Nhóm chứng khoán đảo chiều ấn tượng, VN-Index tìm lại mốc 1.180 điểm

Thị trường đã trở nên rung lắc và đảo chiều giảm trong nửa cuối phiên sáng đầu tuần do áp lực bán gia tăng trên diện rộng. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là động lực chính giúp VN-Index chỉ biến động trong biên độ hẹp.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn khá lặng sóng. Chỉ số VN-Index duy trì trạng thái đi ngang dưới mốc tham chiếu trong gần nửa thời gian của phiên chiều và chỉ đến khi bị đẩy về mốc 1.175 điểm mới kích thích dòng tiền, tạo trợ lực tốt giúp thị trường đảo chiều bật hồi thành công.

Thị trường kết phiên trong trạng thái phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng và chỉ số VN-Index chỉ đủ sức để bước nhẹ qua mốc tham chiếu. Tuy nhiên, thanh khoản lại cải thiện tích cực với tổng giá trị giao dịch vượt các phiên giao dịch trong tuần trước, với sự đóng góp khá lớn của cổ phiếu quốc dân HPG.

Sau phiên giao dịch sáng khá đột biến về thanh khoản, cổ phiếu HPG tiếp tục sôi động hơn trong phiên chiều và đóng cửa với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 66 triệu đơn vị, hơn gấp đôi cổ phiếu đứng thứ 2 trên thị trường và gấp hơn 3 lần mức thanh khoản trung bình của HPG trong 10 phiên giao dịch gần đây. Đồng thời, đây cũng là mức thanh khoản cao nhất của cổ phiếu HPG trong hơn 1 năm qua, kể từ phiên 1/12/2022 khớp gần 66,6 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu HPG cũng nhích nhẹ so với thời điểm chốt phiên sáng khi đóng cửa tăng 1,8% lên mức 28.300 đồng/CP, là mức giá cao nhất trong khoảng 4 tháng qua của mã này.

Ngoài HPG, các cổ phiếu thép khác đều duy trì diễn biến khởi sắc. Trong đó, HSG chốt phiên tăng 2,4% lên mức 23.050 đồng/CP và khớp 25,15 triệu đơn vị; NKG chỉ còn tăng nhẹ 1% lên mức 25.200 đồng/Cp và khớp hơn 13 triệu đơn vị; POM vẫn tăng mạnh nhất ngành đạt 6,3%, SMC kết phiên tăng 4,7%...

Tuy nhiên, ấn tượng nhất thị trường chính là pha “quay xe” của nhóm cổ phiếu chứng khoán khi toàn ngành đã hồi phục thành công, ngoại trừ VIX đứng giá tham chiếu. Trong đó, HCM tăng 1,84%, BSI tăng 2,15%, VND, CTS, AGR đều tăng hơn 1%, còn lại đều tăng trong biên độ hẹp trên dưới 0,5%.

Điểm sáng ngành thuộc về TVB. Đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp sau khi TVB được chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang diện kiểm soát. Kết phiên, TVN tăng 6,97% lên mức giá trần 6.600 đồng/CP và khớp 2,14 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa, với SHB lùi về mốc tham chiếu 12.150 đồng/CP và giao dịch vẫn dẫn đầu toàn ngành, đạt 31,8 triệu đơn vị, MBB nhích nhẹ 0,2% và khớp 29,13 triệu đơn vị, VPB và EIB cùng tăng 0,5% và khớp hơn 15 triệu đơn vị…

Một số mã đáng chú ý trên thị trường như NVL bất ngờ đảo chiều tăng vọt sau phần lớn thời gian lình xình dưới mốc tham chiếu, trong đó đợt khớp lệnh ATC đã có hơn 3 triệu cổ phiếu chuyển nhượng thành công. Kết phiên, NVL tăng 5,5% lên mức 17.300 đồng/CP, là mức giá cao nhất trong khoảng 3 tháng qua của cổ phiếu này, đồng thời thanh khoản cũng ấn tượng với hơn 32,57 triệu đơn vị khớp lệnh.

Cổ phiếu HCD cũng có phiên giao dịch đột biến khi khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị và đóng cửa tăng kịch trần lên mức 8.200 đồng/CP với khối lượng dư mua trần hơn 0,15 triệu đơn vị. Mức thanh khoản này gấp gần 7 lần trung bình 10 phiên gần đây của HCD.

Chốt phiên, sàn HOSE có 246 mã tăng và 223 mã giảm, VN-Index tăng 1,36 điểm (+0,12%), lên 1.182,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 890 triệu đơn vị, giá trị 18.739,2 tỷ đồng, tăng 34,26% về khối lượng và 26,65% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 19/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 118,69 triệu đơn vị, giá trị 2.647,3 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, thị trường cũng đảo chiều hồi phục sắc xanh thành công về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 75 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,13%) lên 229,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 63,78 triệu đơn vị, giá trị 1.179,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,68 triệu đơn vị, giá trị 56,77 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 đóng vai trò hỗ trợ chính giúp thị trường đảo chiều thành công. Kết phiên, nhóm HNX30 tăng 2,7 điểm khi có tới 20 mã tăng và chỉ còn 8 mã giảm.

Trong đó, TVD đã thoát nằm sàn nhưng vẫn là mã giảm sâu nhất khi mất 5,4%, còn lại các mã chỉ giảm trên dưới 1%.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu chứng khoán khá ấn tượng với MBS tăng 3% lên mức giá cao nhất ngày 24.100 đồng/CP và khớp lệnh 4,87 triệu đơn vị, VIG, PSI, SHS đều tăng hơn 1%, trong đó SHS vẫn là mã có thanh khoản vượt trội trên thị trường, đạt hơn 19 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác đã nhận tín hiệu tích cực như CEO đảo chiều tăng 1,8%, TNG tăng 2,1%, HUT, LAS cũng tăng nhẹ.

Cổ phiếu thép VGS nới rộng biên độ và đóng cửa tăng 2,7% lên 22.900 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 1,36 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sắc xanh nhạt cũng đã trở lại với thị trường.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,25%), lên 87,72 điểm với 127 mã tăng và 95 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,43 triệu đơn vị, giá trị 496 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,33 triệu đơn vị, giá trị 55,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu VTP tiếp tục nóng lên trong phiên chiều. Đóng cửa, VTP tăng 7,9% lên mức 62.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,22 triệu đơn vị, chỉ thua BSR khớp gần 4,2 triệu đơn vị.

Các mã đáng chú ý khác như VGI tăng 2,3%, QNS tăng 1,3%, VHG tăng 3,7%, ABB tăng 1,2%, SBS tăng 1,4%, với khối lượng giao dịch đạt trên dưới 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2402 đáo hạn gần nhất là ngày 15/2 kết phiên tăng 4 điểm, tương đương +0,3% lên 1.194 điểm, khớp hơn 169.400 đơn vị, khối lượng mở hơn 55.910 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này mã CHPG2326 sôi động nhất khi khớp hơn 7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 13% lên 780 đồng/cq; tiếp theo là CSTB2322 khớp 4,56 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,3% lên 790 đồng/cq.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn