NHNN bán ngoại tệ can thiệp thị trường; Chuyên gia lên tiếng về đấu thầu vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phiên đấu thầu vàng miếng sẽ diễn ra vào 10h sáng thứ Hai tuần tới (22/4) tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước (Hà Nội).

NHNN cho hay, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu: 16.800 lượng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng/lô. Loại vàng miếng bán là vàng miếng SJC được NHNN tổ chức sản xuất.

Theo đó, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tham gia đấu thầu sẽ phải đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc: 81,80 triệu đồng/lượng (Giá này chỉ phục vụ việc tính đặt cọc). Khối lượng tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu: 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu: 20 lô (tương đương 2.000 lượng). Bước giá dự thầu: 10.000 đồng/lượng. Bước khối lượng dự thầu: 1 lô (100 lượng)

Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.

NHNN cho biết, trường hợp NHNN không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu của NHNN, NHNN quyết định hủy kết quả thầu. Tổ chức tín dụng/doanh nghiệp tham gia đấu thầu phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Quyết định số 563/QĐ-NHNN ngày 18/3/2013 ban hành Quy trình về mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các văn bản sửa đổi, bổ sung liên quan.

Trước đó, NHNN đã có công văn gửi Bộ Tài chính, yêu cầu hỗ trợ NHNN trong việc thực hiện thủ tục thông quan lượng vàng nhập khẩu phục vụ công tác đấu thầu.

NHNN cũng đề nghị Bộ Công an phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, về chính sách đối với thị trường vàng trong nước thời gian tới, đại diện NHNN cũng cho biết cơ quan này đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP, đã lấy ý kiến các bộ ngành. NHNN đã trình Chính phủ chủ trương là nên sửa đổi Nghị định 24.

 Theo đó, đã đánh giá là Nghị định 24 đã có những tác động tích cực trong thời gian qua và đã đến lúc sửa Nghị định này cho phù hợp với các điều kiện hiện nay, đặc biệt tập trung vào vấn đề Nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác.

Thứ hai là là vấn đề có tăng cung bằng nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp hay không, nhất là với vàng trang sức sản xuất và xuất khẩu. Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định trong Nghị định 24 hiện nay đã có quy định này, tức là những doanh nghiệp nào có hợp đồng gia công sản xuất với nước ngoài thì việc nhập khẩu vàng nguyên liệu vẫn đang thực hiện tại các chi nhánh NHNN, không có khó khăn vướng mắc gì. 

Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế

Ngày 22/4 tới, Ngân hàng Nhà nước(NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường, nhằm giảm chênh lệch giá vàng miếng giữa trong nước và quốc tế. Dù vậy, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế.

TS. Đinh Thế Hiển
TS. Đinh Thế Hiển

Từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) ra đời, thị trường vàng Việt Nam “một mình một chợ”, cao hơn giá thế giới có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng. Hôm nay, NHNN tổ chức đấu thầu vàng để tăng cung ra thị trường. Theo ông, giải pháp này có kéo giảm được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế?

Đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để tăng nguồn cung ra thị trường. Đương nhiên, mức giá trúng thầu sẽ thấp hơn giá thị trường hiện nay, song tôi cho rằng, sẽ không thấp hơn đáng kể so với giá thị trường vì người đưa ra giá cao nhất mới trúng thầu. Cho nên, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để bổ sung nguồn cung vàng nhanh nhất ra thị trường, chứ không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng chênh lệch giá vàng bất hợp lý như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. 

Câu hỏi đặt ra là, tại sao trước năm 2012 (trước khi Nghị định 24 ban hành), thị trường vàng không xảy ra tình trạng này, mà sau khi Nghị định 24 ra đời thì tình trạng này ngày càng nghiêm trọng? Nguyên nhân là trước năm 2012, hàng năm vẫn đều đặn có một lượng vàng nhất định được cung ứng cho thị trường, nên chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế chỉ 1-2 triệu đồng/lượng. Từ khi Nghị định 24 ra đời, thị trường hoàn toàn không được bổ sung nguồn cung mới, trong khi nhu cầu mỗi năm lại tăng. Cầu tăng trong khi cung không có, nên chênh lệch giá vàng ngày càng bất hợp lý.

Vậy giải pháp căn cơ để thu hẹp chênh lệch giá vàng là gì, thưa ông?

Đầu tư, tích trữ vàng là nhu cầu chính đáng của người dân. Tôi cho rằng, cần phải nghiên cứu toàn diện, tính toán được nhu cầu vàng của người dân mỗi năm là bao nhiêu. Muốn như vậy, phải tính toán được giá trị gia tăng của Việt Nam mỗi năm là bao nhiêu và với giá trị gia tăng đó, bao nhiêu có thể được tích lũy ở dạng ngoại tệ hoặc vàng. Từ đó, có thể tính ra được số lượng vàng hợp lý nhập khẩu vào Việt Nam.

Đây cũng là cơ sở để NHNN cấp quota (hạn ngạch) cho các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nhằm tăng nguồn cung. Đều đặn bổ sung nguồn cung như vậy, chênh lệch cung cầu, chênh lệch giá vàng sẽ giảm dần.

Người dân đang tăng nắm giữ vàng, NHNN tăng cung vàng ra thị trường. Điều này liệu có dẫn tới nguy cơ vàng hóa nền kinh tế như một số ý kiến lo ngại không, thưa ông?

Vàng hóa chỉ xảy ra cách đây 30 năm, hiện nay, vàng hóa không có cơ sở. Người dân mua nhà, mua đất, mua xe… có ai tính bằng vàng không?

Còn với nhu cầu mua vàng tích trữ của người dân, theo tôi là rất bình thường, không có gì đáng lo. Một quốc gia có thể tích lũy tài sản từ giá trị gia tăng, đó có thể là tích lũy ở đất, ở tiền gửi ngân hàng, ở vàng, ngoại tệ… Nước ta đã cho phép người dân được nắm giữ vàng, ngoại tệ, đất.

Thậm chí, tôi cho rằng, với nền kinh tế thì tích lũy vàng còn tốt hơn là tích lũy đất. Lý do là đất tích lũy thường không tạo giá trị gia tăng cho quốc gia. Giá đất tăng thậm chí còn gây nguy hiểm cho nền kinh tế (đất tăng giá dẫn tới giá thuê đất tăng, khiến các khu công nghiệp khó thu hút nhà đầu tư nước ngoài…). Trong khi đó, vàng có tính thanh khoản rất cao, có thể chuyển thành ngoại tệ bất kỳ lúc nào.

Dù tích lũy tài sản là nhu cầu chính đáng của người dân, song nếu người dân cứ đổ tiền vào vàng hay đất mà không đưa vào sản xuất, kinh doanh, thì nền kinh tế cũng gặp bất lợi?

Chúng ta thấy, chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng quốc tế quy đổi được đẩy lên cao nhất trong 3 năm qua (hiện nay chênh lệch hơn 400 USD/lượng) chính là trong giai đoạn thị trường bất động sản suy thoái, nên người dân chạy theo vàng. Cầu tăng mà cung không tăng thì sẽ dẫn tới chênh lệch giá cao.

Nếu trong lúc này mà quyết tâm không cho chảy máu ngoại tệ thì chúng ta sẽ lại quay về nền kinh tế kế hoạch, duy ý chí, mà cuối cùng cũng không giữ được ổn định thị trường vàng. Nếu không “liên thông có kiểm soát” với thị trường vàng thế giới, thị trường vàng trong nước sẽ méo mó.

Để người dân không chạy theo vàng, điều quan trọng nhất là phải giữ được giá trị của đồng nội tệ. Nếu người dân lo ngại tiền đồng mất giá, họ sẽ lao vào đất, vào vàng. Nếu người dân thấy tiền đồng được bảo đảm, lạm phát thấp, thì dần dần sẽ gửi tiền vào ngân hàng. Nói cách khác, nếu Chính phủ làm tốt nhiệm vụ đảm bảo giá trị tiền đồng thì tiền chảy vào vàng, vào đất sẽ đuối dần, vàng khó làm mưa làm gió.

Rất mừng là mấy năm gần đây, Chính phủ đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tiền đồng, giá bất động sản đã giảm và vàng từ từ rồi cũng sẽ bình ổn nếu chúng ta cho phép nhập khẩu để liên thông. 

Tỷ giá đang nóng lên trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không hạ lãi suất sớm như dự báo. Nếu cho phép nhập khẩu vàng, tỷ giá có bị ảnh hưởng không, thưa ông?

Với chênh lệch giá vàng hiện nay, có ai dám khẳng định không có vàng nhập lậu. Nhập lậu vàng thì chẳng lẽ lại dùng tiền Việt? Chênh lệch càng cao thì nhập lậu càng mạnh, USD lại tiếp tục chảy ra chợ đen. Cho nên, nếu không đưa chênh lệch giá vàng về mức hợp lý, thì không chỉ thị trường vàng rối loạn, mà USD vẫn chảy máu. 

Hiện nay, ngoài nhập khẩu thì chúng ta cần huy động nguồn ngoại tệ để trả nợ quốc gia, phục vụ nhu cầu của người dân (du học, du lịch nước ngoài…). Chỉ nhìn vào cán cân thương mại là không đủ, muốn có ngoại tệ dồi dào cần phải đẩy nhanh giải ngân vốn FDI. Năm 2024, giải ngân vốn FDI không giảm, song không tăng như kỳ vọng. Chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa công tác này thì mới đảm bảo được nguồn cung ngoại tệ, bảo vệ tỷ giá.

Dù vậy, tôi cho rằng, tỷ giá từ nay đến cuối năm không quá đáng ngại.

TS. Cấn Văn Lực: Vẫn phải tính tới nhập khẩu vàng

Đánh giá cao động thái đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường của Ngân hàng Nhà nước, song TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, vẫn cần phải nhập khẩu vàng.

"Tôi cho rằng, lần này, Ngân hàng Nhà nước cũng đang cho vận hành nghiệp vụ này trở lại nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tăng nguồn cung vàng trong nền kinh tế Việt Nam để qua đó giảm chênh lệch giữa trong nước và quốc tế cũng như chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng của các thương hiệu khác”, ông Lực nói.

TS. Cấn Văn Lực
TS. Cấn Văn Lực

Dù vậy, ông Lực cho rằng, cơ quan quản lý vẫn phải cho phép nhập khẩu một lượng vàng nhất định vì nguồn vàng sản xuất trong nước không nhiều. Tuy nhiên, khối lượng nhập khẩu là bao nhiêu thì các cơ quan quản lý và các bộ ngành có liên quan sẽ phải tính toán để phù hợp với thời điểm hiện tại. Phải làm sao vừa kiểm soát cung cầu, vừa đảm bảo dự trữ ngoại hối  của Việt Nam, qua đó góp vào ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô.

Theo dự đoán của chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước đã có các phương án can thiệp thị trường vàng, vấn đề còn lại chỉ là triển khai thực hiện. Với các giải pháp can thiệp thời gian tới, thị trường vàng sẽ dần ồn định.

Đấu thầu vàng hiện nay có nhiều điểm khác với bối cảnh năm 2013. Cụ thể, thời điểm đó, tình hình vàng hóa nền kinh tế diễn ra khá cao do Ngân hàng Nhà nước cho phép vay mượn bằng vàng, tức là các ngân hàng có thể huy động, thanh toán và cho vay bằng vàng.  

Sau đó, Nghị định 24/2021/NĐ-CP ra đời và đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh chống vàng hoá. Tuy nhiên, đến nay vẫn có một vấn đề chưa giải quyết được là quan hệ cung cầu chưa cân bằng. Chính vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần phải sớm lấy lại cân bằng giữa quan hệ cung cầu về vàng và thu hẹp chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới.

Riêng về tỷ giá, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, sắp tới, nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh thì Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng can thiệp bằng cách dùng nhiều nguồn lực khác nhau trong đó có việc sử dụng dự trữ ngoại hối.

Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này, như việc phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước để tăng lãi suất liên ngân hàng, qua đó giảm lãi suất USD, VND, qua đó giảm áp lực tỷ giá tương đối đáng kể. 

Liên quan tới đấu thầu vàng, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn cho nhà đầu tư, song giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất, đúng thông lệ quốc tế nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp.   

“Phải lưu ý rằng, trên thế giới còn mỗi Việt Nam là ngân hàng trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng. Hiện nay, vàng miếng SJC không chênh lệch các thương hiệu vàng miếng khác về chất lượng, song giá cả lại chênh lệch rất lớn là vô lý. Cần trả lại thương hiệu SJC cho doanh nghiệp để họ kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác”, ông Nghĩa kiến nghị.

Liên quan đến lo ngại cho phép nhập khẩu vàng sẽ khiến tỷ giá bị ảnh hưởng, chuyên gia này cho rằng, những năm qua, cung vàng trong nước được đáp ứng bởi vàng nhập lậu (do không được nhập khẩu chính thức). Vàng nhập lậu đương nhiên cũng phải sử dụng đến nguồn ngoại tệ trong nước, trong khi nhà nước thất thu thuế.

Mặt khác, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Vì vậy, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng.

Lý giải về nguyên nhân giá vàng thế giới tăng phi mã thời gian qua, ông Nghĩa cho rằng, lý do chính là các ngân hàng trung ương dồn dập mua vào để tăng dự trữ. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước lẽ ra nên tăng mua vàng dự trữ hơn là đưa vàng ra bán đấu thầu. 

TS. Lê Xuân Nghĩa: Xóa bỏ chênh lệch giá vàng phải bằng biện pháp thương mại

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, lâu nay, có hai vấn đề hay được nhắc tới thị trường vàng là: vàng hóa và chênh lệch cao bất hợp lý giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Hiện nay, công tác chống vàng hóa đã được thực hiện thành công vì ngân hàng Nhà nước đã tách vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng (cấm vàng trở thành tiền gửi và cho vay trong hệ thống ngân hàng).

“Chúng ta đã cấm sử dụng vàng như phương tiện huy động và cho vay, nên vàng hóa đã kết thúc”, ông Nghĩa khẳng định.

Dù vậy, vấn đề còn lại là chênh lệch giá vàng cao đến mức phi lý, đến nay vẫn rất nhức nhối. Căn nguyên của tình trạng này là từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời đến nay, nguồn cung vàng bị cắt đứt, doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn lên tới khoảng 55 tấn mỗi năm (theo Hội đồng Vàng thế giới).

“Xóa bỏ chênh lệch phi lý của vàng trong nước và thế giới cần biện pháp thương mại, không phải là biện pháp tiền tệ như đấu giá vàng miếng. Đơn giản nhất là cho phép công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện được xuất nhập khẩu vàng. Chính phủ cần dùng công cụ mạnh nhất để xử lý vấn đề này là thuế. Hiện nay, hải quan điện tử đã có thể quản lý tốt nhập khẩu vàng. Với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua bán vàng. Chỉ cần như vậy là đủ”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.

Cũng theo chuyên gia này, đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn cho nhà đầu tư, song giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất, đúng thông lệ quốc tế nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp.   

“Phải lưu ý rằng, trên thế giới còn mỗi Việt Nam là ngân hàng trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng. Hiện nay, vàng miếng SJC không chênh lệch các thương hiệu vàng miếng khác về chất lượng, song giá cả lại chênh lệch rất lớn là vô lý. Cần trả lại thương hiệu SJC cho doanh nghiệp để họ kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác”, ông Nghĩa kiến nghị.

Liên quan đến lo ngại cho phép nhập khẩu vàng sẽ khiến tỷ giá bị ảnh hưởng, chuyên gia này cho rằng, những năm qua, cung vàng trong nước được đáp ứng bởi vàng nhập lậu (do không được nhập khẩu chính thức). Vàng nhập lậu đương nhiên cũng phải sử dụng đến nguồn ngoại tệ trong nước, trong khi nhà nước thất thu thuế.

Mặt khác, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Vì vậy, không đáng ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng.

Lý giải về nguyên nhân giá vàng thế giới tăng phi mã thời gian qua, ông Nghĩa cho rằng, lý do chính là các ngân hàng trung ương dồn dập mua vào để tăng dự trữ. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước lẽ ra nên tăng mua vàng dự trữ hơn là đưa vàng ra bán đấu thầu. 

Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp cho các tổ chức tín dụng âm trạng thái

Từ 19/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán can thiệp ngoại tệ cho các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. Đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN để giải tỏa tâm lý thị trường.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, biến động tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới đã khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao, kể cả các nước có nền kinh tế mạnh, mức mất giá dao động từ trên 3% đến gần 9%. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, tỷ giá VNĐ/USD hiện đã mất giá 4,9% so với đầu năm.

Theo ông Đào Minh Tú, năm qua ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất trong bối cảnh thế giới tăng lãi suất. “Hiện lãi suất VND âm so với lãi suất đồng đô la trên thị trường liên ngân hàng. Đặt ra câu hỏi quản lý của Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ hài hoà. Bên cạnh đó, cầu ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất đảm bảo cũng là yếu tố khiến tỷ giá tăng thời gian qua. Ngoài ra, còn kể đến yếu tố tâm lý muốn găm giữ USD”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Theo NHNN, thời gian qua, NHNN đã phát hành tín phiếu VNĐ nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VNĐ, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá. Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD.

Ông Tú khẳng đỉnh quản lý tỷ giá cần "đảm bảo ổn định nhưng không cố định, lên xuống phù hợp, tránh tác động của thế giới, giảm chấn tác động, tạo sự cân đối hài hòa".

Phó Thống đốc cho biết NHNN sẵn sàng can thiệp "ngay từ hôm nay" nếu tỷ giá tiếp tục bất lợi.

Phát biểu thêm về vấn đề này, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết ngày hôm nay, NHNN  công bố công khai phương án can thiệp ngoại tệ trên website của NHNN. Theo đó, NHNN sẽ bán can thiệp ngoại tệ cho các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng.

"Đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN để giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế. Ngay khi NHNN có công bố, thị trường đã có phản ứng tích cực, giao dịch ngoại tệ đã dưới mức bán ra của NHNN", ông Quang cho biết.

Trong thời gian tới, ông Quang khẳng định NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát.

 Tỷ giá biến động đang gây ảnh hưởng lớn cho các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietnam Airlines cho hay, với 1% thay đổi tỷ giá, hãng mất 300 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cũng cho hay, trong quý I/2024, Hòa Phát ước phải trích lập dự phòng tỷ giá khoảng 200 tỷ đồng.

Với tình hình diễn biến tỷ giá hiện nay, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nhà nước đưa ra lời khuyên doanh nghiệp – kể cả doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ - nên chuyển sang vay tiền đồng thay vì vay ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Hiện nay, lãi suất cho vay bằng tiền đồng tại nhiều ngân hàng thương mại thấp kỷ lục, đặc biệt là cho vay xuất nhập khẩu.

Dù tỷ giá nóng nửa đầu năm, song các chuyên gia phân tích KBSV cho rằng, năm nay tỷ giá chỉ tăng ở mức 3%, tức tỷ gia sẽ hạ nhiệt nửa cuối năm. Nếu xét với đồng tiền các quốc gia khác trong khu vực, VND vẫn đang duy trì độ mất giá tương đương với Nhân dân tệ (Trung Quốc), Won (Hàn Quốc) và Baht (Thái Lan).

KBSV kỳ vọng, xuất nhập khẩu sẽ phục hồi, dự báo cán cân tổng thể trong năm 2024 với mức thặng dư 10 – 12 tỷ USD, do các hoạt động xuất nhập khẩu tính đến quý 1/2024 tích cực hơn và được dự báo sẽ còn tăng trưởng, trong khi áp lực từ hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá của ngân hàng sẽ giảm do mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ không còn thấp như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI, kiều hối tiếp tục ổn định và tăng trưởng sẽ là nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm 2024. 

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), biến động tỷ giá hiện nay vẫn nằm trong biên độ kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, chưa đến mức phải lo lắng về việc sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp.

“Bản thân chỉ số USD Index (DXY) từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 3%. Nói cách khác, nguyên nhân dẫn đến USD tăng so với VND đến từ chính bản thân đồng USD. Ngoài ra, biến động tỷ giá vừa qua liên quan đến yếu tố lịch sử, mùa vụ của thị trường Việt Nam. Thông thường vào quý đầu năm cầu ngoại tệ sẽ tăng, là hệ quả do kết thúc năm tài chính và những nhu cầu như đầu tư, cất trữ ngoại tệ của người dân. Đây là những động thái tự nhiên của thị trường. Tôi cho rằng diễn biến tỷ giá là phù hợp với xu hướng chung và nằm trong biên độ của Ngân hàng Nhà nước, chưa cần thiết phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp”, ông Hùng nhận định.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần xác định tỷ giá biến động là hết sức bình thường. Chính sách tỷ giá không thể đứng yên được, bởi không phụ thuộc hoàn toàn vào một nền kinh tế mà là diễn biến chung của kinh tế khu vực và thế giới.    

Lãi vay giảm 0,6% so với đầu năm, sẽ gia hạn giãn nợ đến hết năm 2024

Tính tới ngày 29/3, tín dụng tăng 1,34%. Lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt 0,5% và 0,6%/năm so với cuối năm 2023.  

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngay từ cuối năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng tăng trưởng tín dụng thời điểm đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây; trong đó, có nguyên nhân do nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết nguyên đán; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động...

Để hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn thêm 6 tháng, tức tới hết năm nay theo Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. 

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, mức độ, liều lượng của chính sách phải đảm bảo hài hòa hai vấn đề, là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, nên trước mắt chỉ kéo dài thêm 6 tháng.

Về lãi suất, NHNN cho hay, theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống... 

Tỷ giá nóng, doanh nghiệp nên chuyển sang vay VND

Tỷ giá VND/USD tăng 3,8% tính từ đầu năm 2024 và liên tục tăng kịch trần những phiên gần đây. Không ngoại trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải bán ngoại tệ ra để can thiệp thị trường. Dù vậy, theo các chuyên gia, tỷ giá sẽ nguội dần nửa cuối năm.

Tính tới giữa tuần này (17/4), tỷ giá VND/USD tăng 3,8% kể từ đầu năm. Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, giá USD bán ra liên tục được niêm yết ở mức kịch trần. USD tăng nóng theo sự biến động của đồng bạc xanh trên thế giới. Tại thị trường Mỹ, Chỉ số US Dollar Index (DXY) phiên 17/4 tăng 0,16%, đạt 106,37 điểm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, có thể cần phải duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn vì lạm phát vẫn ở mức cao.  

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tỷ giá biến động thời gian gần đây cơ bản là do USD tăng giá bởi 2 nguyên nhân.

Thứ nhất, Fed đang lưỡng lự hạ lãi suất.

Thứ hai, kinh tế Mỹ không suy thoái, mà còn phục hồi tốt hơn năm ngoái. Điều này khiến USD tăng giá và các đồng nội tệ neo với USD đều bị giảm trong thời gian qua.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, ngoài tác động của chỉ số DXY, tỷ giá trong nước tăng còn do nhu cầu nhập khẩu tăng và các hoạt động găm giữ USD cũng như đầu cơ tỷ giá. Đối phó với tình trạng này, NHNN chủ động phát hành tín phiếu từ đầu tháng 3/2024, song hiệu quả không cao.

Với các áp lực ngoại biên từ đà tăng của DXY, lợi suất trái phiếu Mỹ và giá vàng, nhóm chuyên gia cho rằng, NHNN sẽ vẫn tập trung vào việc phát hành tín phiếu. Tuy nhiên, nếu các áp lực này tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong kịch bản giá dầu Brent vượt 93 USD/thùng, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm vượt 4,7%, NHNN có thể sẽ phải can thiệp bằng việc bán kỳ hạn hoặc bán thẳng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.

Trước đó, thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, vấn đề tỷ giá đang hết sức nóng và NHNN sẽ có động thái can thiệp thị trường nếu cần thiết.

Về khả năng NHNN bán ngoại tệ can thiệp thị trường, TS. Cấn Văn Lực nhận định, NHNN sẽ phải tính toán cẩn thận. Nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh, thì NHNN cũng sẽ sẵn sàng can thiệp bằng nhiều nguồn lực khác nhau.

"Tôi tin, NHNN đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này, ví dụ như phát hành tín phiếu cũng là một cách tăng lãi suất trên liên ngân hàng để giảm chênh lệch lãi suất USD - VND, cũng giảm áp lực tỷ giá trong thời gian vừa qua", ông Lực nói

Theo chuyên gia này, nếu quý II/2024, Fed điều chỉnh lãi suất USD, thì áp lực tỷ giá VND/USD sẽ hạ nhiệt. Về cơ bản, quan hệ cung cầu ngoại tệ tại Việt Nam vẫn ổn. Khi Fed bắt đầu hạ lãi suất thì ngay lập tức tỷ giá sẽ bớt đi áp lực. Dự báo, tỷ giá có thể tăng 2,5-3% trong năm nay. 

Tỷ giá biến động đang gây ảnh hưởng lớn cho các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay, với 1% thay đổi tỷ giá, Hãng mất 300 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cũng chia sẻ, trong quý I/2024, Hòa Phát ước tính phải trích lập dự phòng tỷ giá khoảng 200 tỷ đồng.

Với tình hình diễn biến tỷ giá hiện nay, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nhà nước đưa ra lời khuyên doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ, nên chuyển sang vay VND, thay vì vay ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Hiện nay, lãi suất cho vay VND tại nhiều ngân hàng thương mại thấp kỷ lục, đặc biệt là cho vay xuất - nhập khẩu.

Dù tỷ giá nóng nửa đầu năm, song các chuyên gia phân tích của KBSV cho rằng, năm nay, tỷ giá chỉ tăng ở mức 3%, tức tỷ giá sẽ hạ nhiệt nửa cuối năm. Nếu xét với đồng tiền các quốc gia khác trong khu vực, VND đang duy trì độ mất giá tương đương với Nhân dân tệ (Trung Quốc), Won (Hàn Quốc) và Baht (Thái Lan).

KBSV kỳ vọng, xuất nhập khẩu sẽ phục hồi, dự báo cán cân tổng thể trong năm 2024 với mức thặng dư 10 - 12 tỷ USD, do các hoạt động xuất nhập khẩu tính đến quý I/2024 tích cực hơn và được dự báo còn tăng trưởng, trong khi áp lực từ hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá của ngân hàng sẽ giảm do mặt bằng lãi suất liên ngân hàng không còn thấp như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI, kiều hối tiếp tục ổn định và tăng trưởng sẽ là nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm 2024. 

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), biến động tỷ giá hiện nay vẫn nằm trong biên độ kiểm soát của NHNN, chưa đến mức phải lo lắng về việc sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp.

“Bản thân chỉ số DXY từ đầu năm đến nay đã tăng khoảng 3%. Nói cách khác, nguyên nhân dẫn đến USD tăng so với VND đến từ chính bản thân USD. Ngoài ra, biến động tỷ giá vừa qua liên quan đến yếu tố lịch sử, mùa vụ của thị trường Việt Nam. Thông thường, vào quý đầu năm, cầu ngoại tệ sẽ tăng, là hệ quả do kết thúc năm tài chính và những nhu cầu như đầu tư, cất trữ ngoại tệ của người dân. Đây là những động thái tự nhiên của thị trường. Theo tôi, diễn biến tỷ giá là phù hợp với xu hướng chung và nằm trong biên độ của NHNN, chưa cần thiết phải sử dụng ngoại tệ để can thiệp”, ông Hùng nhận định.

Lợi nhuận ngân hàng quý I/2024 phân hóa rõ nét

Ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý I/2024, với lợi nhuận có sự phân hóa rõ nét giữa các nhà băng.

PGBank (PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024. Theo báo cáo, lợi nhuận trước thuế quý I/2024 của ngân hàng này đạt 116 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế là 93 tỷ đồng, giảm 24%. Trong khi tổng thu nhập hoạt động quý 1/2024 của PGBank giảm 3,8% so với cùng kỳ, chỉ đạt 376 tỷ đồng, thì chi phí hoạt động lại tăng 16,8% lên 218 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 17,6%, ở mức 42 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính khiến tổng thu nhập hoạt động sụt giảm đến từ các mảng kinh doanh phi tín dụng. Ngân hàng ghi nhận lỗ thuần 9 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ, trong khi cùng kỳ có lãi 14 tỷ. Thu nhập lãi thuần trong khi đó tăng 11,3%, đạt 378 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản PGBank là 58.764 tỷ đồng, tăng 5,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 0,4% xuống 35.185 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4,2% lên 37.244 tỷ đồng. Nợ xấu cuối quý I/2024 là 1.033 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,85% lên 2,93%.

Tuy nhiên, PGBank vẫn lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 tăng trưởng mạnh so với năm 2023. Ngày 20/4 tới đây, PGBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, trình cổ đông thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 554 tỷ đồng, tăng gần 58% so với năm 2023. PGBank dự kiến tổng thu thuần đạt mức 2.086 tỷ đồng, tăng gần 49,7% so với thực hiện năm 2023. Chi phí hoạt động và dự phòng được dự báo sẽ tăng thêm 46,9%, lên 1.532 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của PGBank dự kiến đạt 554 tỷ đồng.

LPBank công bố, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 2.886 tỷ đồng, tăng tới 84,36% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.299 tỷ đồng, tăng 84,88% so với cùng kỳ. Trong tổng thu thuần từ các hoạt động kinh doanh quý I của LPBank, lãi thuần từ dịch vụ chiếm tới 18,29%, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Mảng kinh doanh ngoại hối cũng khá ấn tượng khi chiếm tỷ trọng 3,31%.

Nhờ kiểm soát chi phí hoạt động ở mức hợp lý nên tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập thuần) cuối quý I đạt 30,74%, giảm 6,13% so với cuối năm trước và giảm tới 12,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi tăng trưởng huy động đạt 6,72% so với cuối năm 2023 (ở mức 304.531 tỷ đồng) thì đầu ra tín dụng của LPBank cũng rất khả quan. Tăng tín dụng so với cuối năm 2023 đạt 11,71% (ở mức 307.708 tỷ đồng). Nhìn chung, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROEA tại thời điểm cuối Quý 1/2024 là 26,07%, LPBank ở mức cao tương đối so với mặt bằng các ngân hàng thương mại.

SeABank hé lộ lãi trước thuế tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 1.506 tỷ đồng. Trong kỳ, ngân hàng này gặt về 2.706 tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động, tăng 19,54%; tổng doanh thu đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 4,6%. Tổng huy động từ tiền gửi và giấy tờ có giá của ngân hàng này cũng tăng 4,3% so với cùng kỳ, đạt 168.605 tỷ đồng, đồng thời, tổng dư nợ cho vay tăng 1.487 tỷ đồng, đạt 181.238 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,95%.

Tại đại hội ngày 4/4, Tổng Giám đốc ACB ông Từ Tiến Phát cho biết, hoạt động kinh doanh của ACB quý I khá tốt. Tín dụng tăng 3,7% so với cuối năm, cao hơn số toàn ngành hơn gấp đôi toàn ngành và hơn hẳn so với cùng kỳ khi quý I năm ngoái giảm 0,6%. Huy động vốn tăng trưởng 2,1%, huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng tốt hơn mức chung đạt 4,6%, tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên 23% và cố gắng giữ vị trí top 5.

Lợi nhuận dự kiến 4.900 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ, nhưng bám sát với kế hoạch năm 2024 (ACB đặt chỉ tiêu lợi nhuận 2024 ở mức 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với 20223). Kết quả này giảm nhẹ so với cùng kỳ, nguyên nhân, theo ông Phát, do tăng trưởng tín dụng cao nên trích lập dự phòng chung cao hơn cùng kỳ. Nhưng trong quý I/2024, ACB có khoản thu nhập bất thường khoảng 360 tỷ đồng từ đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Do đó, lợi nhuận ACB quý I/2024 đạt ở mức khả quan, nếu loại trừ lợi nhuận cốt lõi vẫn tăng 3%.

Tương tự, tại ĐHCĐ ngày 2/4, Chủ tịch HĐQT VIB ông Đặng Khắc Vỹ cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm nay là 1%, cao hơn mức trung bình ngành. Mặc dù, các ngân hàng mất 1 tháng hoạt động trong kỳ tết và các hoạt động kinh doanh bảo hiểm khó tránh ảnh hưởng nên toàn thị trường giảm sút nhiều.

Trong quý I/2024, VIB đạt lợi nhuận 2.600 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý cùng kỳ của 2023, nhưng so với kế hoạch 12.000 tỷ đồng đưa ra năm nay, lãnh đạo VIB cho biết, hoàn toàn khả thi. 3 tháng đầu năm 2024, VIB đã thu lại 200 tỷ đồng từ xử lý rủi ro. Với việc thị trường bất động sản đang ấm lên và thêm các giải pháp thu hồi nợ, ngân hàng này cũng kỳ vọng có thu nhập bất thường 1.000- 1.500 tỷ từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng cho hay, lãi trước thuế của ngân hàng trong quý I/2024 dự kiến khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng. Tín dụng tăng 4,6%. Trong khi đó, SeABank công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.506 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng thu nhập hoạt động quý I/2024 của ngân hàng đạt 2.706 tỷ đồng, tăng 19,54%; Tổng doanh thu đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 4,6%. Đồng thời, thu thuần ngoài lãi (NOII) của SeABank ghi nhận con số tăng trưởng gần 51% so với cùng kỳ, đạt 705 tỷ đồng.

Trong quý I/2024, SSI dự báo một số ngân hàng như VPBank, HDBank, Techcombank và OCB sẽ chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ trong khi MB và Vietcombank có thể ghi nhận lợi nhuận đi lùi. SSI Research vừa công bố báo cáo cập nhật ngành ngân hàng với ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của nhóm theo dõi trong quý I/2024 ở mức từ 5 đến 7,5%. Trong nhóm các ngân hàng được khảo sát, VPBank, HDBank, Techcombank và OCB được kỳ vọng có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ, trong khi MB và Vietcombank có thể ghi nhận lợi nhuận đi lùi. 

Các chuyên gia phân tích cho rằng, lợi nhuận của ngành ngân hàng nhìn chung sẽ vẫn yếu do tăng trưởng tín dụng chỉ tăng tốc vào cuối tháng 3 và hoạt động dịch vụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nợ quá hạn có thể tăng lên, trong khi biên lãi thuần (NIM) vẫn chịu áp lực và tăng trưởng tín dụng vẫn yếu.

Với Vietcombank, SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của VCB trong quý I/2024 sẽ đạt 10.600 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ do tăng trưởng tín dụng dự báo tụ khoảng 1% so với cuối năm 2023 và NIM chưa cải thiện. BIDV và VietinBank, SSI kỳ vọng lợi nhuận tăng khoảng 5%. Trong đó, BIDV có thể ghi nhận lợi nhuận 7.000 đến 7.300 tỷ đồng trong quý I/2024 nhờ tăng trưởng tín dụng và huy động ở mức 1%. Với VietinBank, mặc dù tăng trưởng tín dụng có thể đạt mức 3 -4% so với đầu năm, ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục củng cố bộ đệm rủi ro bằng cách đẩy mạnh trích lập dự phòng. Do đó, lợi nhuận trước thuế dự báo tăng nhẹ 5% lên 6.300 - 6.400 tỷ đồng.

Còn với MB, SSI ước tính lợi nhuận trước thế hợp nhất dự kiến đạt khoảng 6.300 đến 6.400 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là bởi mức tăng trưởng tín dụng thấp, nhỏ hơn 1% và xu hướng nợ quá hạn tăng lên. Trong khi đó, SSI cho rằng, ngân hàng mẹ có thể duy trì mức lợi nhuận sau thuế tương đương với cùng kỳ. Mặt khác, MBS có thể đạt mức tăng trưởng mạnh trong khi hoạt động kinh doanh của MCredit và MBAgeas Life không mấy thuận lợi. 

Nhóm ngân hàng VPBank, HDBank, Techcombank và OCB được kỳ vọng có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ do tăng trưởng tín dụng tốt hơn so với trung bình của ngành. Trong đó, lợi nhuận của Techcombank dự báo sẽ tăng 20 - 24% so với cùng kỳ, lên 6.700 đến 7.000 tỷ dồng nhờ tăng trưởng tín dụng 6 - 7% trong quý IV. Lợi nhuận VPBank dự kiến ở mức 3.700 đến 3.900 tỷ đồng, tăng 45% đến 53% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 2% và chi phí vốn cải thiện. 

Riêng HDBank, SSI dự báo mức lợi nhuận trước thuế 4.000 đến 4.200 tỷ đồng, tăng 46% - 53% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 6% trong quý I/2024. Đồng thời, mức tăng trưởng tín dụng mạnh vào cuối năm ngoái cũng sẽ đóng góp nguồn thu nhập lãi đáng kể trong quý I năm nay. 

SSI kỳ vọng lợi nhuận OCB sẽ đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ nhờ NIM phục hồi. SSI ước tính tăng trưởng tín dụng và huy động của ngân hàng lần lượt ở mức 4,6% và 5% so với đầu năm. Các chuyên viên phân tích ước tính có khoảng 375 tỷ đồng thu nhập lãi bị thoái thu trong quý IV/2023 có thể được ghi nhận trở lại vào quý I/2024. Các ngân hàng Sacombank, MSB và TPBank kỳ vọng lợi nhuận đi ngang hoặc tăng trưởng dưới 10%. Trong khi đó, một số ngân hàng như LPBank, SeABank, VIB, ACB ... đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 phân hóa rõ nét giữa các nhà băng.

Cả năm 2024, SSI cũng đã điều chỉnh lại mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế so với dự báo đã công bố hồi tháng 1/2024. Nhưng nhìn chung ước tính lợi nhuận vẫn khá phù hợp với những gì đã công bố trước đó. SSI dự báo các yếu tố cơ bản có thể dần cải thiện trong nửa cuối năm 2024 khi tỷ lệ hình thành nợ xấu có thể thấp hơn dự kiến nếu tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản và nền kinh tế duy trì được nhịp độ tốt, NIM cải thiện và thu từ nợ xấu đã xóa tốt hơn dự kiến. 

Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng có thể đối mặt với một số rủi ro như: Lãi suất huy động tăng cao hơn dự kiến do áp lực tỷ giá; tỷ lệ hấp thụ thấp hơn dự kiến tại các Dự án bất động sản dự kiến sẽ mở bán trong thời gian tới; và việc kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động cho vay với bên liên quan. 

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD vừa được NHNN đưa ra cho thấy, do kỳ vọng nền kinh tế có diễn biến tích cực, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “cải thiện” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Mặt bằng lãi suất huy động- cho vay trong quý II và năm 2024 tiếp tục ở mức thấp. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,8% trong quý II và tăng 13,6% trong năm 2024, điều chỉnh giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 14,2% tại kỳ điều tra trước. Các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý II, nhưng vẫn thận trọng khi kỳ vọng cả năm 2024 với 70,9-72,7% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả 2024.

Theo đó, các TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi từ quý II/2024 với 57,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so với quý I/2024, 30,9% TCTD kỳ vọng “không đổi” và 11,8% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm. Năm 2024, 86,2% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023, bên cạnh đó, vẫn có 10,1% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Lãi suất tiết kiệm tăng dần trở lại

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện giảm khá sâu, khó có thể giảm thêm và được dự báo dần tăng trở lại và tăng mạnh vào cuối quý II/2024 khi tín dụng cải thiện rõ nét.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh Tiền tệ, ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế.

Mặc dù hoạt động kinh tế đã có sự cải thiện trong quý I/2024, đặc biệt là sự phục hồi trong hoạt động ngoại thương, các yếu tố khác như sản xuất công nghiệp, tiêu dùng nội địa, bán lẻ, đơn hàng mới vẫn cần thêm số liệu rõ ràng trong thời gian tới để khẳng định xu hướng tăng trưởng vững chắc.

Từ đó hỗ trợ sự tự tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn tiếp cận tín dụng, mở rộng đầu tư sản xuất, tiêu dùng. Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch Covid-19 cũng cho thấy, tín dụng trong nước vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý đầu năm, và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II hàng năm, sau đó tăng dần trong các quý còn lại của năm. Vì thế, lãnh đạo UOB cho rằng, lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng lại 0,5 - 1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024.

Tuy nhiên, UOB cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phản ứng nhanh chóng vào đầu năm 2023 trước những thách thức và tình trạng suy thoái kinh tế với các đợt cắt giảm lãi suất liên tiếp. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023, khi lãi suất tái cấp vốn được cắt giảm tổng cộng 150 điểm cơ bản, xuống còn 4,50%.

Nhưng với tốc độ hoạt động kinh tế đang được cải thiện và triển vọng tăng trưởng tốt hơn vào năm 2024, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo vẫn ở mức thấp, nhưng không nên loại trừ hoàn toàn. Tỷ lệ lạm phát tăng nhanh gần đây có thể khiến NHNN thận trọng hơn nữa trong bất kỳ thay đổi nào về lãi suất chính sách. Vì vậy, UOB cho rằng, NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,50%.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital dự báo, áp lực tỷ giá có thể khiến NHNN nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,5-1,5% trong 3-6 tháng tới. Đây là yếu tố vĩ mô lớn nhất có thể tác động đến thị trường chứng khoán.

Theo ông Tuấn, bước sang quý II/2024, các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước đang có nhiều biến động gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và nhiều kênh đầu tư khác. Tỷ giá tăng nóng khiến NHNN phải có nhiều động thái để đối phó thậm chí có thể cân nhắc nâng nhẹ lãi suất huy động, bên cạnh đó những bất ổn từ bối cảnh thế giới cũng như sức khoẻ của doanh nghiệp trong nước là những yếu tố mà nhà đầu tư cân quan tâm.

Yếu tố có thể gây rủi ro cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới là sự gia tăng của tỷ giá. Các biến động về mặt ổn định vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá và lãi suất và các động thái của NHNN sẽ là yếu tố cần phải theo dõi trong thời gian tới. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá VND mất giá gần 5%. Đây là yếu tố bất ổn khiến NHNN phải đối phó nhiều nhất trong quý I/2024.

Chính vì áp lực tỷ giá, NHNN phải phát hành tín phiếu gửi tín hiệu đến thị trường rằng chính sách tiền tệ không nới lỏng quá mạnh và sẽ thu hẹp lại. Sau khi phát hành 172.000 tỷ đồng tín phiếu, lãi suất OMO  tăng từ 1% lên tới khoảng 4%. Ông Tuấn dự báo, mức lãi suất liên ngân hàng này sẽ duy trì trong một thời gian nữa cho đến khi nào lạm phát của Mỹ có tín hiệu giảm mạnh.

Đánh giá nguyên nhân của biến động tỷ giá, ông Tuấn cho rằng, tỷ giá tăng nóng chủ yếu do chênh lệch lãi suất VND - USD ở mức âm, bất ổn ở thị trường vàng và tiền mã hoá. USD mạnh lên khiến tỷ giá tăng cao, ngoài ra vàng thế giới tăng mạnh cũng phát sinh nhu cầu USD ở thị trường chợ đen để nhập khẩu vàng. Từ đó khiến USD khan hiếm và đẩy tỷ giá USD/VND càng tăng cao.

Giám đốc chiến lược Dragon Capital dự báo, lãi suất tiền gửi trong nước sắp tới có thể tăng 0,5-1,5% trong 3-6 tháng tới, nhằm tìm điểm cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, chính sách tiền tệ vẫn nới lỏng, còn lãi suất chỉ thay đổi từ mức “cực kỳ thấp” hiện nay và duy trì ở mức “thấp”.

Đối với bối cảnh kinh tế thế giới, chuyên gia từ Dragon Capital nhấn mạnh nhà đầu tư cần quan tâm đến các vấn đề về lạm phát và chính sách tiền tệ giữa các nước lớn. Lạm phát có thể sẽ khó trở lại vùng 2% và nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức 3,3-4%. Trong khi châu Âu có thể sẽ cắt lãi suất sớm và mạnh hơn thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng thận trọng hơn trong khả năng cũng như số lần cắt lãi suất trong năm 2024. Nhiều dự báo cho rằng, Fed có thể chỉ giảm lãi suất tối đa hai lần trong năm 2024.

Còn TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong điều kiện Việt Nam, giữ cho tỷ giá ổn định trong khoảng 3-4% là trong tầm tay của NHNN. Tuyệt nhiên không để cho mặt bằng lãi suất Việt Nam tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỷ giá hối đoái, đó là sự đánh đổi đắt giá nhất.

Về tỷ giá, theo TS. Phước, NHNN cần có tiếng nói để trấn an thị trường lúc này. Một quý vừa qua mà để đồng bản tệ mất giá 2-3% thì NHNN phải có tiếng nói. Vì tỷ giá tăng ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, trong đó có niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam.

TS. Phước cho rằng, chúng ta ám ảnh Fed, nhưng Fed chỉ tác động phần nào đó đối với nền kinh tế Việt Nam. Quý III/2024, USD sẽ quay đầu giảm khi Fed cắt giảm lãi suất, tỷ giá cũng sẽ hạ nhiệt. 

Thực tế cho thấy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng tái tăng trong thời gian gần đây.

Ngày 19/4, lãi suất tiết kiệm tại VPBank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 1-5 tháng đối với khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng, mức tăng 0,2-0,3%. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1 tháng hiện niêm yết ở 2,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 2-5 tháng là 3%/năm... Trước đó, ngày 10/4, VPBank cũng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm tại tất cả các kỳ hạn vào ngày 10/4 thêm 0,3% lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12-36 tháng .

Cùng ngày 19/4, GPBank chính thức tăng lãi suất tiết kiệm tại tất cả các kỳ hạn, mức tăng 0,2% so với cũ. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 1 tháng là 2,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng 3%/năm, kỳ hạn 3 tháng 3,02%/năm, kỳ hạn 4 tháng 3,04%/năm, kỳ hạn 5 tháng 3,05%/năm.  Ở kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng này niêm yết lãi suất ở mức 4,15%/năm, kỳ hạn 7 tháng là 4,25%/năm, kỳ hạn 8 tháng là 4,3%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 4,4%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 4,85%/năm. Ở kỳ hạn 13-26 tháng, GPBank trả lãi 4,95%/năm. 

BacA Bank cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại tất cả các kỳ hạn từ ngày 17/4 từ 0,15-0,4%. Theo biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất, áp dụng cho hình thức lĩnh lãi cuối kỳ và khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng, lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 1-11 tháng và 15-18 tháng tăng 0,15 điểm. Lãi suất tiết kiệm 1-2 tháng ở mức 2,95%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3, 4, 5 tháng lần lượt niêm yết ở mức 3,15%/năm, 3,35% và 3,55%/năm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6-8 tháng tăng lên 4,35%/năm, tại kỳ hạn 9-11 tháng tăng lên 4,45%/năm. 

Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 15, 18 tháng tăng 0,15 điểm phần trăm, hiện niêm yết ở mức 5,05% và 5,25%/năm. Đối với kỳ hạn 12-13 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng 0,25% với lần điều chỉnh lần trước, hiện ở mức 4,85%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 24-36 tháng được điều chỉnh tăng mạnh 0,4%, giữ ở mức 5,5%/năm-mức lãi suất cao nhất đối với tài khoản tiết kiệm dưới 1 tỷ đồng.

Từ đầu tháng 4 nay, đã có ít nhất 7 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động  ở một số kỳ hạn khác nhau. Cụ thể, theo biểu lãi suất trực tuyến vừa công bố, ngân hàng VIB đã nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng thêm 0,1%, lên 2,5%/năm. Lãi suất tại các kỳ hạn khác được giữ nguyên. Kienlongbank cũng nâng lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên thêm 0,2%. Lãi suất 6 tháng hiện đang ở mức 4,2%/năm, lãi suất 12 tháng lên 4,8%/năm còn lãi suất 24 tháng và 36 tháng đạt 5,3%/năm. Eximbank điều chỉnh lãi suất ở hai kỳ hạn là 1 tháng và 6 tháng. Lãi suất 1 tháng được giảm 0,1% xuống 2,9%/năm còn lãi suất 6 tháng tăng 0,2% lên 4%/năm. 

MSB đang áp dụng lãi suất thấp nhất cũng đã có động thái điều chỉnh. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở nên đã được tăng 0,2%, lên mức cao nhất là 4,2%/năm (kỳ hạn 12 tháng trở lên). HDBank cũng có động thái tăng lãi suất thêm 0,2% đối với kỳ hạn 12 tháng, lên mức 4,9%/năm. NCB lại tăng lãi suất huy động 0,1 - 0,2% với hai kỳ hạn không phổ biến là 4 và 5 tháng lên mức 3,5%/năm và 3,6%/năm, lãi suất 9 tháng và 11 tháng tăng 0,15 và 0,2%. Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 6 tháng lại được điều chỉnh giảm 0,1 %, lãi suất 7 tháng giảm 0,05%. 

Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho vay bán lẻ (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) cũng đưa ra nhận định, những diễn biến gần đây, lãi suất tiền gửi bắt đầu được điều chỉnh tăng nhẹ trở lại ở một số ngân hàng thương mại, do thanh khoản của hệ thống bắt đầu có tín hiệu cạn. Tuy nhiên, bằng việc cung cấp thanh khoản cho hệ thống qua các phiên giao dịch gần đây, NHNN có thể vẫn muốn duy trì mặt bằng lãi suất huy động của toàn hệ thống ở mức như hiện tại, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hàng cũng như duy trì hỗ trợ dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh.

Còn về phía lãi suất cho vay, theo ông Vũ, thời gian tới cũng sẽ chưa có sự thay đổi đáng kể bởi với việc điều chỉnh giảm biên độ lợi nhuận trên từng khoản vay, các ngân hàng thương mại cũng sẽ giữ cho tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh nhất có thể nếu vẫn muốn đạt được chỉ tiêu lợi nhuận chung cuối năm. Vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại, cho tới khi chỉ tiêu tăng trưởng đạt được những kết quả như mong đợi.

Các nhận định đưa ra, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ tăng trở lại kể từ quý II/2024 khi nhu cầu tín dụng cải thiện dần. Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tín dụng trong tháng 3/2024 đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023. 

Trước đó, NHNN cũng cho hay, tính đến ngày 25/3, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023, trong đó riêng tháng 3 tăng 0,98%. Như vậy, tín dụng đã đảo chiều trong tháng 3/2024. Trong khi, theo NHNN, tín dụng của nền kinh tế 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023 (trong đó tháng 1 giảm 0,6%, tháng 2 giảm 0,05%).

Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Năm 2024, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Các ngân hàng có điều kiện để đẩy mạnh cho vay thay vì hạn chế room như các năm trước, nên đang từng bước kích cầu vốn thông qua chương trình lãi suất ưu đãi cho cả khách hàng doanh nghiệp, cá nhân và kỳ vọng lực cầu vốn sẽ tăng trở lại.

Xem thêm tại baodautu.vn