Ngân hàng và tài sản số: 'Dù muốn hay không, ngân hàng cũng khó có thể đứng ngoài xu hướng'
Ngân hàng và tài sản số
Gần đây, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu và đề xuất khung pháp lý cho tài sản số, trong đó đáng chú ý là xây dựng Nghị quyết thí điểm nhằm triển khai sàn giao dịch tài sản mã hóa tại Việt Nam. Với vai trò trung gian tài chính và quản lý tài sản, ngành ngân hàng bước đầu có những động thái nghiên cứu, đánh giá và định hướng tiếp cận lĩnh vực này.
Tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2025, trước câu hỏi của cổ đông về khả năng tham gia xây dựng sàn giao dịch tài sản số, ban lãnh đạo Ngân hàng BIDV cho biết dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa do Bộ Tài chính xây dựng hiện đang được lấy ý kiến.
“Với vai trò là một ngân hàng thương mại nhà nước và có bề dày kinh nghiệm hoạt động, BIDV cam kết sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các chính sách, chương trình liên quan đến việc xây dựng sàn giao dịch tài sản số cũng như quá trình triển khai hạ tầng”, đại diện BIDV chia sẻ.
Tuy vậy, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm nhấn mạnh, ngân hàng hiện không có chủ trương hay kế hoạch thành lập công ty riêng để triển khai, vận hành sàn giao dịch tài sản số, do đặc thù yêu cầu cao về vốn, công nghệ và các yếu tố kỹ thuật phức tạp.
Theo ông, sàn giao dịch tài sản số nên dành cho khu vực doanh nghiệp, tư nhân đảm nhận. BIDV sẽ tham gia thị trường này với vai trò là một ngân hàng lớn, tương tự như cách ngân hàng đã hỗ trợ hoạt động thanh toán trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khi đó, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh nhận định, lĩnh vực quản lý tài sản số còn rất mới, đóng vai trò quan trọng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, theo ông Vinh, dù muốn hay không, các tổ chức tài chính, trong đó có VPBank, cũng khó có thể đứng ngoài xu hướng này.
“VPBank sẵn sàng tham gia và hiện đang trong quá trình đánh giá, phân tích kỹ lưỡng, đồng thời tiếp xúc với các đối tác liên quan trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngân hàng cho rằng việc cung cấp dịch vụ tài sản số cần được cân nhắc thận trọng và sẽ công bố thông tin cụ thể vào thời điểm phù hợp”, ông Vinh cho biết.
Còn theo Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh, ngân hàng cũng đang quan tâm đến các lĩnh vực như blockchain, tài sản số và hệ thống chuyển mạch, xem đây là những yếu tố có thể hỗ trợ cho chiến lược chuyển đổi số và nâng cao khả năng chủ động về công nghệ, nền tảng hoạt động.
Theo ông Hồ Hùng Anh, các nội dung này không còn là mới đối với ngành tài chính và cũng đã được nhiều tổ chức tài chính, trong đó có Techcombank, đưa vào định hướng chiến lược. Ông cho biết nếu có cơ hội phù hợp và được thị trường cho phép, ngân hàng có thể sẽ tham gia và phát triển các nền tảng liên quan. Tuy nhiên, lộ trình cụ thể sẽ còn phụ thuộc vào thời điểm và kết quả triển khai thực tế.
Ngân hàng có thể làm gì với tài sản số?
Theo Ernst & Young Global Limited, việc tham gia vào các hoạt động liên quan đến tài sản số có thể mang đến cho các ngân hàng cơ hội tiếp cận những phân khúc khách hàng mới, khai thác các nguồn doanh thu tiềm năng và tạo lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường.
Bên cạnh vai trò trong việc xây dựng sàn giao dịch tài sản số, các ngân hàng cũng có thể lựa chọn cung cấp dịch vụ ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp nắm giữ tài sản số, hỗ trợ xử lý và thực hiện thanh toán cho các giao dịch kỹ thuật số. Ngoài ra, hoạt động lưu ký cũng có thể được mở rộng, từ các dịch vụ truyền thống như lưu ký, thanh toán, sang các dịch vụ lưu ký tài sản số thế hệ mới, bao gồm staking (đặt cược) và cung cấp quyền truy cập vào các nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi).
Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể cung cấp các khoản vay được đảm bảo bằng tiền số, tài sản số. Đơn cử như tại Thuỵ Sĩ, quốc gia này có hệ thống ngân hàng mạnh mẽ và đã sớm tiếp cận tiền số. Cụ thể, các ngân hàng như Bitcoin Suisse, Sygnum và SEBA cung cấp dịch vụ ngân hàng tài sản số và cho vay thế chấp bằng tài sản số, được quản lý bởi Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Thụy Sĩ (FINMA).

Liên quan đến vấn đề sử dụng tài sản số làm tài sản thế chấp cho các khoản vay tại ngân hàng, tại một sự kiện mới đây, TS. Lê Thị Giang (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng tài sản số có nhiều đặc điểm nổi bật như tính thanh khoản cao, dễ giao dịch, minh bạch, tiết kiệm chi phí và có tiềm năng góp phần thúc đẩy kinh tế số. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho loại tài sản này là yêu cầu cấp thiết nhằm theo kịp thực tiễn phát triển và xu hướng toàn cầu hóa.
Theo TS Giang, trước hết cần xác lập rõ địa vị pháp lý của tài sản số, công nhận đây là một loại hình tài sản trong Bộ luật Dân sự. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tài sản số có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch tài chính. Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về nội dung này, trong khi nhu cầu giao dịch và sử dụng tài sản số đang ngày càng gia tăng.
“Việc hoàn thiện khung pháp lý không chỉ tạo sự yên tâm cho ngân hàng và doanh nghiệp khi tiếp cận loại tài sản mới, mà còn góp phần thúc đẩy tài chính xanh và kinh tế số - phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa và phát triển bền vững”, TS. Lê Thị Giang nhận định.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, để xác định một loại tài sản có đủ điều kiện trở thành tài sản bảo đảm trong giao dịch với ngân hàng hay không, cần xét đến hai tiêu chí cơ bản: tài sản đó phải có quyền sở hữu hợp pháp và không bị pháp luật cấm giao dịch.
Theo ông Đức, pháp luật hiện hành đã cho phép tài sản bảo đảm bao gồm cả tài sản hiện hữu và tài sản hình thành trong tương lai. Do đó, các loại tài sản mới như tài sản số hoàn toàn có thể được xem xét là tài sản bảo đảm hợp pháp. Ông cũng nhấn mạnh rằng, so với bất động sản - vốn chỉ trao quyền sử dụng, tài sản số thậm chí có thể mang lại quyền sở hữu thực sự cho người nắm giữ.
Tuy nhiên, luật sư Đức cũng lưu ý rằng việc ngân hàng chấp nhận thế chấp bằng tài sản số vẫn cần được cân nhắc kỹ lưỡng bởi đây là loại tài sản có tính biến động cao và khó định giá. Những biến động bất thường có thể làm gia tăng rủi ro tài chính đối với các tổ chức tín dụng khi xử lý tài sản bảo đảm.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn