Còn dư địa để VN-Index tăng tới 1.900 - 2.000 điểm
Thị trường không còn bất định
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu chưa hạ nhiệt hoàn toàn, tuyên bố cứng rắn từ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc không đàm phán riêng lẻ thuế quan với từng quốc gia đã làm dấy lên lo ngại về một chu kỳ bảo hộ thương mại mới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Kinh doanh số, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), thị trường chứng khoán Việt Nam đã thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ nhờ vào nền tảng vĩ mô ổn định, chính sách ứng phó linh hoạt và triển vọng dòng vốn dài hạn.
Tuyên bố không đàm phán thuế quan song phương từ ông Donald Trump thực chất được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đã hoàn tất các vòng đàm phán với 18 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Theo ông Nguyễn Việt Đức, đây không phải là sự phủ nhận đàm phán, mà là bước chuyển sang giai đoạn thực thi chính sách dựa trên khung thuế quan đã định hình.
Mỹ được cho là sẽ áp ba nhóm thuế suất: 10% với các đồng minh thương mại thân cận, 30% với Trung Quốc – đối tác có thâm hụt thương mại lớn nhất và từ 20–30% với các quốc gia còn lại, bao gồm Việt Nam. Mức thuế này, theo các chuyên gia kinh tế, là “có thể chấp nhận được” trong bối cảnh hiện tại.
Đáng chú ý, cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng giữa Việt Nam và Mỹ vừa qua cũng để lại dấu ấn tích cực. Việt Nam thể hiện rõ thiện chí và vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần giảm thiểu rủi ro từ những chính sách thương mại mới của Mỹ.
Ông Đức cho rằng, với khung thuế được xác lập, thị trường tài chính – đặc biệt là chứng khoán – đã nhanh chóng phản ứng tích cực. Sau khi chạm mốc lo ngại dưới 1.000 điểm vào đầu tháng 4/2025, chỉ số VN-Index hồi phục mạnh, vượt kỳ vọng của nhiều tổ chức trong và ngoài nước. Điều này cho thấy, tâm lý thị trường đã dần ổn định, sẵn sàng cho giai đoạn mới.
Vĩ mô vững chắc, vốn ngoại trở lại, định giá còn dư địa
Trong dài hạn, triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực trên nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, nền tảng vĩ mô đang hỗ trợ mạnh mẽ: nợ công ở mức thấp (khoảng 34% GDP), tăng trưởng tín dụng ổn định, chính sách tiền tệ nới lỏng, đầu tư công được đẩy mạnh. Đây là những yếu tố tạo lực đẩy nội tại cho thị trường chứng khoán, ngay cả khi đối mặt với biến động toàn cầu.
Thứ hai, tâm lý nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển biến rõ rệt. Sau 2 năm bán ròng hơn 6 tỷ USD, khối ngoại đã quay lại mua ròng, cho thấy niềm tin vào triển vọng thị trường Việt Nam. Các chỉ số kỹ thuật như MA50 – MA200 cũng gợi mở khả năng bước vào sóng tăng mới tương tự giai đoạn 2016–2017, khi VN-Index tăng hơn 100%.
Thứ ba, không có dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ rút khỏi Việt Nam. Ngược lại, cổ phiếu khu công nghiệp đã hồi phục nhanh chóng, phản ánh kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ vẫn chảy mạnh nhờ vị thế địa chính trị – kinh tế ổn định của Việt Nam.
Ông Nguyễn Việt Đức nhận định, nếu thị trường toàn cầu đi vào chu kỳ tăng trưởng mới, Việt Nam sẽ là một trong những điểm sáng nhờ điều kiện vĩ mô vượt trội so với nhiều nền kinh tế lớn đang đối mặt nợ công cao, dân số già hóa và tăng trưởng thấp.
Về chiến lược đầu tư, ông Đức khuyến nghị nhà đầu tư nên chuyển từ tư duy “giá trị” sang “tăng trưởng”, tập trung vào các nhóm ngành có lợi thế trung – dài hạn như ngân hàng, năng lượng, hạ tầng và bất động sản khu công nghiệp. Mức định giá hiện tại của thị trường (P/E khoảng 12–13 lần) vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng so với các chu kỳ tăng trước đó (17–18 lần).
Ngoài ra, việc các tập đoàn tư nhân lớn bắt đầu rục rịch lên sàn như trường hợp VPL hay Sungroup cũng là yếu tố giúp thị trường tăng sức hấp dẫn, mở rộng “hàng hóa” cho nhà đầu tư quốc tế. Cùng với đó, sự quan tâm rõ nét hơn từ Chính phủ tới khu vực kinh tế tư nhân sẽ tiếp thêm niềm tin cho thị trường vốn.
Theo chuyên gia của VPBankS, hiện chỉ có hai kịch bản cho thị trường Việt Nam. Kịch bản 1, thị trường sẽ dừng lại và chuyển sang xu hướng giảm. Nhưng vì mới chỉ tăng 38%, trong khi đó phần lớn thị trường bò trong quá khứ tăng hơn 100%, nên dư địa tăng vẫn còn ít nhất 70%. Mức này tương ứng VN-Index đạt 1.900 – 2.000 điểm. Kịch bản 2 là sẽ tăng mạnh như 2016 – 2017. Với sự dẫn dắt của những cổ phiếu lớn như VPB hay VIC, kết quả này có thể sớm xảy ra.
“Đây là giai đoạn “hái quả ngọt” cho những nhà đầu tư đã kiên nhẫn trong hai năm qua và cũng là thời điểm quan trọng để xác lập vị thế trong dài hạn”, ông Đức chia sẻ.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn