Nhận diện rủi ro tiềm ẩn với ngành ngân hàng

NIM ngân hàng sẽ tiếp tục dò đáy

Tính đến hết ngày 24/4/2024, đã có khoảng 11 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý I/2024. Lần đầu tiên trong nhiều năm, sau một quý trước đó chứng kiến tăng trưởng tín dụng mạnh, thu nhập của nhiều ngân hàng lại bất ngờ sụt giảm. Điều này làm lộ rõ bức tranh phân hóa sâu sắc trong kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý I/2024.

Cụ thể, mặc dù các ngân hàng như TCB và LPBank ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, nhiều ngân hàng khác lại không đạt được kỳ vọng. Sự phân hóa này phản ánh đa dạng về hiệu quả quản trị và chiến lược hoạt động trong từng ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 của các ngân hàng thương mại chủ yếu đến từ việc thúc đẩy cho vay các doanh nghiệp hơn là cho vay cá nhân. Đến quý I/2024, xu hướng này vẫn tiếp diễn. Những ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận tích cực so với cùng kỳ như Techcombank, LPBank, SeABank đều thuộc nhóm có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cao và có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn hẳn so với bình quân toàn ngành. Cụ thể, Techcombank có mức tăng trưởng tín dụng 19,48% trong năm 2023, LPBank tăng trưởng tín dụng 27% trong năm trước. Tăng trưởng cho vay doanh nghiệp giúp các ngân hàng này cải thiện tỷ lệ CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi), từ đó giúp giảm COF và cải thiện mức NIM.

Trong khi đó, đối với những ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân cao như ACB, VIB và MBB có mức tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn hơn hẳn. Trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu vay vốn vẫn còn yếu, tăng trưởng tín dụng cả hệ thống đến cuối tháng 3 chỉ đạt 0,26%, các ngân hàng phải cho vay với mức lãi suất thấp để tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng tập trung cho vay cá nhân không có ưu thế về chi phí vốn so với các ngân hàng cho vay doanh nghiệp do có tỷ lệ CASA thấp hơn. Theo thống kê trong quý I/2024, TCB vẫn giữ tỷ lệ CASA khoảng 40%, tương đương quý trước. Tỷ lệ CASA của LPB cũng tăng nhẹ lên 10,7%, điều này đối lập với MBB, vốn có mức CASA từ 40% tại quý IV/2023 giảm xuống chỉ còn 36% hiện tại. Thêm vào đó, việc duy trì lãi suất cho vay thấp như hiện nay có tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân cao. MBB đã giảm NIM xuống 4,67% so với mức 5,6% của cùng kỳ, VIB giảm xuống 4,5%, dẫn đến mức lợi nhuận trước thuế thấp hơn so với cùng kỳ.

Điều này cho thấy một thực trạng rằng các ngân hàng phải giảm mức lãi suất cho vay để thúc đẩy tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến mức sinh lời trên danh mục cho vay. Việc duy trì NIM thấp là thách thức lớn cho ngân hàng trong bối cảnh lãi suất toàn cầu biến động và chi phí huy động vốn tăng. Các ngân hàng có xu hướng tập trung vào cho vay cá nhân trong những năm gần đây như MB, ACB và VIB đã chứng kiến mức tăng trưởng thu nhập âm, dù tăng trưởng tín dụng vẫn nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm NIM mạnh mẽ tại các ngân hàng này cho thấy rõ ràng những khó khăn trong việc duy trì biên lãi trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng và chi phí vốn cao. Điều này cũng báo hiệu triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng trở nên khó lường hơn, khi mà việc phụ thuộc vào lãi suất cho vay có thể dẫn đến biến động lớn trong hiệu quả hoạt động.

Rủi ro tiềm ẩn từ các khoản cho vay doanh nghiệp

Tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 của các ngân hàng thương mại chủ yếu đến từ việc thúc đẩy cho vay các doanh nghiệp hơn là cho vay cá nhân. Trong quý I/2024, nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cao cũng chính là nhóm có tăng trưởng lợi nhuận tốt, so với mức tăng trưởng âm của nhóm tập trung cho vay cá nhân. Tuy nhiên, lợi nhuận của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng đáng kể nếu mức trích lập dự phòng tín dụng tăng lên, vì vậy, diễn biến nợ xấu cần được xem xét khi đánh giá mức tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng. Đặc biệt, việc cho vay doanh nghiệp trong hệ sinh thái càng tạo ra một môi trường tài chính phức tạp và rủi ro, khi mà mức nợ xấu không tăng tương ứng do có khả năng các khoản nợ xấu đã bị che lấp qua các biện pháp tài chính như cơ cấu lại nợ, tiền vay lại trở thành tiền gửi trong hệ thống, chứ không thực sự chảy vào các hoạt động kinh tế. Sự phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các ngành đã khiến cho việc đánh giá chất lượng tài sản trở nên khó khăn hơn, làm tăng rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống tài chính.

Thời gian qua, dòng vốn đầu tư cũng thể hiện sự rút mạnh khỏi quỹ ETF FINLEAD, quỹ mô phỏng chỉ số đầu tư các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Tháng 4/2024 cũng ghi nhận mức bán ròng liên tiếp của Quỹ sau khi dòng vốn có dấu hiệu phục hồi trong tháng 2 sau khi cả nửa cuối năm 2023 đã chứng kiến dòng vốn rút ròng ra khỏi quỹ. Điều này cho thấy triển vọng bi quan của thị trường về cổ phiếu ngân hàng. Việc Thông tư 02 được gia hạn đến hết năm 2024 khiến cho bức tranh nợ xấu của ngân hàng không được phản ánh đầy đủ trên báo cáo tài chính, từ đó ảnh hưởng nhiều đến chất lượng lợi nhuận của các cổ phiếu ngân hàng. Rủi ro từ sự biến động của thị trường vốn và tình hình kinh doanh của các ngân hàng vẫn là mối quan tâm lớn cho nhà đầu tư và các cơ quan quản lý.

Triển vọng thận trọng của ngành còn có thể được thể hiện qua cách các ngân hàng thương mại đặt mục tiêu lợi nhuận trong năm nay. Tính đến cuối tháng 4, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch lợi nhuận cho năm 2024, tuy nhiên, phần lớn ngân hàng có mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn khi so với mục tiêu họ đã đề ra trong năm 2023. Điều này phản ánh một chiến lược tăng trưởng thận trọng của các ngân hàng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước có nhiều diễn biến khó lường. Cụ thể, các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank mặc dù vẫn dẫn đầu về lợi nhuận trong ngành, nhưng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng dự kiến cho năm 2024 không quá cao, chỉ tương đương tăng trưởng tín dụng trung bình ngành. Riêng Vietcombank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 5% lợi nhuận trước thuế so với mức 15% của năm 2023. Trong khi việc để ngỏ kế hoạch lợi nhuận của BIDV và Vietinbank cũng cho thấy sự thận trọng và dè dặt của các ngân hàng trong việc đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024.

Ngân hàng HDBank và TPBank dự báo tăng trưởng lợi nhuận lần lượt là 20% và 34% cho thấy một kỳ vọng tích cực hơn, hay VPBank đặt ra con số tăng trưởng tham vọng hơn 100% trong năm 2024. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của VPBank phải đặt trong bối cảnh lợi nhuận trước thuế của họ giảm gần 50% trong năm ngoái do nợ xấu tăng mạnh. Việc thận trọng là cần thiết, để có thể dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay, đặc biệt khi ngành ngân hàng đang phải đối mặt với sự suy giảm tín dụng và tăng trưởng kinh tế chậm có thể kéo dài.

Sự phân hóa trong mức lợi nhuận của các ngân hàng cho thấy những rủi ro tiềm ẩn từ bất ổn vĩ mô, rủi ro chất lượng lợi nhuận và danh mục cho vay của ngân hàng vẫn rất lớn. Trước các biến động trong môi trường kinh tế, cùng với áp lực từ việc cải thiện chất lượng tài sản và quản lý nợ xấu, ngành ngân hàng không những được động viên đẩy mạnh tín dụng, mà cần được giám sát chặt chẽ hơn để đảm bảo duy trì chất lượng tài sản cho toàn hệ thống.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn