Ngoại trừ ngân hàng, phần lớn doanh nghiệp niêm yết đặt mục tiêu lợi nhuận dè dặt năm 2023

Thống kê của FiinTrade cho thấy tính đến ngày 27/3/2023, có 214/1685 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết chiếm 29,6% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường đã công bố kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho năm 2023.

Với nhóm ngân hàng, thống kê cho thấy, hiện đã có 7/27 ngân hàng đưa ra kế hoạch kinh doanh 2023, nhưng chưa có ngân hàng nào đặt kế hoạch lợi nhuận 2023 giảm so với năm 2022.

Ngoại trừ 5 ngân hàng VCB, ACB, VIB, TPB và NAB đã được cập nhật mới đây, EIB và PGB là hai ngân hàng vừa có kế hoạch lợi nhuận 2023, dự kiến tăng trưởng lần lượt là 35,8% và 11,5%.

Điểm chung đối với các kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng này là (i) tín dụng được kỳ vọng tăng cao, 10%-14%, và (ii) tỷ lệ nợ xấu dự kiến ở mức thấp tương đương với năm 2022, mặc dù nguy cơ nhảy nhóm nợ, nợ xấu ngày càng hiện hữu ở nhiều doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh vĩ mô không thuận lợi và hệ lụy từ biến động tiêu cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Với khối doanh nghiệp, đã có 194 doanh nghiệp công bố kế hoạch 2023, trong đó chỉ có gần 40% dự kiến lợi nhuận tăng trưởng. 

Phần lớn các doanh nghiệp thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2023. Có 194/1518 doanh nghiệp Phi tài chính đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023, trong đó chỉ có 79 doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận tăng trưởng so với năm 2023. Môi trường lãi suất cao, nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu cũng như trong nước yếu đi là hai lý do chính khiến các doanh nghiệp khá dè dặt trong việc đưa ra kế hoạch năm 2023.

Một số doanh nghiệp thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023. 
Một số doanh nghiệp thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023. 

Nhóm đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Đây thường là các doanh nghiệp mà hoạt động kinh doanh gặp khó trong giai đoạn dịch COVID-19, bao gồm Nước (TDM), Xây dựng và Vật liệu (HBC, VLB, VHL), Thực phẩm (DBC, VCF).

Ngoài ra, đáng chú ý có PVB, một công ty con do Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) sở hữu 52,94% vốn điều lệ. Sau 2 năm lợi nhuận giảm sâu, PVB đặt mục tiêu tăng trưởng +117,6% về lợi nhuận 2023, với kỳ vọng cải thiện mạnh ở các mảng hoạt động chính nhờ sắp triển khai một loạt các gói thầu bọc ống cho một số dự án dầu khí.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng do ghi nhận tình trạng lỗ sau kiểm toán năm 2022, cổ phiếu PVB bị đưa vào danh sách chứng khoán không được giao dịch ký quỹ (margin) từ ngày 13/3/2023 và theo quy định, chỉ được xem xét cấp margin trở lại sau khi có báo cáo soát xét nửa đầu năm 2023.

Xem thêm tại vneconomy.vn