Ngân hàng cảnh báo 5 chiêu trò giả mạo, người dùng Android cần đặc biệt lưu ý
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank - Mã: KLB) vừa phát đi cảnh báo đến khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo qua thiết bị di động. Cụ thể, các chiêu thức lừa đảo phổ biến gồm:
1. Giả mạo cuộc gọi từ ngân hàng
Kẻ gian sử dụng số điện thoại giả mạo ngân hàng để liên hệ, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân hoặc mã OTP để xác nhận giao dịch. Qua đó, người dùng có khả năng bị lừa đảo nếu không kiểm tra kỹ số điện thoại gọi đến.
2. Tin nhắn giả mạo
Các đối tượng gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng yêu cầu người dùng nhấp vào đường link để xác nhận thông tin tài khoản hoặc nhận thưởng.
3. Ứng dụng ngân hàng giả
Kẻ xấu tạo ra ứng dụng giả mạo có giao diện giống hệt ứng dụng ngân hàng chính thức và lừa người dùng tải về.
4. Email giả mạo:
Các đối tượng gửi email giả mạo ngân hàng có nội dung khẩn cấp, yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân hoặc đăng nhập vào tài khoản qua đường liên kết.
5. Mã độc Fakecall:
Đây là một loại mã độc nguy hiểm, nhắm vào người dùng thiết bị Android để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Loại mã độc này có khả năng xâm nhập vào thiết bị, từ đó tự động giả mạo các cuộc gọi và đánh cắp toàn bộ dữ liệu cá nhân trên tài khoản ngân hàng.
Do đó, KienlongBank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng.
Ngoài ra, khách hàng không tải và sử dụng các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng phiên bản bẻ khóa (crack) được đăng tải trên Internet.
Đồng thời, người dùng nên thường xuyên cập nhật các bản vá bảo mật cho thiết bị để đảm bảo an toàn.
Nếu nghi ngờ thiết bị bị xâm nhập, khách hàng cần lập tức tắt nguồn và liên hệ ngân hàng để khóa tài khoản. Trường hợp nghiêm trọng, khách hàng nên thông báo cho cơ quan công an để được hỗ trợ kịp thời.
KienlongBank khẳng định, ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản cũng như mật khẩu dưới bất kỳ hình thức nào.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn