Mùa đại hội nhiều “phấp phỏng”

“Sóng gió” trước đại hội

Cuộc họp ĐHCĐ năm 2025 của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) diễn ra sáng 20/4 trong bối cảnh cổ phiếu vừa trải qua một đợt điều chỉnh mạnh vì áp lực từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Trả lời cổ đông về lo ngại rủi ro thuế quan, ông Nguyễn Đức Mạnh, Tổng giám đốc TNG cho biết, thị trường Mỹ hiện chiếm tỷ trọng 26% doanh thu, doanh nghiệp đã ký đơn hàng đi Mỹ đến tháng 7 - 8/2025 và đang tiến hành giao hàng sớm để tận dụng thời gian 90 ngày hoãn áp thuế.

Trấn an cổ đông, lãnh đạo TNG cho hay, thị trường lớn nhất của Công ty hiện tại là châu Âu, với tỷ trọng gần 50% (trong đó, khách hàng lớn nhất là Decathlon), đơn hàng đã kín đến tháng 10/2025 và đang tiếp tục mở rộng. Đối với thị trường Mỹ, TNG đã có một số biện pháp ứng phó như san sẻ chi phí rủi ro với đối tác Mỹ, thay đổi hoạ tiết in và các phụ kiện để hạ giá thành…

Việc cổ phiếu CII của Công ty cổ phần Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM giảm giá mạnh do ảnh hưởng của thông tin thuế quan cũng là vấn đề được cổ đông quan tâm chất vấn tại ĐHCĐ 2025 hôm 18/4.

Khi cuộc họp ĐHCĐ 2025 đang diễn ra sáng 15/4, cổ phiếu GIL của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) giảm giá sàn, xuống 13.500 đồng/cổ phiếu. Trước đó, mã cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành dệt may phía Nam này đã có nhiều phiên đi xuống kể từ vùng giá trên 17.000 đồng/cổ phiếu do ảnh hưởng của chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Ở mảng bất động sản khu công nghiệp, một trong những lĩnh vực “nhạy” nhất với thuế quan, cổ phiếu IJC của Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC) giảm 23,3% trong 4 phiên từ ngày 3 - 9/4/2025, từ 13.750 đồng/cổ phiếu về 10.550 đồng/cổ phiếu, đến cuối tuần qua (25/4) mới tăng lên 11.600 đồng/cổ phiếu.

Tính đến cuối năm 2024, Becamex IJC nắm giữ 31,77% vốn tại Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex - Bình Phước, doanh nghiệp sở hữu dự án Khu công nghiệp Bình Phước có quy mô 2.448 ha, mới cho thuê được 390 ha.

Tại cuộc họp ĐHCĐ 2025 của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) diễn ra sáng 24/4, doanh nghiệp này đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay với kịch bản cơ bản là doanh thu 10.900 tỷ đồng và lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ 1.000 tỷ đồng (lần lượt giảm 13% và 18% so với mức thực hiện năm ngoái). Trước đó, trong tài liệu công bố hồi đầu tháng 4/2025, Vĩnh Hoàn đưa ra kế hoạch kinh doanh gồm doanh thu 13.800 tỷ đồng và lãi ròng 1.500 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vẫn tự tin

Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Công ty Chứng khoán VPBank nhận định, nhiều doanh nghiệp giữ nguyên kế hoạch kinh doanh 2025 đề ra từ trước vì chưa biết thuế quan sẽ tác động như thế nào, trong khi bối cảnh vĩ mô quý I vẫn tốt. Tuy nhiên, nếu thị trường đi xuống, vĩ mô bất ổn hơn từ thuế quan của Mỹ thì từ quý III/2025, rủi ro sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh, khiến doanh nghiệp phải tính tới việc điều chỉnh kế hoạch.

Năm 2025, TNG đặt mục tiêu đạt doanh thu 8.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 340 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,7% và 8% so với mức thực hiện năm 2024; cổ tức dự kiến từ 16 - 20%.

Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG Nguyễn Văn Thời tự tin nói rằng, mục tiêu lợi nhuận năm nay sẽ đạt được và doanh nghiệp vẫn sẽ mở rộng thêm 10 chuyền may, tuyển dụng thêm 1.000 lao động.

Với Vĩnh Hoàn, mặc dù điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2025 (giảm lần lượt 13% và 18% so với mức thực hiện năm ngoái), song tại cuộc họp ĐHCĐ sáng 24/4, Tổng giám đốc Nguyễn Ngô Vi Tâm cho biết, doanh nghiệp không bi quan, mà vẫn khá lạc quan về xuất khẩu sản phẩm chủ lực cá tra.

“So với kế hoạch ban đầu, chúng tôi đã thận trọng trong bối cảnh mới. Diễn biến tiếp theo tùy thuộc vào độ chấp nhận của thị trường, chúng tôi vẫn lạc quan để thực hiện vượt kế hoạch bảo thủ này (lãi sau thuế 1.000 - 1.300 tỷ đồng ở 2 kịch bản)”, bà Tâm nhấn mạnh.

Trong nhóm ngân hàng, trả lời câu hỏi của cổ đông trong cuộc họp sáng 24/4/2025, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank (mã TPB) cho hay, Ngân hàng hiện có khoảng 10.800 tỷ đồng dư nợ liên quan đến nhóm khách hàng hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các khoản vay này không gây nhiều lo ngại bởi doanh thu từ xuất nhập khẩu chỉ chiếm dưới 20% tổng doanh thu của các doanh nghiệp liên quan.

Tổng giám đốc HDBank (mã HDB) Phạm Quốc Thanh thông tin, dư nợ liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Mỹ hiện chiếm chưa đến 1,5% tổng dư nợ của Ngân hàng, do đó mức độ ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan là không đáng kể.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn