Thống kê giao dịch trên sàn HOSE tuần qua, chỉ số VN-Index có 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng duy nhất ngày 12/9. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 22,25 điểm (-1,75%) xuống mức 1.251,71 điểm.
Thanh khoản trên cả 2 sàn tuần này cao hơn so với tuần giao dịch sau lễ trước đó (do có đủ 5 phiên giao dịch so với 3 phiên của tuần trước) nhưng giá trị giao dịch trung bình phiên trên 3 sàn giảm 21,29%, trong đó giá trị khớp lệnh tại HOSE trong 2 phiên giao dịch cuối tuần giảm xuống dưới 10.000 tỷ đồng, thấp nhất kể từ ngày 30/10/2023.
Diễn biến sàn HOSE trong tuần tuần 9-13/9
Ngày | VN-Index | Biến động | Khối lượng GD | Giá trị GD |
13/9 | 1.251,71 | -4,64 (-0,37%) | 482.055.936 | 11.174 |
12/9 | 1.256,36 | +3,08 (+025%) | 433.675.900 | 10.471 |
11/9 | 1.253,27 | -1,96 (-0,16%) | 583.746.472 | 12.844 |
10/9 | 1.255,23 | -12,5 (-0,99%) | 690.102.153 | 15.600 |
9/9 | 1.267,73 | -6,23 (-0,49%) | 497.552.945 | 11.693 |
Về chỉ số, trên sàn HNX có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tổng cộng cả tuần chỉ số HNX-Index kết tuần ở mức 232,42 điểm, giảm 2,23 điểm, tương ứng giảm 0,95% so với tuần trước. Thanh khoản cũng giảm mạnh 20,4% so với tuần trước, đạt 5.210 tỷ đồng.
Diễn biến sàn HNX trong tuần từ 9-13/9
Ngày | HNX-Index | Biến động | Khối lượng GD | Giá trị GD |
13/9 | 232,42 | +0,51 (+0,22%) | 47.066.500 | 746 |
12/9 | 231,9 | +0,45 (+0,19%) | 47.271.030 | 947 |
11/9 | 231,45 | -0,24 (-0,1%) | 42.256.184 | 817 |
10/9 | 231,69 | -1,77 (-0,76%) | 55.838.200 | 1.095 |
9/9 | 233,46 | -1,19 (-0,51%) | 59.338.625 | 1.121 |
Thị trường trải qua tuần giao dịch khá ảm đạm với 2 phiên giao dịch cuối tuần khối lượng giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2023 đến nay, khi dường như nhà đầu tư đang chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến, hậu quả nặng nề của cơn bão Yagi. VN-Index có 5 phiên chịu áp lực điều chỉnh từ 1.270 điểm về vùng giá 1.250 điểm.
Nhìn lại dự báo của các công ty chứng khoán tuần qua từ 9-13/9:
CTCK Vietcombank – VCBS sau khi đưa ra nhận định lạc quan và thiếu chuẩn xác trong phiên đầu tuần ngày 9/9 khi cho rằng xu hướng thị trường vẫn sẽ hướng lên khu vực 1.300 điểm, VCBS đã chuyển qua trạng thái thận trọng và khá trung lập trong các phiên giao dịch sau đó.
Cụ thể, VCBS cho rằng thị trường vẫn rung lắc nhưng chưa quá tiêu cực, khu vực 1.250 điểm sẽ là hỗ trợ gần nhất và kỳ vọng sẽ sớm có nhịp phục hồi tại vùng điểm số này. Đồng thời, khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục, thậm chí có thể cân nhắc giải ngân thêm đối với những mã có tín hiệu kiểm định thành công nền hỗ trợ, vận động tốt quanh đường MA20 và thu hút dòng tiền ổn định.
Tương tự, CTCK Asean cũng khá tự tin trong phiên đầu tuần khi khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình và chuẩn bị sẵn tiền mặt để tận dụng các cơ hội khi thị trường ổn định hơn.
Tuy nhiên, sau diễn biến kém lạc quan, CTCK Asean đã thận trọng và có chút tiêu cực hơn khi cho rằng VN-Index có thể chỉnh sâu hơn, thậm chí VN-Index có thể về các mức hỗ trợ 1.220 – 1.230 điểm. Đồng thời, công ty chứng khoán này khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình và chờ đợi tín hiệu đảo chiều rõ ràng hơn để gia tăng vị thế.
Trong khi đó, CTCK KB Việt Nam – KBSV duy trì quan điểm xuyên suốt cả tuần khi cho rằng, mặc dù khả năng điều chỉnh vẫn còn hiện hữu trong thời gian tới, chỉ số vẫn đang có xác suất cao cho phản ứng hồi phục và lấy lại xu hướng tăng điểm tại quanh các ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm.