Ồ ạt đón tin vui, cổ phiếu dầu khí kéo nhau "bung lụa", có mã lập đỉnh lịch sử

Sự giằng co dữ dội của thị trường không khiến nhóm dầu khí phải nao núng mà ngược lại hàng loạt cổ phiếu rủ nhau bung trần trong phiên giao dịch 8/5. PVB và PVT là hai cổ phiếu bật tăng hết biên độ, trong khi đó PVS tăng 5,10%; PVC tăng 4,2%; PVD tăng 3,10%; BSR cũng tăng 1,60%... Trong đó, PVT leo lên vùng giá cao nhất lịch sử với dư mua 3,4 triệu cổ phiếu.

Chủ yếu là nhờ tin vui từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa công bố hai phát hiện dầu khí mới tại mỏ Rồng và mỏ Bunga Aster.

Theo PVN, hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí (E&P) vẫn luôn là một trong những lĩnh vực cốt lõi, đóng góp lớn trong việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch và chiến lược phát triển.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, PVN đã tập trung đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí cùng nhiều giải pháp kỹ thuật trong điều kiện cho phép nhằm chặn đà suy giảm sản lượng tự nhiên, cũng như đảm bảo mục tiêu gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí.

Kết quả là trong bốn tháng đầu năm, tập đoàn đã có hai phát hiện quan trọng tại giếng R79, mỏ Rồng thuộc lô 09-1 và giếng BA-1X, mỏ Bunga Aster, lô PM3 CAA.

Tại giếng R79, người điều hành Vietsovpetro đã tiến hành thử vỉa đối tượng móng và nhận được dòng dầu tự phun với lưu lượng đạt gần 6.300 thùng/ngày.

Đánh giá sơ bộ, mỏ này giúp dự kiến gia tăng tiềm năng dầu khí tại chỗ đạt khoảng 16,5 triệu thùng dầu và ước tính trữ lượng tăng thêm từ giếng khoan R-79 khoảng 4,6 triệu thùng.

Tại giếng BA-1X, kết quả tính toán sơ bộ tài nguyên dầu tại chỗ khoảng 84 triệu thùng (tăng gần gấp đôi dự báo ban đầu), dự kiến gia tăng trữ lượng cho toàn bộ vỉa là khoảng 20,2 triệu thùng.

Đặc biệt, giếng BA-1X đã được đưa vào khai thác từ ngày 5-5 với lưu lượng khai thác ban đầu khoảng 2.100 thùng/ngày.

Trong thời gian tới nhà điều hành lô PM3 CAA sẽ tiếp tục thẩm lượng phát hiện dầu Bunga Aster để có thêm đánh giá chắc chắn về tiềm năng trữ lượng dầu của đối tượng.

Mục tiêu là phát triển mở rộng, tận thu tối đa tài nguyên dầu tại mỏ, góp phần gia tăng trữ lượng thu hồi dầu, khí cho lô PM3 CAA, mang lại hiệu quả kinh tế cho hai nước chủ nhà Việt Nam và Malaysia cũng như các nhà đầu tư.

Trước đó, mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng đột phá nhưng cổ phiếu nhóm này không có sự cải thiện tương ứng. Lợi nhuận nhóm Khai thác dầu khí tăng trưởng đột biến 320,2% trong quý 1/2024. Trong đó, PVD ghi nhận doanh thu 1.755 tỷ đồng tăng 43,1%; lợi nhuận sau thuế 148 tỷ đồng tăng 184,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) cũng báo lợi nhuận quý 1 tăng mạnh 34% đạt 304,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lãi cao nhất PVS đạt được trong vòng 5 quý trở lại đây.

Một doanh nghiệp khác trong ngành cũng ghi nhận lợi nhuận ngoạn mục trong quý 1 vừa qua là Công ty CP Bọc ống dầu khí Việt Nam (PVB). Trong kỳ, PVB ghi nhận doanh thu tăng 208 lần so với cùng kỳ năm ngoái đạt 123,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 20,5 tỷ đồng trong khi năm ngoái báo lỗ 7,1 tỷ đồng.

Theo nhóm phân tích của FiinTrade, dầu khí đang ở vùng định giá thấp gồm P/E 20,6. Dự báo nhóm này sẽ hút dòng tiền trong thời gian tới. Về trung hạn, cổ phiếu dầu khí tiếp tục được hỗ trợ bởi giá dầu. Ở trong nước, trao FID cho dự án phát triển mỏ khí Lô B có thể sắp xảy ra, là động lực tăng trưởng chính cho ngành Dầu khí Việt Nam.

Xem thêm tại vneconomy.vn