Những doanh nghiệp bị kiện, yêu cầu mở thủ tục phá sản để “đòi nợ” đang ra sao?

Từ khi hoạt động đòi nợ bị cấm theo Luật đầu tư từ ngày 1/1/2021, nhiều doanh nghiệp lớn đã đối mặt với yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Gần đây nhất là CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG) và CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) rơi vào vòng xoáy. Tuy nhiên, hiện tại cả 2 doanh nghiệp này đã trả nợ và thoát khỏi tình trạng mở thủ tục phá sản.

Về việc của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, vào ngày 8/2/2023, Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Gia Lai ra bản án về việc tranh chấp thực hiện hợp đồng cung cấp, chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công giữa với CTCP Lilama 45.3 (mã L43).

Theo đó, tòa tuyên xử buộc Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải thanh toán cho Công ty Lilama 45.3 số tiền hơn 17 tỷ đồng, trong đó tiền nợ gốc gần 14,8 đồng, tiền lãi chậm thanh toán gần 2,4 tỷ đồng.

Ngày 15/3/2023, Chi cục Thi hành án dân sự TP Pleiku ra quyết định thi hành án theo yêu cầu đối với khoản nợ của Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Đang trong quá trình kiểm kê, xử lý để thi hành án thì vào ngày 9/10/2023, thẩm phán Lê Đình Nam (TAND tỉnh Gia Lai) ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Tuy nhiên sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, Đức Long Gia Lai đã chuyển vào tài khoản của Lilama 45.3 để trả nợ, đồng thời Đức Long Gia Lai hiện vẫn đang kinh doanh bình thường, kết quả kinh doanh 3 năm trước và 9 tháng đầu năm 2023 có lãi. Nhờ vậy Đại gia phố núi đã “thoát án”.

Về ông lớn làng xây dựng Coteccons, vào tháng 7/2023, Ricons đã gửi đơn lên Tòa án yêu cầu mở thủ tục phá sản với Coteccons vì cho rằng Coteccons không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn với Ricons. Theo báo cáo tài chính quý 2/2023 của Ricons, dư nợ của Coteccons với Ricons ghi nhận hơn 322 tỷ đồng.

Phía Coteccons cho biết, các giao dịch hình thành với Ricons trong giai đoạn quá khứ đều ký chung hợp đồng nguyên tắc có quy định hình thức thanh toán của hợp đồng, chỉ khi nào Coteccons nhận được tiền thanh toán từ chủ đầu tư trước thì sau đó mới thanh toán đến các nhà thầu phụ, trong đó có Ricons. Do vậy, đến cuối tháng 9 vừa qua, Tòa án nhân dân TP.HCM đã Quyết định không mở thủ tục phá sản đối với Coteccons.

Tuy nhiên có những doanh nghiệp như Seaprodex Sài Gòn hay ITA vẫn đang trong vòng xoáy thủ tục nhiều năm liên tiếp, chưa đi đến kết luận cuối cùng.

Vào đầu năm 2018, Công ty CP Công nghiệp Tân Tạo (Tân Tạo - ITA) đã bị TAND TP HCM công bố quyết định mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của Công ty TNHH TM DV XD Quốc Linh (Công ty Quốc Linh). Do tính chất phức tạp nên phía tòa án đã chỉ định thêm quản tài viên quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp (theo quyết định số 22/2022 ngày 15/4/2022).

Là công ty đại chúng đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM, nên theo quy định, Tân Tạo phải công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông báo của tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp. Mặc dù liên tục nhắc nhở và yêu cầu xác nhận thông tin và công bố trong vòng 24 giờ theo quy định, nhưng Tân Tạo không làm. Việc này khiến sở chứng khoán phải ra quyết định đưa mã ITA vào diện cảnh báo.

Thời điểm đầu năm 2023, bà Phan Thị Hiệp, Tổng giám đốc Tân Tạo, đã phản đối quyết định mở thủ tục phá sản này vì cho rằng bất hợp lý. Bởi lẽ yêu cầu này dựa trên các bản án sơ thẩm của TAND huyện Đức Hòa (Long An); bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Long An. Tân Tạo còn cho rằng hồ sơ vụ án có nhiều tài liệu chưa đúng, đồng thời khẳng định: "Tân Tạo hoàn toàn không có quan hệ kinh tế, không tranh chấp với Công ty Quốc Linh". Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thêm thông tin của Tòa án hay Tân Tạo về thông tin mở thủ tục phá sản.

Trước đó ngày 27/4/2022 Tòa án nhân dân Tp Hồ Chí Minh đã quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn, SSN). Tuy nhiên đến tháng 7/2022 Seaprodex Sài Gòn đã có đơn yêu cầu hủy bỏ hoặc đình chỉ/tạm đình chỉ thi hành quyết định ngày 27/4/2022 của Toàn án Nhân dân TP. HCM về việc mở thủ tục phá sản đối với Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn sau những tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa với Công ty Fortuna. Tổng số tiền gốc và lãi Seaprodex Sài Gòn phải thanh toán cho Công ty Fortuna là hơn 100,3 tỷ đồng.

Kể từ ngày 20/2/2023 đến nay, 39,6 triệu cổ phiếu SSN sẽ vào diện hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM do doanh nghiệp nhận được quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án theo quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp.

Những vụ kiện xuất phát từ tranh chấp nợ nần hoặc hợp đồng tài chính không chỉ gây ảnh hưởng ngắn hạn đến hoạt động kinh doanh mà còn đặt ra những thách thức lâu dài về uy tín và hình ảnh của các doanh nghiệp trên thị trường.

Đại gia phố núi được hủy quyết định mở thủ tục phá sản

Xem thêm tại nguoiquansat.vn