GEX quay đầu giảm điểm.

Nhóm tài chính – bao gồm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng – diễn biến tiêu cực với phần lớn mã chìm trong sắc đỏ. Nhiều mã giảm từ 1% đến 3%, đi kèm thanh khoản vượt mức trung bình, phản ánh áp lực bán diễn ra mạnh mẽ và có phần dứt khoát.

Ngược lại, nhóm bất động sản cho thấy sức chống chịu tốt hơn mặt bằng chung. Một số mã như CRE, VHM, DIG, TCH và SCR duy trì được đà tăng trong biên độ 1% – 2%. Dẫu vậy, áp lực điều chỉnh vẫn hiện diện ở nhiều cổ phiếu lớn như PDR, NVL, NLG, DXG, KDH, QCG… với mức giảm phổ biến từ 1% đến 3%.

Các nhóm ngành khác như khu công nghiệp, thủy sản, dệt may, dầu khí, vận tải… cũng chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong phiên hôm nay. Đáng chú ý, thanh khoản tại các nhóm này đồng loạt vượt mức trung bình 10 phiên, cho thấy đà điều chỉnh nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn.

Khối ngoại hôm nay tiếp tục hoạt động tích cực. Các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ra các cổ phiếu FPT(-132 tỷ đồng), VPB (-96 tỷ đồng), VRE (-71 tỷ đồng),.. trong khi tập trung mua vào VIX (+147 tỷ đồng), MWG (+134 tỷ đồng), VHM (+112 tỷ đồng),... Tính chung khối ngoại mua ròng gần 70 tỷ đồng trong phiên hôm nay.

Việc thị trường quay đầu tại vùng kháng cự 1.330 điểm không nằm ngoài dự báo của nhiều công ty chứng khoán. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục bằng cách chốt lời dần đối với các vị thế ngắn hạn đã đạt mục tiêu lợi nhuận. Đồng thời, cần thiết lập các lệnh trailing stop để bảo toàn thành quả đầu tư cho các cổ phiếu đang nắm giữ.

Đối với hoạt động giao dịch ngắn hạn theo chu kỳ T+, chuyên gia BVSC cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế mới khi thị trường rung lắc mạnh trong phiên. Tuy nhiên, nên tập trung vào những cổ phiếu chưa tăng nóng và đang trong quá trình điều chỉnh tích lũy – nơi tiềm ẩn dư địa hồi phục khi dòng tiền quay trở lại.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn