Nhóm BĐS niêm yết 'chơi lớn' năm 2025: Thực tế ra sao?
![]() |
Hình minh họa |
Quý I/2025 khởi sắc của nhóm bất động sản
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, trong quý I/2025, 82 doanh nghiệp niêm yết trong nhóm quản lý và phát triển bất động sản dân cư ghi nhận doanh thu thuần hơn 29.700 tỷ đồng và lãi ròng 4.400 tỷ đồng – tăng lần lượt 36% và 68% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy ngành bất động sản đang dần phục hồi sau thời gian dài khó khăn.
Đóng góp lớn nhất vào kết quả chung tiếp tục là “cặp đôi” Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE), với lợi nhuận ròng quý I lần lượt đạt gần 2.700 tỷ và 1.200 tỷ đồng. Riêng VHM ghi nhận doanh số bán hàng 35.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ, chủ yếu nhờ các dự án đại đô thị – đặc biệt là Vinhomes Wonder City phía Tây Hà Nội.
Về phần VRE, dù doanh thu chuyển nhượng bất động sản giảm do chỉ bàn giao 9 căn shophouse, nhưng doanh thu từ hoạt động cho thuê vẫn tăng 5%, đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Doanh thu tài chính – chủ yếu từ lãi tiền gửi và cho vay – cũng tăng mạnh 44% lên 625 tỷ đồng, góp phần nâng cao biên lợi nhuận.
Ngoài hai doanh nghiệp đầu ngành, một số tên tuổi khác cũng có kết quả tích cực: Văn Phú – Invest (VPI) lãi 141 tỷ đồng (+53% YoY) nhờ dự án Terra Bắc Giang; Khang Điền (KDH) lãi 122 tỷ đồng (+92%) chủ yếu nhờ bàn giao tiếp dự án The Privia. Nam Long (NLG) đạt 108 tỷ đồng lợi nhuận nhờ bàn giao 153 căn hộ tại Akari và nhà ở xã hội tại Cần Thơ.
Dù bức tranh tổng thể tích cực, vẫn có tới 19 doanh nghiệp bất động sản lỗ ròng trong quý. Novaland (NVL) lỗ nặng nhất với 443 tỷ đồng, dù doanh thu thuần tăng 3,3 lần cùng kỳ. Lý do chính đến từ khoản lỗ khác gần 262 tỷ đồng khi không còn ghi nhận thu từ vi phạm hợp đồng như trước. Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) cũng gây bất ngờ khi báo lỗ 35 tỷ đồng – trái ngược với phát biểu “lãi 10 tỷ” tại ĐHCĐ thường niên mới đây.
![]() |
Kế hoạch 2025: Lạc quan nhưng không chủ quan
Theo báo cáo từ Agriseco, có tới 74% doanh nghiệp niêm yết đã công bố kế hoạch tăng trưởng trong năm 2025, phản ánh sự lạc quan rõ nét. Lợi nhuận ròng toàn thị trường được kỳ vọng tăng 16,5%, trong khi doanh thu (trừ ngân hàng) tăng 13,8%. Riêng ngành bất động sản ghi nhận nhiều kế hoạch tăng trưởng mạnh: Kinh Bắc (+600%), Vingroup (+90%), Khang Điền (+24%), Vinhomes (+20%), Vincom Retail (+15%).
Động lực tăng trưởng đến từ môi trường lãi suất thấp, dòng tiền đầu tư quay lại và nhiều dự án bước vào giai đoạn bàn giao.
Chính phủ hiện đã hoàn tất rà soát và đề xuất tháo gỡ hơn 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng, sử dụng khoảng 347.000 ha đất. Nhiều đại dự án như Aqua City, Novaworld Phan Thiết, Thủ Thiêm, DIC Corp hay Nam Long tại Đồng Nai đang được ưu tiên xử lý.
Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo: Hiện thực hóa tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào tiến độ cải cách thể chế, khả năng kiểm soát trái phiếu bất động sản đáo hạn và các yếu tố vĩ mô toàn cầu.
Dù còn thách thức, sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước và sức bật của nhóm ngành dẫn dắt như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ và tài nguyên cơ bản vẫn được xem là động lực quan trọng cho thị trường chứng khoán năm 2025.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn