Nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán

Những trở ngại chính

Quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam đã được thể hiện mạnh mẽ và luôn được Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm và chỉ đạo sát sao. TTCK đã đáp ứng được 7 tiêu chí và từ tháng 9/2018, Việt Nam đã được FTSE đưa vào danh sách theo dõi để được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Trong năm 2023, Chính phủ, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã thực hiện nhiều giải pháp như đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, giao dịch để tăng khả năng giao dịch và tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư, tăng cường các buổi làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm (FTSE, MSCI), các nhà đầu tư quốc tế để giúp các tổ chức, nhà đầu tư hiểu hơn về TTCK Việt Nam, thúc đẩy mục tiêu nâng hạng.

Có thể thấy, Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được các tiêu chí của FTSE (7/9 tiêu chí) đối với xếp hạng thị trường mới nổi hạng hai, tuy nhiên đối với tiêu chí nâng hạng của MSCI mới đáp ứng 8/17 tiêu chí. Trong đó, có 2 vấn đề cốt lõi cần tháo gỡ là: giới hạn sở hữu nước ngoài và yêu cầu ký quỹ trước giao dịch.

Ông Ketut Kusuma, chuyên gia cao cấp lĩnh vực tài chính, điều phối viên chương trình lĩnh vực tài chính của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam lưu ý, mặc dù được đưa vào danh sách theo dõi và sẽ được xem xét để có thể nâng hạng thành TTCK mới nổi, vẫn còn các trở ngại chính mà Việt Nam cần phải cải thiện thêm. Đó là các yêu cầu liên quan đến ký quỹ trước khi giao dịch và các giao dịch khối; mức trần sở hữu nước ngoài và room cho nhà đầu tư quốc tế; công bố thông tin bằng tiếng Anh. Việt Nam cũng cần phải giải quyết thêm các quy định liên quan đến mở tài khoản, đăng ký nhà đầu tư...

Trên thực tế, để tháo gỡ điểm nghẽn ký quỹ trước giao dịch, hiện Bộ Tài chính, UBCKNN đang rất tích cực và nỗ lực đưa ra các giải pháp để có thể triển khai việc giao dịch không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, UBCKNN cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát ngành nghề, đồng thời công bố thông tin minh bạch bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nắm thông tin tỷ lệ sở hữu của các doanh nghiệp một cách dễ dàng nhất.

Nâng cao năng lực tài chính để đảm bảo thực hiện không ký quỹ giao dịch

Nhận định về giải pháp này, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, để tham gia cung cấp dịch vụ không yêu cầu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ 100% tiền trước giao dịch đòi hỏi các công ty chứng khoán (CTCK) cần phải tự hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính và quản trị rủi ro. Nâng cao năng lực tài chính đồng nghĩa với việc các CTCK cần phải tăng vốn, bởi, với dự kiến trong bối cảnh thị trường như hiện tại, khi thị trường được FTSE chính thức nâng hạng thì gần như ngay lập tức sẽ có 1,6 tỷ USD vào thị trường Việt Nam từ các quỹ ETF bị động; đồng thời, vốn từ các quỹ đầu tư chủ động cũng sẽ vào gấp 4 - 5 lần hiện tại. Cùng với đó, các CTCK cần xây dựng và vận hành hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả, từ đó giúp đánh giá được năng lực của nhà đầu tư, vừa bảo vệ cho chính DN mình, vừa bảo vệ sự an toàn cho thị trường chung.

Bà Wanming Du, Giám đốc Chính sách chỉ số của FTSE Russell cho biết, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí, để đảm bảo tính minh bạch của quy trình, việc xếp hạng còn phải kết hợp với việc đánh giá của các nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước, có cân nhắc đến thực tiễn quản lý rủi ro... Với 2 tiêu chí còn lại là chu trình thanh toán và chi phí thanh toán giao dịch sai lỗi (giao dịch thất bại) đang được FTSE Russell đánh giá, bước đầu cho thấy, mô hình này đã hoàn thiện hơn. Cũng theo FTSE Russell, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết tiến trình nâng hạng TTCK thông qua việc tiếp tục tháo bỏ rào cản, bao gồm điều chỉnh pháp lý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường.

Theo bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN, việc nâng hạng TTCK phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực cao nhất của cơ quan quan quản lý, cần sự chung sức của các thành viên thị trường trong cung cấp dịch vụ, các công ty niêm yết, đặc biệt là các tổ chức niêm yết lớn trong vấn đề công bố thông tin minh bạch, công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị công ty theo thông lệ tốt…

Khẳng định xác suất TTCK Việt Nam được nâng hạng vào năm 2025 rất lớn, ông Nguyễn Khắc Hải khuyến nghị cần dành thời gian tập trung sửa những thông tư nếu yêu cầu thêm về các điều kiện đối với công ty chứng khoán khi thực hiện giao dịch không cần ký quỹ. Theo đó, không chỉ Bộ Tài chính, UBCKNN mà cần có sự chung tay của các cơ quan, bộ ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rút ngắn quy trình.

Sau 25 năm đi vào hoạt động, TTCK Việt Nam đã trở thành một kênh huy động vốn dài hạn cho đầu tư phát triển. Quy mô huy động vốn qua TTCK giai đoạn 2011 - 2020 đạt gần 2,9 triệu đồng, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2000 - 2010. Năm 2023, tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022. Về quy mô của TTCK Việt Nam, đến cuối tháng 3/2024, giá trị vốn hoá của riêng thị trường cổ phiếu đạt 6,7 triệu tỷ đồng, bằng 66,2% GDP ước tính năm 2023.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn