Ngành cao su Việt Nam sẵn sàng thực hiện Quy định EUDR

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phối hợp Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, Viện Khoa học Lâm nghiệp xây dựng kế hoạch hành động thích ứng quy định EUDR.

Hội thảo 'Xây dựng kế hoạch hành động thích ứng quy định EUDR' tại TP.HCM ngày 4/5. Ảnh: VFCO.

Hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động thích ứng quy định EUDR” tại TP.HCM ngày 4/5. Ảnh: VFCO.

Quy định của Liên minh châu Âu (EU) về sản xuất hàng hóa không gây mất rừng (EUDR) có hiệu lực vào tháng 6/2023. Mục tiêu của EUDR là ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng, đóng góp vào bảo vệ môi trường và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Theo đó, các hàng hóa nông nghiệp thương mại tại thị trường EU sẽ phải đáp ứng và chứng minh các yêu cầu về mất rừng và suy thoái rừng trong toàn bộ chuỗi cung ứng. EUDR quy định 7 ngành hàng thương mại tại EU sẽ bị kiểm soát gồm gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su, cà phê, ca cao, thịt bò, cọ dầu và đậu tương. Đối với Việt Nam, 3 ngành hàng là cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ được dự báo sẽ chịu tác động đáng kể từ quy định của EUDR.

Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành cao su và đáp ứng các yêu cầu của thị trường, ngày 4/5/2024, tại TP.HCM, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) tổ chức hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động thích ứng quy định EUDR”.

Tham dự hội thảo có ông Trần Công Kha, Chủ tịch VRG, Ban lãnh đạo VRG và khoảng 100 đại biểu là lãnh đạo và các cán bộ kỹ thuật của 63 công ty cao su. Tại hội thảo ông Trần Lâm Đồng, Phó giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc VFCO đã chia sẽ các yêu cầu của EUDR, dự thảo bộ tiêu chuẩn của PEFC về Hệ thống trách nhiệm giải trình EUDR (PEFC EUDR DDS).

Hội thảo đã thảo luận và thống nhất chuẩn bị sẵn sàng thực hiện EUDR thông qua thiết lập EUDR DDS, xây dựng năng lực và triển khai chứng nhận PEFC EUDR trong hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS/PEFC).

VFCO sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với PEFC và VRG để thúc đẩy phát triển ngành cao su bền vững thông qua thực hiện chứng nhận QLRBV, chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) gắn với Hệ thống trách nhiệm giải trình EUDR (PEFC EUDR DDS).

Sở hữu chứng nhận quản lý rừng bền vững là mục tiêu của VRG. Ảnh: Tùng Đinh.

Sở hữu chứng nhận quản lý rừng bền vững là mục tiêu của VRG. Ảnh: Tùng Đinh.

Được biết, Chiến lược Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là một trong những chủ trương quan trọng của VGR nhằm thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: Phát triển kinh tế - Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Theo đó, chiến lược được xây dựng nhằm đáp ứng xu thế phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới, góp phần đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.

Thông qua Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững, VGR đặt mục tiêu tiếp tục phát huy các hoạt động phát triển bền vững đã triển khai thành công trong bốn năm từ năm 2019 - 2023.

Liên quan chuỗi cung ứng, tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2030 có 60% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC và 100% nhà máy chế biến mủ cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

Đến năm 2050, toàn tập đoàn có 100% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC và 100% nhà máy sản xuất (mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su...) có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

https://nongnghiep.vn/nganh-cao-su-viet-nam-san-sang-thuc-hien-quy-dinh-eudr-d384988.html

Xem thêm tại vnrubbergroup.com