Nhóm ngành nào dẫn dắt “sóng” đầu tư năm 2024?

Các nhóm ngành dẫn sóng

Theo nhận dịnh của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS), nhóm ngành dẫn dắt đầu tư năm 2024 gồm ngân hàng, chứng khoán, xây dựng và vật liệu xây dựng. Trong đó, nhóm ngân hàng có vốn hóa lớn tác động lên chỉ số hút tỷ trọng giao dịch gần 30% tổng thanh khoản thị trường. Nhóm ngành thứ hai là chứng khoán luôn là ngành được nhà đầu tư yêu thích trong năm 2023, đầu năm 2024 bởi câu chuyện phục hồi và nâng hạng thị trường. “Đây là 3 nhóm ngành dẫn sóng thu hút dòng tiền đầu tư năm 2024. Ngoài ra, còn có một số ngành khác như bất động sản (BĐS) khu công nghiệp với làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… vào Việt Nam.

Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc Phân tích Cổ phiếu, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư (Công ty CP Chứng khoán SSI) cho rằng, năm 2024 là năm đầu tiên của sự phục hồi tăng trưởng, và các nhóm ngành mà công ty này hướng đến không chỉ tăng trưởng trong năm nay mà tiếp tục có sự tăng trưởng trong 2025 như thép, bán lẻ, chứng khoán, BĐS khu công nghiệp khi dòng vốn FDI vẫn đang được thu hút vào Việt Nam.

Còn theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt (VFS), dựa trên những tiêu chí về tăng trưởng lợi nhuận, định giá hợp lý, mức độ thu hút của dòng tiền và các câu chuyện vĩ mô hỗ trợ, ngành ngân hàng, BĐS, bán lẻ sẽ là 3 nhóm ngành triển vọng cho năm 2024.

Theo các chuyên gia của Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Ratings), tiếp nối sự phục hồi lợi nhuận của các công ty chứng khoán (CTCK) năm 2023, VIS Ratings kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân của ngành năm 2024 sẽ tiếp tục cải thiện tương đồng. Khối lượng giao dịch chứng khoán tăng mạnh và tâm lý thị trường cải thiện trong bối cảnh lãi suấ#t thấp sẽ thúc đẩy lợi nhuận cho vay ký quỹ và đầu tư công cụ có thu nhập cố định.

Theo đó, dự báo tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân của ngành sẽ cải thiện so với năm trước, đạt mức 4,8%-5% trong năm 2024 nhờ tăng trưởng lợi nhuận đầu tư công cụ có thu nhập cố định và cho vay ký quỹ, đặc biệt là các CTCK quy mô lớn. Các công ty lớn thường đầu tư nhiều vào công cụ có thu nhập cố định và nhiều khả năng sẽ tăng cường hoạt động này khi tâm lý thị trường cải thiện. Nhờ nguồn vốn lớn và mạng lưới khách hàng rộng, các công ty lớn còn có nhiều lợi thế hơn trong việc mở rộng cho vay ký quỹ, đặc biệt khi hoạt động giao dịch chứng khoán gia tăng trong môi trường lãi suất thấp. Ngoài ra, kế hoạch của cơ quan quản lý để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao dịch và bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ giúp thu hút nhà đầu tư mới theo thời gian.

Chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn

Nhiều ý kiến cho rằng, chứng khoán là một kênh đầu tư đầy hấp dẫn, trong thời gian tới khi các chính sách hiện tại đang kích thích mạnh và là điều kiện tốt để chứng khoán phát triển khi các chính sách tài khóa linh hoạt, nới lỏng tiền tệ được đưa ra. Hiện tại, VN-Index đang ở vùng định giá khá thấp, P/E dưới 15 lần, trong khi trước đó P/E toàn trên 20 lần. Lãi suất đang ở mức thấp nhất lịch sử, thấp hơn cả dịch Covid-19 và còn tiếp tục đi xuống. Đây là những yếu tố tác động tích cực tới cổ phiếu chứng khoán.

Chia sẻ về triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2024, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích dữ liệu, Công ty CP FiinGroup Việt Nam cho biết, dựa trên sự hồi phục từ tăng trưởng tín dụng trong môi trường lãi suất thấp, sức khỏe nền kinh tế tăng trưởng cao hơn năm trước, triển vọng ngành vẫn được kỳ vọng lợi nhuận sau thuế tăng 12 – 15% so với mức 3,5% trong năm 2023. Khuyến nghị về việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng cụ thể, chuyên gia này cho rằng nhà đầu tư nên dựa trên 2 tiêu chí: kỳ vọng lợi nhuận hồi phục và định giá hấp dẫn; có kế hoạch bán vốn, thuộc top nắm giữ của quỹ ngoại.

Tuy nhiên, những khó khăn mà cổ phiếu ngành ngân hàng phải đối mặt cũng được chuyên gia này đề cập tới, đó là vấn đề nợ xấu, rủi ro từ thị trường TPDN với lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 khoảng 300 nghìn tỷ và thị trường BĐS cần thời gian để giải quyết các vướng mắc về pháp lý.

Theo lưu ý của chuyên gia VIS Ratings về cổ phiếu ngành chứng khoán, tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động môi giới của các CTCK sẽ bị hạn chế bởi sự cạnh tranh gay gắt về phí, đặc biệt đối với các CTCK nước ngoài do biên lợi nhuận thấp hơn. Rủi ro cho vay ký quỹ vẫn được quản lý tốt nhờ giá trị tài sản đảm bảo lớn và sự phục hồi của giá cổ phiếu. Đòn bẩy của ngành sẽ tăng lên để hỗ trợ việc mở rộng hoạt động cho vay ký quỹ và danh mục đầu tư, tuy nhiên rủi ro được giảm thiểu bằng các đợt tăng vốn gần đây.

Bên cạnh các nhóm ngành nói trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, năm 2024, nhóm công ty có vốn hóa lớn sẽ thu hút dòng vốn đầu tư vì đang có định giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, năm 2024 dư địa cho chính sách tài khoá còn rất nhiều, do đó, nhóm ngành đầu tư công cũng sẽ góp phần cho mục tiêu tăng trưởng GDP.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn