Những doanh nghiệp gửi 'núi tiền' vào ngân hàng
Nhiều "ông lớn" gửi nghìn tỷ đồng tại ngân hàng
Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại từ đầu năm đến nay duy trì ở mức thấp, dao động từ 2,9-6%/năm cho các kỳ hạn từ 6-12 tháng. Mức lãi suất trên chỉ bằng một nửa so với thời điểm này năm ngoái.
Dù lãi suất thấp nhưng nhiều doanh nghiệp tiếp tục duy trì lượng tiền mặt và gửi tại các ngân hàng khá lớn.
Điển hình, Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - mã chứng khoán VGI) - cánh tay nối dài ra thị trường quốc tế của Tập đoàn Viettel - là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất trên sàn chứng khoán tới cuối quý I năm nay khi đang nắm trong tay hơn 39.600 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi. Khoản này tăng khoảng 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty này đã thu về hơn 400 tỷ đồng nhờ việc gửi tiền vào ngân hàng trong quý đầu năm nay.
Theo báo cáo tài chính quý I của Viettel Global, dù chịu lỗ hơn 1.500 tỷ đồng do biến động tỷ giá nhưng nguồn thu vững vàng từ tiền gửi ngân hàng đã giúp doanh nghiệp này giảm thiểu tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 của Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) cũng cho thấy đến cuối quý, tập đoàn này đang gửi hơn 36.572 tỷ đồng trong các ngân hàng. Lượng tiền mặt dồi dào này cũng giúp Vingroup thu về tới gần 1.500 tỷ đồng tiền lãi, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hay theo báo cáo tài chính quý I/2025, Hóa chất Đức Giang có gần 11.300 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chiếm 66% tổng tài sản. Số tiền này mang về cho doanh nghiệp này 134 tỷ đồng tiền lãi trong quý đầu năm, tức mỗi ngày thu về 1,5 tỷ đồng tiền lãi.

Tương tự, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - cũng là doanh nghiệp luôn có lượng tiền mặt thuộc top đầu. Đến cuối quý I, doanh nghiệp này có lượng tiền mặt và tương đương tiền đạt 25.744 tỷ đồng. Lãi tiền gửi ngân hàng trong quý đầu năm nay của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt hơn 272,7 tỷ đồng.
Cũng xuất hiện trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp có lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lớn là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát. Số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Hòa Phát đến cuối quý I năm nay đạt hơn 23.600 tỷ đồng.
Tại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), đến cuối quý I, lượng tiền mặt, các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt 25.708 tỷ đồng. Tổng tài sản Vinamilk là 55.013 tỷ đồng. Như vậy, lượng tiền mặt chiếm tới gần 47% tổng tài sản của doanh nghiệp sữa này.
Nhờ có lượng tiền mặt lớn, Vinamilk ghi nhận hơn 340 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng trong quý I, tương đương gần 3,8 tỉ đồng mỗi ngày.
Một doanh nghiệp khác cũng nổi tiếng trên sàn chứng khoán về độ “nhiều tiền mặt” là Tổng công ty Khí Việt Nam - PV GAS (GAS). Đến cuối quý I, GAS có gần 37.000 tỷ đồng tiền mặt, chủ yếu đem gửi ngân hàng hưởng lãi. Quý I, GAS đã thu về 262 tỷ đồng lãi tiền gửi và cho vay.
Trong nhóm doanh nghiệp "nhiều tiền mặt", không thể không nhắc đến Thế giới Di động (MWG).
Báo cáo tài chính của MWG ghi nhận, đến cuối quý I, doanh nghiệp này có gần 42.000 tỷ đồng từ các khoản cho vay ngắn hạn, đầu tư trái phiếu, gửi ngân hàng và các khoản đầu tư hưởng lãi suất khác. Đây là mức cao kỷ lục từ trước tới nay của MWG.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng ghi nhận nguồn thu từ tiền gửi có đóng góp lớn vào lớn nhuận trong quý đầu năm nay, như Petrolimex hay FPT. Thậm chí, PV Oil có thể đã lỗ nếu không có lượng tiền gửi lớn.
"Ôm tiền" chờ thời
Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, thay vì đầu tư dòng tiền vào hoạt động kinh doanh vốn nhiều rủi ro, kênh ngân hàng trở thành “nơi trú ẩn” cho dòng tiền của các doanh nghiệp dồi dào tiền mặt. Nhờ chiến lược “tiền nhàn rỗi sinh lời”, nhiều doanh nghiệp có thêm hàng trăm tỷ đồng mỗi quý mà không cần mạo hiểm trên thị trường.
Các chuyên gia nhận định, động thái này của doanh nghiệp vừa gia tăng được lợi nhuận vừa đảm bảo an toàn cho dòng vốn và chờ cơ hội "ấm lên" của nền kinh tế để đầu tư. Việc “gối đầu” lượng tiền mặt lớn không chỉ là chiến lược phòng ngự an toàn mà còn là “vũ khí mềm” giúp doanh nghiệp chủ động trong đàm phán tín dụng, linh hoạt xoay trở khi cần thiết.
Có những doanh nghiệp tích lũy lượng tiền mặt khổng lồ không chỉ để hưởng lãi mà còn để chuẩn bị cho những cú bứt phá dài hơi.

Tập đoàn Hòa Phát là minh chứng điển hình. Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long từng thẳng thắn chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ): “Tiền mặt không phải để ngồi ngắm hay lao vào bất động sản mà là nguồn lực chờ đón những cơ hội lớn trong sản xuất”.
Ông Long chia sẻ, Hòa Phát luôn duy trì lượng tiền gửi lớn để làm nguồn vốn thực hiện dự án quan trọng.
Hay tại Hoá Chất Đức Giang, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, bày tỏ quan điểm trước cổ đông về những lời mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực “nóng” như bất động sản, chứng khoán hay bitcoin, Chủ tịch Đào Hữu Huyền cho hay: "Nhiều người khuyên tôi rót tiền vào chứng khoán, bitcoin hay đầu tư vào công ty khác, nhưng thú thực, tôi sợ lắm. Chúng tôi chỉ giỏi ngành của mình, còn bước sang lĩnh vực khác mà không am hiểu thì chỉ có mất tiền".
Nêu quan điểm về việc các doanh nghiệp “ôm” tiền gửi ngân hàng, ông Trần Đình Phương, chuyên gia tài chính, cho hay, thông thường, trong giai đoạn chưa thể triển khai kế hoạch tái đầu tư do điều kiện kinh tế chưa thuận lợi, gửi tiền vào ngân hàng là lựa chọn phổ biến của nhiều doanh nghiệp. Khoản tiền này còn đóng vai trò như “phao cứu sinh” trong các chu kỳ suy thoái kinh tế, giúp bù đắp phần nào sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định, có thể doanh nghiệp không có nhiều đơn hàng nên buộc phải gửi tiền vào ngân hàng để chờ cơ hội mới. Cũng có khả năng các tổ chức kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, lượng tiền thanh toán từ đối tác về tài khoản trả cho những đơn hàng sản xuất trước đó nên có sự cải thiện hơn trước đây. Tiền mặt mà doanh nghiệp nhận về nhanh, trong khi chưa có thời gian lên kế hoạch sử dụng chúng sao cho có hiệu quả nhất nên tạm thời gửi ngân hàng.
Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Chiến lược đầu tư, Trung tâm phân tích của Chứng khoán Thiên Việt, nhìn nhận, các doanh nghiệp đầu ngành duy trì lượng tiền gửi lớn để tối ưu nguồn vốn "nhàn rỗi". Việc này giúp họ có thu nhập thụ động khi chưa có hoạt động đầu tư mới trong tương lai gần.
Việc gửi tiền vào ngân hàng giúp doanh nghiệp phân tán rủi ro khi có nhiều biến số vĩ mô. Ngoài ra, tiền gửi cũng là một dạng "tài sản đảm bảo" cho các khoản vay tại ngân hàng.
Ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, nếu doanh nghiệp quá phụ thuộc vào nguồn thu từ lãi tiền gửi thì dòng tiền sẽ mang tính thụ động và thiếu bền vững. Nếu phải rút tiền gửi để trả nợ hoặc khi lãi suất trên thị trường giảm, khoản thu tài chính sẽ sụt giảm, dẫn đến lợi nhuận chung bị ảnh hưởng đáng kể và doanh nghiệp có thể đối mặt áp lực tài chính lớn hơn.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn