Ngân hàng đồng loạt chốt lịch trả cổ tức

Nhà băng đồng loạt chốt lịch trả cổ tức

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) mới đây thông báo 26/5 là ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức năm 2024 bằng tiền và cổ phiếu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 23/5. Ngày thanh toán là 5/6.

Theo đó, cổ đông ACB sẽ được nhận cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 10% (một cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Số tiền mà ACB dự kiến dùng để chia cổ tức là 4.467 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ACB còn dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 15% (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Nhưng thời điểm thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu chưa được công bố.

Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) thông báo 20/5/2025 là ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt. Ngày thanh toán là 28/5. Tỷ lệ thực hiện 25%, tức 1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.500 đồng. Tổng số tiền mà LPBank chi trả cổ tức trong đợt này là 7.468 tỷ đồng.

Hiện LPBank là ngân hàng có tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất thị trường. Đây cũng là lần đầu tiên LPBank trả cổ tức bằng tiền mặt sau hơn 7 năm.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chốt 16/5 là ngày đăng ký cuối cùng để hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt. Cổ tức sẽ được thanh toán vào ngày 23/5. Với tỷ lệ chi trả là 5%/mệnh giá (500 đồng/cp), số tiền mà VPBank dự kiến dùng để chia cổ tức là 3.967 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng chốt danh sách cổ đông để thực hiện chia cổ tức trong tháng 5 này. Ngày 16/5 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông hưởng quyền, ngày thanh toán là ngày 23/5. Với tỷ lệ 10%/mệnh giá, dự kiến TPBank sẽ chi 2.642 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/4 để trả cổ tức tiền mặt năm 2024 với tỷ lệ 7%. Thời gian thực hiện vào 23/5. VIB dự kiến chi 2.085 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Một số nhà băng khác cũng đã thông qua kế hoạch trả cổ tức trong năm 2025 nhưng chưa thông báo ngày chốt quyền.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện 10%. Với gần 7,065 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Techcombank dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt là gần 7.065 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ năm nay, cổ đông Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã thông qua phương án sử dụng 21.556 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, với tổng tỷ lệ 35%, bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trong đó, MB sẽ dành 1.831 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3%.

Tương tự, ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%. Theo đó, MSB dự kiến phát hành thêm tối đa 520 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để chia cổ tức.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng dự kiến phát hành thêm 343,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 25%.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới đây đã thông qua kế hoạch chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 7% trên vốn điều lệ, tương đương số tiền 1.726 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng này tiếp tục trình phương án phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 8% trên vốn điều lệ trong năm nay.

Năm 2025, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dự kiến dùng 7.317 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trong đó, tỷ lệ chia tiền mặt là 5%, tương ứng với số tiền là 2.033 tỷ đồng và tỷ lệ 13% bằng cổ phiếu.

Nên trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu?

Như vậy, đến nay, có 9 trên 27 nhà băng niêm yết trên sàn chứng khoán chia cổ tức bằng tiền mặt. Đồng thời, hầu hết trong số này cũng phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhằm tăng bộ đệm vốn cho các ngân hàng.

Với các nhà băng còn lại trên thị trường chứng khoán, một số không chia tiền mặt nhưng phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ.

Trong khi đó, một vài ngân hàng như SeABank, Sacombank, Eximbank và ABBank không chia cổ tức bằng tiền hay cổ phiếu trong năm nay. Muốn chia cổ tức, Sacombank phải hoàn tất quá trình tái cơ cấu, trong đó nhà băng này cần được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án xử lý số cổ phiếu của ông Trầm Bê.

Còn ban lãnh đạo Eximbank và SeABank nói không chia cổ tức trong năm nay nhằm củng cố năng lực tài chính nội tại.

Nhiều chuyên gia cho biết, chi trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu còn tùy vào chiến lược của từng ngân hàng.

Cổ tức ngân hàng đang trở thành phép thử cho tư duy điều hành và khả năng cân đối giữa lợi ích cổ đông và mục tiêu tăng trưởng dài hạn. Khi một số ngân hàng mạnh tay chi tiền mặt để giữ chân cổ đông ngắn hạn thì nhiều nhà băng khác lựa chọn phương án chia cổ phiếu và giữ lại lợi nhuận nhằm chuẩn bị cho các chu kỳ tăng vốn, phát hành riêng lẻ và nới room ngoại trong tương lai.

Song phương án nào cũng có 2 mặt. Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, trả cổ tức bằng tiền mặt mang lại cảm giác chắc chắn cho cổ đông khi tìm kiếm lợi nhuận trong đầu tư cổ phiếu.

Chứng khoán VPS đánh giá, những đơn vị thường xuyên trả cổ tức bằng tiền có tình hình tài chính lành mạnh và minh bạch. Đây là một đặc điểm hấp dẫn nhà đầu tư.

Còn việc trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt giúp các ngân hàng tích lũy vốn tự có, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) và tăng khả năng mở rộng tín dụng, đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Đối với cổ đông, đây là cơ hội sở hữu thêm cổ phiếu mà không phải bỏ thêm vốn đầu tư, đồng thời hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngân hàng.

Theo quy định hiện hành, cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu đều phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ bị điều chỉnh tương ứng với số cổ tức mà ngân hàng chi trả trên mỗi cổ phiếu.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, các ngân hàng nên tiếp tục có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu xen kẽ cùng tiền mặt để tăng khả năng đáp ứng vốn cũng như năng lực tài chính.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn