Ngân hàng Việt Nga đề xuất nhiều biện pháp gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp

Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi với Liên bang Nga vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Balduev Konstantin, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng liên doanh Việt Nga (VRB), nhận định: "Mặc dù những năm qua đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng quan hệ hợp tác kinh tế của 2 quốc gia vẫn duy trì và phát triển bền vững, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt - Nga có sự sụt giảm nhẹ nhưng vẫn đạt ở mức cao hơn 3 tỷ USD, tương đương 323 tỷ RUB, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu". 

Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại giữa hai nước, việc cung cấp những giải pháp tài chính để doanh nghiệp hai nước phát triển ổn định và bền vững là hết sức cần thiết. Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga (VRB) hiện đang thực hiện sứ mệnh này một cách tích cực và hiệu quả.

Được thành lập từ năm 2006, VRB là kết quả hợp tác giữa chính phủ, ngân hàng trung ương hai nước và trực tiếp là hai ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam và Liên bang Nga là BIDV (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) và VTB (Ngân hàng Ngoại thương Nga).

Qua 17 năm xây dựng, hiện nay VRB có 6 chi nhánh đặt tại các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh với 20 điểm giao dịch cùng các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, hiện đại.

Trong lĩnh vực thanh toán giữa hai quốc gia, VRB là ngân hàng duy nhất kết nối thanh toán cũng như giữ vững vai trò chủ đạo trong thanh toán song phương giữa đồng VND và đồng RUB góp phần thúc đẩy giao thương 2 nước.

Thông qua VRB, khách hàng có thể chuyển tiền trực tiếp Việt – Nga bằng đồng nội tệ mà không cần qua trung gian với mức phí ưu đãi, nhanh chóng, an toàn và bảo mật. Hiện tại, chúng tôi đã phục vụ hơn 1.000 lượt khách hàng có quan hệ giao thương với Nga với giao dịch thanh toán song phương hơn trăm tỷ RUB mỗi năm và con số này vẫn không ngừng tăng trưởng qua từng năm.

VRB hiện tài trợ xuất nhập khẩu với đa dạng các hình thức tài trợ như cho vay, bảo lãnh, chiết khấu bộ chứng từ với lãi suất hấp dẫn chỉ từ 2-3% và mức phí hợp lý, đáp ứng nhu cầu tài chính cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nga trong lĩnh vực linh kiện điện tử, nông sản, thủy sản, xăng dầu, phân bón, sản phẩm từ dầu mỏ... với tổng doanh số cho vay lên đến hàng ngàn tỷ VND.

Ngoài ra, VRB cung cấp dịch vụ ngoại hối bằng đồng RUB như mua bán tiền mặt, chuyển khoản. Khách hàng có thể thực hiện chuyển khoản ngoại tệ cho người hưởng tại VRB từ tài khoản RUB-RUB và từ tài khoản RUB-VND. Ngoài ra hàng khách còn được tư vấn phương án kinh doanh ngoại hối có lợi nhất, giảm chi phí và giảm rủi ro về tỷ giá cũng như rủi ro về lãi suất trên thị trường.

Với mảng bán lẻ, ngân hàng này đã thiết lập hệ thống thanh toán thẻ giữa Nga và Việt Nam, tham gia hệ thống thanh toán SPFS, nhằm hỗ trợ khách du lịch Nga rút tiền VND thông qua kết nối thẻ ATM giữa Việt Nam – Nga, tạo thuận lợi cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng Nga khi tham quan, du lịch tại Việt Nam. Góp phần thúc đẩy du lịch, quảng bá hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

VRB cũng đa dạng các hoạt động thanh toán online, các sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu của cộng đồng cư dân Nga đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên theo Phó tổng giám đốc VRB,  trong những năm gần đây, tình hình quốc tế khó khăn đã ảnh hưởng quan hệ kinh tế thương mại Nga-Việt nói chung cũng như tới khách hàng và VRB nói riêng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đại diện VRB đã đề xuất các cơ quan ban, ngành cần có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ công đồng doanh nghiệp Nga và Việt Nam như: cơ chế hỗ trợ thuế, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp logistic để mở thêm nhiều tuyến đường vận tải biển, bằng đường sắt, hàng không, xúc tiến du lịch… Điều này cũng gián tiếp hỗ trợ VRB phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, đại diện ngân hàng này cũng mong muốn các cơ quan, tổ chức sẽ thường xuyên tổ chức các hội thảo xúc tiến thương mại tạo cầu nối giữa các doanh nghiệp với VRB để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là nhưng vướng mắc trong vân đề thanh toán song phương bằng đồng VND và đồng RUB.

Xem thêm tại vneconomy.vn