Dòng tiền 'nóng' đổ vào VIC – VHM, VN-Index vượt mốc 1300 điểm
Chốt phiên 20/5, chỉ số VN-Index tăng gần 19 điểm, lên mức 1.315,15 điểm. Thanh khoản toàn thị trường cải thiện rõ rệt, đạt gần 24.000 tỷ đồng, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang quay trở lại tích cực hơn.
Sắc xanh chiếm ưu thế trên cả ba sàn, riêng HoSE ghi nhận 193 mã tăng so với 133 mã giảm và 40 mã tham chiếu. Trên sàn HNX, diễn biến khá cân bằng với 75 mã tăng và 72 mã giảm. Trong khi đó, sàn UPCoM tiếp tục duy trì sự phân hóa khi có 150 mã tăng, 114 mã giảm và 92 mã đứng giá.
Tâm điểm của phiên hôm nay là rổ VN30, nơi chứng kiến màn bứt phá của bộ đôi VIC và VHM. Cả hai cùng tăng kịch trần với thanh khoản lên tới hàng triệu đơn vị. Mặc dù đã chạm trần, lực cầu vào hai mã này vẫn rất lớn, cho thấy hiệu ứng FOMO đang dần hiện hữu.

Xét trên góc độ kỹ thuật, cả VIC và VHM đều đã vượt qua các vùng đỉnh ngắn hạn, cho thấy tín hiệu tích cực về xu hướng tăng sau giai đoạn tích lũy kéo dài. Dù vậy, mức tăng gấp đôi so với vùng đáy gần nhất cũng cho thấy thị trường đang có dấu hiệu hưng phấn cao. Điều này có thể tiềm ẩn rủi ro nhất định đối với những nhà đầu tư mua đuổi.
Bên cạnh VIC và VHM, cổ phiếu VRE cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, đóng cửa cao hơn giá tham chiếu gần 5%. Các mã như TCB, BVH, GVR, MWG tăng từ 1,5% đến 4,5%, góp phần củng cố đà đi lên của thị trường. Ngược lại, VNM, GAS và PLX là ba cổ phiếu duy nhất trong VN30 giảm điểm, song mức giảm đều dưới 1%, không ảnh hưởng nhiều đến xu hướng chung.
Dòng tiền nhìn chung tập trung vào nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Vingroup và một số bluechip lớn, khiến phần còn lại của thị trường chưa có sự lan tỏa thực sự mạnh mẽ.
Nhóm chứng khoán dù đồng loạt tăng điểm nhưng biên độ không quá lớn. VIX, VND và AAS tăng từ 2% đến 4%, trong khi SSI, HCM, BSI, CTS, FTS, VDS... chỉ nhích nhẹ quanh ngưỡng 1%. Thanh khoản của nhóm này thậm chí còn giảm nhẹ so với phiên trước.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhóm ngân hàng. Hầu hết các mã đều giữ sắc xanh, trừ BID, ABB, BAB, PGB, SHB, VPB và BVB đóng cửa tại tham chiếu. Nhóm bất động sản tiếp tục cho thấy sự phân hóa mạnh khi một số mã như QCG, DXG, TCH, KDH, NLG tăng từ 0,5% đến 3%, trong khi PDR, NVL, DIG, CEO, BCR, VPL lại điều chỉnh giảm với biên độ khác nhau.
Tại nhóm cổ phiếu thép, đà tăng chủ yếu tập trung ở các mã vốn hóa nhỏ như SMC, HSG, NKG và VGS, trong khi hai mã lớn HPG và POM đứng giá, TLH thậm chí giảm hơn 1%.
Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 560 tỷ đồng trong phiên hôm nay. Lực bán tập trung chủ yếu tại các cổ phiếu VHM (-570 tỷ đồng), FPT (-320 tỷ đồng), SHB (-175 tỷ đồng). Ở chiều mua, VIX và MWG lần lượt thu hút 112 tỷ và 105 tỷ đồng giá trị giao dịch mua vào.
Đáng chú ý, phiên tăng mạnh ngày 20/5 diễn ra trong bối cảnh nhiều công ty chứng khoán trước đó vẫn thiên về kịch bản điều chỉnh. Báo cáo gần nhất của Yuanta Việt Nam nhận định thị trường đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn và có khả năng kiểm định vùng hỗ trợ 1.250–1.280 điểm. Dù vậy, tổ chức này vẫn giữ quan điểm tích cực với xu hướng ngắn hạn, khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao, song cần thận trọng, hạn chế giải ngân mới và nên cân nhắc chốt lời từng phần khi cổ phiếu đạt mục tiêu lợi nhuận.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn