Báo cáo ngành ngân hàng do Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) mới phát hành cho thấy, quý I/2025, tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng niêm yết tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản thu nhập đột biến từ việc SeABank bán toàn bộ 100% vốn tại Công ty Tài chính Bưu điện, mức tăng còn 10,9%.
NIM thu hẹp vì gói vay ưu đãi, ngân hàng đẩy mạnh thu ngoài lãi để bù đắp
Trong đó, các ngân hàng tư nhân ghi nhận kết quả nổi trội hơn về lợi nhuận trước thuế, với nhiều cái tên có mức tăng trưởng hai chữ số như MB (tăng 44,7%), Sacombank (tăng 38,4%), VPBank (tăng 19,9%), HDBank (tăng 33%), SeABank (tăng mạnh 188,8%), Eximbank (tăng 25,8%) và Nam A Bank (tăng 22,5%).
Ngân hàng chấp nhận giảm NIM để chia sẻ với nền kinh tế "Trong giai đoạn vừa qua, NIM của một số ngân hàng đã bắt đầu thu hẹp, đặc biệt trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025. Xu hướng này là hợp lý vì các ngân hàng phải chia sẻ lợi nhuận, trách nhiệm đối với nền kinh tế, thị trường thông qua việc cung ứng các gói vay lãi suất hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng" - ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS. |
Tín dụng toàn hệ thống tăng 3,93% so với cuối năm 2024, tương đương tăng 17,9% so với cùng kỳ, mức cao hơn nhiều so với 1,42% của quý I/2024, động lực chủ yếu đến từ cho vay doanh nghiệp.
Một số ngân hàng dẫn đầu tăng trưởng tín dụng bao gồm VietinBank (tăng 4,5%), SHB (tăng 7,8%), VPBank (tăng 5%), Eximbank (tăng 9,2%), MSB (tăng 8,9%), NCB và KienlongBank (cùng tăng 10,6%), PGBank (tăng 10%).
Chia sẻ gần đây, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ cho thị trường thì tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao, từ đó mở rộng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.
Tuy nhiên, đáng lưu ý, báo cáo của Chứng khoán KIS cho thấy, biên lãi ròng (NIM) trung bình giảm 45 điểm cơ bản so với cùng kỳ, xuống còn 3,1%, chủ yếu do lợi suất tài sản giảm. Phần lớn ngân hàng ghi nhận NIM giảm trong quý I/2025.
![]() |
Nguồn: Chứng khoán KIS. |
Cũng theo ghi nhận của SSI Research, NIM toàn ngành giảm so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2016 - 2017 do cạnh tranh gia tăng trong ngành. TPBank và Sacombank là trường hợp ngoại lệ với NIM có sự cải thiện đáng kể.
Kể từ cuối năm 2023, các "ông lớn" quốc doanh và ngân hàng nước ngoài tung ra nhiều gói cho vay với lãi suất ưu đãi, khiến các ngân hàng tư nhân cũng phải theo sát để duy trì tính cạnh tranh.
Điều này khiến nhóm ngân hàng thương mại quy mô trung bình bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi cạnh tranh lãi suất, NIM giảm 64 điểm cơ bản so với cùng kỳ và phải đẩy mạnh các hoạt động thu ngoài lãi để bù đắp phần nào cho việc NIM bị thu hẹp.
"Dự báo NIM vẫn sẽ chịu áp lực trong năm 2025 và có khả năng hồi phục dần từ cuối 2025 khi một số khoản cho vay mua nhà hết thời gian ưu đãi lãi suất" - SSI Research đánh giá.
Trong thời gian tới, nhóm phân tích SSI Research cho rằng, sẽ có hai yếu tố lớn ảnh hưởng tới xu hướng NIM của các ngân hàng.
Thứ nhất, sự thay đổi bối cảnh cạnh tranh trong trường hợp căng thẳng thương mại leo thang, gây áp lực lên nguồn vốn giá rẻ từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn đem lại thế mạnh cho nhóm quốc doanh với nguồn CASA và vốn huy động bằng USD.
Thứ hai, các khoản vay mua nhà hết thời gian ưu đãi lãi suất. Làn sóng cho vay mua nhà với lãi suất hấp dẫn bắt đầu từ khoảng quý III/2023 và có thể kết thúc từ cuối năm 2025.
"Điều này có thể hỗ trợ NIM phục hồi, đặc biệt là đối với các ngân hàng như BIDV, VietinBank, Techcombank, MB và ACB khi hết thời hạn ưu đãi lãi suất và các khoản vay chuyển sang giai đoạn lãi suất thả nổi" - SSI Research nhìn nhận.
Tỷ lệ nợ xấu nhích lên, dự báo đạt đỉnh nửa đầu năm
Cũng theo Chứng khoán KIS, tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại trong quý I/2025. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu theo nhóm từ 3 - 5 của 27 ngân hàng trong hệ thống tăng từ 1,9% trong quý IV/2024 lên 2,1% trong quý I/2025.
Nếu tính từ nhóm 2 - 5, tỷ lệ này cũng tăng từ 3,5% lên 3,8%. Một số ngân hàng vẫn giữ được tỷ lệ nợ xấu thấp hoặc cải thiện so với quý trước. Chẳng hạn, VietABank giảm tỷ lệ nợ xấu từ 1,3% xuống 0,6%, Vietcombank duy trì ở mức 1%, trong khi Techcombank tăng nhẹ từ 1,1% lên 1,2%, BacABank tăng từ 1,2% lên 1,3% và ACB giữ ổn định ở mức 1,0%.
![]() |
NIM giảm về đáy gần 10 năm, nợ xấu gia tăng tạo áp lực cho ngân hàng. Ảnh: T.L. |
Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm. Trung bình toàn hệ thống, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 91% trong quý IV/2024 xuống còn 80% trong quý I/2025. Một số ngân hàng vẫn duy trì được mức dự phòng cao, như Vietcombank giảm từ 223% xuống 216%, VietinBank từ 175% xuống 137%, Techcombank từ 114% xuống 112%.
Cũng theo SSI Research, do trong quý I/2025 không có nhiều tiến triển đối với các dự án bất động sản chưa hoàn tất về mặt pháp lý, trong khi thanh khoản tại thị trường bất động sản TP.HCM vẫn trầm lắng, khiến một phần các khoản cho vay mua nhà liên quan đã bị chuyển nhóm thành nợ xấu tại một số ngân hàng.
"Nhìn chung, tỷ lệ hình thành nợ xấu thường có xu hướng tăng trong quý I, sau khi được cải thiện vào quý cuối cùng của năm trước. Tuy nhiên, với môi trường lãi suất duy trì ở mức thấp và các phương án cơ cấu hỗ trợ khách hàng từ phía ngân hàng, chúng tôi cho rằng tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2025 trước khi bắt đầu giảm dần vào nửa cuối năm" - SSI Research đánh giá.
Kỳ vọng tín dụng bật cao quý II, khó cản đà suy giảm NIM Chứng khoán KIS cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong quý II/2025 có thể tiếp tục tăng cao hơn so với cùng kỳ. Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đầy tham vọng ở mức 16% cho toàn hệ thống ngân hàng trong năm 2025, cao nhất trong 7 năm qua. Tuy nhiên, tỷ suất sinh lợi trên tài sản suy giảm ngăn chặn đà phục hồi NIM trong quý II/2025. Theo kịch bản cơ sở, NIM có thể duy trì ổn định trong năm 2025 và có khả năng giảm nhẹ trong kịch bản tiêu cực. Chi phí dự phòng rủi ro có thể tăng do bổ sung trích lập dự phòng nợ và tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao. |