Ngành thép qua cơn bĩ cực

Ngành thép vừa vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất, nhưng khó kỳ vọng đà hồi phục sẽ đến nhanh khi môi trường bên ngoài chưa thực sự thuận lợi.

Ngành thép qua cơn bĩ cực

Ngành thép vừa vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất, nhưng khó kỳ vọng đà hồi phục sẽ đến nhanh khi môi trường bên ngoài chưa thực sự thuận lợi.

Trong 3 tháng đầu năm, nhiều công ty thép ghi nhận kết quả kinh doanh cải thiện đáng kể nhờ giá thép hồi phục mạnh từ sau tết. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp đã có lãi trở lại.

"Anh cả" ngành thép, Hoà Phát, lãi ròng gần 400 tỷ đồng trong quý 1/2023, trong khi 2 quý trước đó lỗ 3.8 ngàn tỷ đồng.

Tương tự, hai ông lớn của ngành tôn mạ, Hoa Sen và Tôn Đông Á lãi ròng lần lượt 251 tỷ đồng và 82 tỷ đồng. Riêng Thép Nam Kim vẫn còn lỗ gần 50 tỷ đồng, điều này một phần đến từ việc đánh giá thận trọng về dự phòng hàng tồn kho.

Hay một trường hợp khác là công ty thương mại và gia công thép SMC lãi ròng 21 tỷ đồng sau khi ghi nhận 2 quý lỗ nặng. Riêng Pomina vẫn còn lỗ nặng 184 tỷ đồng trong quý 1, nhưng vẫn giảm lỗ so với 2 quý trước đó.

Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của các doanh nghiệp thép

Đvt: Tỷ đồng

Điểm tích cực khác của ngành thép là một số doanh nghiệp đã xử lý hàng tồn kho giá cao và kéo giá bình quân hàng tồn kho xuống mức thấp.

Đây là điều đã chia sẻ ở ĐHĐCĐ thường niên của Thép Nam Kim và Hoa Sen. Chủ tịch HSGLê Phước Vũ cho biết : "Thời điểm khó khăn nhất của Hoa Sen đã qua và lượng hàng tồn kho giá cao đã xử lý xong".

Vị Chủ tịch khẳng định hàng tồn kho của Hoa Sen hiện đủ dùng tới tháng 5 và giá tồn kho trung bình khoảng 630 USD/tấn. Mức giá này cũng gần với giá tồn kho bình quân của NKG, khoảng 640 USD/tấn.

Cuối quý 1/2023, HPG giảm nhẹ hàng tồn kho xuống 34.6 ngàn tỷ đồng, HSG còn 7.2 ngàn tỷ đồng, NKG còn 6.6 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tăng hàng tồn kho, như Tôn Đông Á, Thép Việt Nam, SMC...

Ngoài ra, dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng giảm mạnh theo đà tăng của giá thép trong quý 1/2023. Không chỉ riêng Hòa Phát, hầu hết các doanh nghiệp thép như Hoa Sen, Thép Nam Kim, VnSteel (TVN), Pomina (POM),… cũng đều đã giảm mạnh dự phòng giảm giá so với thời điểm cuối năm ngoái.

Khó hồi phục nhanh chóng?

Theo nhận định của nhiều lãnh đạo, ngành thép đã qua giai đoạn tồi tệ nhất, nhưng quá trình hồi phục sẽ đối mặt với nhiều rào cản.

Rào cản đầu tiên là nhu cầu tiêu thụ thép vẫn còn rất yếu, được thể hiện phần nào qua doanh thu quý 1/2023 của các doanh nghiệp thép.

Theo SSI Research – bộ phận phân tích của CTCK SSI, nhu cầu thép xây dựng nội địa tiếp tục suy yếu trong vài quý tới khi các dự án bất động sản đình trệ. Theo Savills, số lượng căn hộ mới tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt giảm 27% và 25% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ.

Ngoài kênh dự án, kênh xây dựng dân dụng cũng có dấu hiệu giảm sút và được phản ánh qua mức giảm 18% của số lượng cấp phép xây dựng tại TP.HCM trong quý 1/2023.

Trong khi đó, nhu cầu thép cuộn cán nóng HRC có thể ổn định hơn nhờ nhu cầu xuất khẩu, nhất là thị trường châu Âu và châu Á.

Một rào cản khác của ngành là giá thép đã quay đầu giảm từ tháng 4/2023. Trong đó, giá thép xây dựng đã 4 lần giảm giá, còn giá thép HRC hạ xuống mức 630 USD/tấn.

SSI Research nhận định việc điều chỉnh giá thép sẽ gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn của các doanh nghiệp.

"Chúng tôi cho rằng giá thép sẽ chịu áp lực trong ngắn hạn theo xu hướng của giá thép và giá nguyên liệu trong khu vực", các chuyên viên phân tích tại SSI Research cho biết.

Ngoài ra, các chuyên viên phân tích còn lưu ý rằng thuế tự vệ đối với phôi thép (11.3%) đã hết hiệu lực từ tháng 3/2023, điều này sẽ khiến áp lực cạnh tranh trong nước gia tăng. Do đó, giá thép trong nước có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn.

Có thể nói rằng ngành thép Việt đã cải thiện, nhưng khó có thể kỳ vọng công ty “chạy nhanh” khi vừa qua khỏi “bạo bệnh”. Ít nhất thì tình hình tài chính của các doanh nghiệp thép cũng khả quan hơn rất nhiều sau giai đoạn kinh doanh bùng nổ trong năm 2020-2021.

Vũ Hạo

FILI