Chuyên gia: Thị trường con bò có thể đưa VN-Index lên 2.000 điểm, nhà đầu tư nên giải ngân 100% danh mục
Thị trường đang thể hiện rất tích cực sau những công bố về lộ trình ấn định thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhận định về xu hướng thị trường, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhấn mạnh: Sự tích cực của nhà đầu tư vào thời điểm hiện tại là có lý do đến từ vĩ mô, định giá thị trường…
Sau khi ông Trump và Trung Quốc đã đưa ra thỏa thuận “hòa hoãn”, với mức thuế lên Trung Quốc giảm về 30%, thì nhà đầu tư đánh giá rằng kịch bản xấu nhất với Việt Nam cũng chỉ là gần 30%, khá sát với kỳ vọng của thị trường từ 22 – 26%. Đây cũng là kịch bản đã được kỳ vọng từ đầu năm, trước khi ông Trump áp mức thuế 46%. Hiện tại, thị trường đã sẵn cho kịch bản thuế quan khoảng hơn 20%.
Thứ hai, thị trường vẫn còn chút lo ngại về khả năng thuế quan sẽ khác, do đó xuất hiện những biến động sideway (đi ngang).
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có thể chấp nhận được mức thuế quan hơn 20%, không chịu ảnh hưởng quá nhiều. Trong năm nay, Việt Nam có những bệ đỡ như nợ công thấp, tăng trưởng tín dụng tốt, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn … giúp tăng trưởng kinh tế tích cực.
Theo ông Đức, hiện có hai kịch bản cho thị trường Việt Nam. Thứ nhất, thị trường sẽ dừng lại và chuyển sang xu hướng giảm. Nhưng vì mới chỉ tăng 38%, trong khi đó phần lớn thị trường bò trong quá khứ tăng hơn 100%, nên dư địa tăng vẫn còn ít nhất 70%. Mức này tương ứng VN-Index đạt 1.900 – 2.000 điểm. "Tôi hiện đang thiên về quan điểm thị trường sẽ tăng mạnh như 2016 – 2017. Với sự dẫn dắt của những cổ phiếu lớn như VPB hay VIC, kết quả này có thể sớm xảy ra", ông Đức nhấn mạnh.
Do đó, trong giai đoạn này, theo ông Đức nhà đầu tư không nên giữ cổ phiếu dưới 70% danh mục. Trong trường hợp thuế quan gây rung lắc, có thể giải ngân nốt 30% còn lại ở các cổ phiếu không bị tác động bởi thuế quan, chẳng hạn như nhóm ngân hàng với định giá rẻ.
Giai đoạn của VN-Index từ 2023 đến nay giống với giai đoạn 2014 – 2016. Trong giai đoạn năm 2014 – 2016, VN-Index nhiều lần không thể vượt được ngưỡng 550 điểm. Hiện nay, ngoại trừ giai đoạn thuế quan của Tổng thống Trump, về cơ bản chỉ số vẫn dao động trong khoảng từ 1.200 đến 1.300 điểm. Mỗi lần chỉ số vượt đỉnh thì lại điều chỉnh.
Theo kinh nghiệm của chuyên gia, khi đường MA50 giao cắt, vượt lên MA200 thì thị trường sẽ vào xu hướng tăng giá. Sau đợt kiểm nghiệm lại gần đây, MA50 có thể sẽ cắt lại MA200, mở ra xu hướng đi lên. Tương tự, vào năm 2016, khi thị trường đã quá chán nản VN-Index lại đứng trước một con sóng rất lớn, tăng từ 570 đến 1.200 điểm (hơn 100%). Do đó, kỳ vọng vào lần tới, khi MA50 cắt trên MA200 thì thị trường có thể bứt phá. Nhà đầu tư cần chờ đợi đợt điều chỉnh lần này để kiểm nghiệm giả thuyết trên.
Nhận định về động thái mua ròng gần 3.000 tỷ của khối ngoại tuần qua, theo ông Đức, việc khối ngoại trở lại mua ròng là hợp lý. Dựa trên việc thị trường Việt Nam đang ở điểm rất đẹp và có thể tăng giá tiếp. Thứ nhất, định giá thị trường không đắt. Tăng trưởng lợi nhuận trong những quý vừa qua cũng không cao, không tạo ra xu hướng FOMO. Thứ ba, các yếu tố vĩ mô tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế.
"Nếu không trở lại thời điểm này thì không rõ khi nào quay lại được. Hiện nay, theo thống kê, chứng khoán Việt Nam trong 20 năm vừa qua cũng chỉ có 10 thị trường bò (bull) và gấu (bear) – tăng hoặc giảm 20%. Từ năm 2022 đến nay, thị trường đang trong xu hướng tăng và chưa từng có thời điểm giảm 20%", vị này nhấn mạnh.
Nhận định riêng về nhóm Vin đang kéo thị trường, theo ông Đức với những cổ phiếu dẫn dắt, nhà đầu tư không nên kỳ vọng xu hướng sẽ dừng lại. Với VIC, khi nào cổ phiếu này mất đường MA50 thì mới có thể đạt đỉnh. Còn hiện tại, mức 80.000, 100.000 hay 120.000 đồng/cổ phiếu là hoàn toàn do xu thế của thị trường, cùng nhóm VHM, VRE. Những cổ phiếu xanh trong phiên này đều sẽ là cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong nửa cuối năm, bao gồm nhóm Bất động sản (VIC, VHM, VRE), nhóm ngân hàng (VPB, TCB, ACB và HDB), nhóm bán lẻ (MWG, VNM)…
Xem thêm tại vneconomy.vn