Nới room ngoại lên 49%: VPBank, MB và HDBank còn chỗ cho 'cá mập' nước ngoài?
Theo Nghị định 69/2025 vừa được Chính phủ ban hành, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) được vượt 30% nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ.
Điều này đồng nghĩa với những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc là Vietcombank, VPBank, HDBank và MB sẽ được nới room ngoại lên 49% từ ngày 19/5/2025. Ngoại trừ Vietcombank với trên 50% vốn điều lệ do Nhà nước sở hữu, ba ngân hàng còn lại là VPBank, MB và HDBank đều thuộc diện được nới trần room ngoại.

Như vậy, các ngân hàng này sẽ có thêm giải pháp huy động thêm nguồn vốn từ nhà đầu tư quốc tế, phục vụ cho mục tiêu tái cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém đã nhận chuyển giao. Trước đó, trong tờ trình Chính phủ, sửa đổi Nghị định 01 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng, NHNN từng nhận định, việc nới room ngoại cho nhóm nhà băng nhận chuyển giao bắt buộc lên 49% là “cơ chế khuyến khích khối ngoại đầu tư vào ngân hàng yếu kém, cũng như tạo điều kiện cho đơn vị tham gia nhận chuyển giao bắt buộc”.
Số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trù chứng khoán Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 20/3/2025, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 1,4 tỷ cổ phiếu của MB, tương đương tỷ lệ 23,24%.
Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 1,97 tỷ chứng khoán tại VPBank, tương đương tỷ lệ 24,86%. Còn lại HDBank, ngân hàng này đã chủ động tạm khóa room ngoại từ mức 20% xuống còn 17,5%. Tính đến 20/3/2025, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 603,8 triệu chứng khoán của HDBank, tương ứng với tỷ lệ 17,2%. Đồng thời, HDBank cũng chưa có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Giới phân tích nhận định, trong ba ngân hàng, khả năng MB nâng mức trần sở hữu nước ngoài lên tối đa 49% là không cao bởi hơn 48% cổ phần của ngân hàng này đang thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước. Đến nay, MB cũng vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài hay huy động vốn.

Theo danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ trở lên mới nhất (ngày 24/10/2024), có 6 doanh nghiệp nhà nước và người liên quan đang nắm giữ tổng cộng 67,92% cổ phần của MB, bao gồm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Công ty TNHH Một thành viên Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên thương mại và xuất nhập khẩu Viettel (Viettel Commerce) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Trong khi đó, việc được nới room ngoại được xem là diễn biến có lợi cho kế hoạch huy động vốn của HDBank, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh cũng như tái cấu trúc DongA Bank (nay là Vikki Bank). Trước đó hồi tháng 2/2025, trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư, HDBank cũng cho biết ngân hàng đang tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài và hiện nhận được sự quan tâm lớn.
Với sự hiện diện của cổ đông chiến lược nước ngoài, HDBank sẽ có thêm dư địa về nguồn vốn để phục vụ những khách hàng doanh nghiệp có quy mô rất lớn, nhất là khi kế hoạch hoạt động của ngân hàng trong năm 2025 là tham gia các dự án hạ tầng và chiến lược quốc gia.
Còn lại, đối với VPBank, hiện tại room ngoại của nhà băng này vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, sau thương vụ bán 15% cổ phần cho SMBC vào năm 2023 mang về 1,5 tỷ USD, VPBank hiện đang xếp thứ 4 trong top 10 ngân hàng có vốn chủ sở hữu cao nhất hệ thống, lên tới 147,2 tỷ đồng và chỉ đứng sau Vietcombank, VietinBank và Techcombank (tính đến cuối năm 2024). Với bộ đệm vốn dày như vậy, giới phân tích cho rằng, khả năng cao VPBank sẽ không nâng trần sở hữu nước ngoài hay huy động vốn mới trong ngắn hạn.
Hiện tại, mức trần room ngoại đối với các ngân hàng tại Việt Nam là 30%. Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trù chứng khoán Việt Nam, tính đến ngày 20/3/2025, 12/27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%.
Trong đó, có nhiều ngân hàng đã kín room ngoại, như Techcombank (22,51%), ACB (30%), MB (23,24%). Ngoài ra, có những ngân hàng sở hữu tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài ở mức cao so với mức trần 30%, như VietinBank (26,84%), MSB (27,55%), TPBank (28,05%).
Trái lại, một số ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài rất thấp, thậm chí chưa sử dụng đến room ngoại như Bac A Bank (0%), Nam A Bank (1,62%), BaoViet Bank (0,09%), KienLong Bank (1,1%), VietA Bank (0,23%), Vietbank (0,01%)… Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã khóa room ngoại ở mức rất thấp để chờ đối tác chiến lược, có thể kể đến LPBank (5%), SeABank (5%), BVBank (5%) hay VIB (4,99%).
Xem thêm tại vietnamfinance.vn