“Ông chủ Việt” hào phóng với M&A
Vingroup thoái vốn khỏi Vincom Retail, ghi dấu thương vụ M&A lớn nhất trong năm 2024 (tính đến tháng 11/2024) |
Chuyển từ “phòng thủ” sang “tấn công”
Giữa tháng 3/2024, Tập đoàn Vingroup chính thức thông qua quyết định thoái 100% vốn tại Công ty SDI, đơn vị sở hữu hơn 99% vốn của Công ty Kinh doanh Thương mại Sado - cổ đông lớn của Vincom Retail. Sau khi việc thoái vốn hoàn tất, SDI, Sado và Vincom Retail sẽ không còn là công ty con của Vingroup.
Tại thời điểm công bố, Sado nắm giữ 40,5% vốn của Vincom Retail với 943,2 triệu cổ phiếu, còn Vingroup trực tiếp sở hữu 18,37% vốn.
Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vingroup, ông Nguyễn Việt Quang chia sẻ, việc chuyển nhượng nhằm tập trung nguồn lực vào các thương hiệu trọng điểm để phát triển đột phá trong giai đoạn mới. Dù thoái vốn,
Vingroup sẽ ký hợp đồng quản lý với Vincom Retail, duy trì mô hình tổ chức và quyền lợi của khách thuê tại các trung tâm thương mại như đã cam kết.
DIỄN ĐÀN M&A VIỆT NAM LẦN THỨ 16 NĂM 2024
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 16 năm 2024 - sự kiện thường niên uy tín về mua bán - sáp nhập doanh nghiệp và kết nối đầu tư do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ được tổ chức tại Khách sạn JW Marriott Saigon (TP.HCM) vào thứ Tư, ngày 27/11/2024.
Với chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ/A Blossoming Market”, Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2024 sẽ thảo luận chuyên sâu về các cơ hội M&A đang trỗi dậy vào các lĩnh vực tiềm năng như bất động sản, bán lẻ, công nghệ, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính và logistics.
Diễn đàn M&A 2024 sẽ có các hoạt động chính sau:
- Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế.
- Vinh danh các thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu giai đoạn 2023 - 2024.
- Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2024 (song ngữ Việt - Anh).
Đầu tháng 4/2024, Tập đoàn Vingroup hoàn tất chuyển nhượng 55% cổ phần tại SDI và cho biết, sẽ tiếp tục chuyển nhượng 45% cổ phần còn lại trong những tháng tiếp theo đến cuối năm 2024.
Với giá trị khoảng 982 triệu USD, thương vụ Vingroup thoái vốn khỏi Vincom Retail trở thành thương vụ M&A lớn nhất trong năm 2024 (tính đến thời điểm này).
Không dừng ở đó, Vingroup tiếp tục gây tiếng vang với thương vụ trong lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể, VinFast Auto Ltd., mua lại Công ty cổ phần VinES Energy Solutions từ ông Phạm Nhật Vượng với giá trị 440 triệu USD.
Với tổng giá trị khoảng 1,4 tỷ USD, hai giao dịch nói trên của Vingroup chiếm gần một nửa giá trị giao dịch thị trường Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay.
Ở lĩnh vực bất động sản, Becamex IDC cũng đóng góp thương vụ lớn thứ hai trên thị trường khi chuyển nhượng dự án nhà ở trị giá 553 triệu USD tại Bình Dương cho Sycamore Limited, công ty con của CapitaLand Group (Singapore).
Là công ty bất động sản công nghiệp hàng đầu Việt Nam, thuộc UBND tỉnh Bình Dương, Becamex IDC đang trong quá trình giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ 95,44% vốn điều lệ xuống mức nắm giữ trên 65% vốn điều lệ đến hết năm 2025, tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu, cũng như cơ cấu lại các mảng kinh doanh.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 tổ chức cuối tháng 6, Becamex bổ sung ngành sản xuất điện (hoạt động sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo). Đầu quý III, Becamex khởi công xây dựng 4.200 căn nhà ở xã hội tại Bình Dương và theo kế hoạch, cuối năm nay, Công ty tiếp tục khởi công xây dựng 6.800 căn nhà ở xã hội tại tỉnh này.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2024 - 2025, Becamex đặt mục tiêu huy động ít nhất 33.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất - kinh doanh, đồng thời đảm bảo tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trên 65% vốn điều lệ. Hiện tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài tại Becamex mới là 1,3%.
Ở lĩnh vực tiêu dùng, một trong những thương vụ tiêu biểu là Bain Capital (Mỹ) đầu tư 255 triệu USD vào Masan Group qua hình thức phát hành riêng lẻ. Ngoài ra, Masan Group cũng mua lại cổ phần trị giá 200 triệu USD tại WinCommerce từ SK South-East Asia Investment.
WinCommerce sở hữu và vận hành chuỗi bán lẻ với hơn 130 siêu thị WinMart và hơn 3.600 siêu thị mini WinMart+/WiN. Việc gia tăng sở hữu tại WinCommerce giúp Masan tăng cường khả năng kiểm soát và thúc đẩy tăng trưởng của hoạt động kinh doanh cốt lõi trong dài hạn.
Là một phần trong chiến lược đầu tư, Masan sẽ nhận quyền mua số cổ phần còn lại của SK tại WinCommerce trong tương lai với giá gốc mà SK đầu tư. Việc chuyển nhượng một phần cổ phần tại WinCommerce giúp SK ghi nhận lợi nhuận, đồng thời tiếp tục đầu tư dài hạn vào Masan với việc gia hạn quyền chọn bán.
Ngoài các thương vụ có giá trị lớn nói trên, các giao dịch M&A có giá trị từ 40 triệu USD đến 112 triệu USD cũng diễn ra trong các lĩnh vực công nghiệp và công nghệ thông tin.
Theo dữ liệu của KPMG, các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính trên thị trường M&A Việt Nam khi chiếm 53% tổng giá trị giao dịch được công bố trong 9 tháng đầu năm 2024. Con số này gần gấp đôi tổng giá trị đóng góp của 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cộng lại.
KPMG nhận định, đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa. Xu hướng này còn cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp cận thị trường M&A ở Việt Nam thận trọng hơn.
Nhìn vào con số giao dịch lớn từ các nhà đầu tư trong nước, trong bối cảnh môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều thách thức, các nhà phân tích từ KPGM cho rằng, có thể, các doanh nghiệp nội đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tối ưu hóa dòng vốn để tập trung vào những lĩnh vực then chốt của mình.
Thực tế, 4 năm trước, hoạt động M&A của các nhà đầu tư trong nước là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng về giá trị lẫn khối lượng giao dịch trên thị trường M&A Việt Nam. Giai đoạn huy động vốn mạnh mẽ đó kéo dài đến cuối 2022, khi giao dịch M&A của các nhà đầu tư trong nước đạt đỉnh, chiếm thị phần lớn nhất với giá trị giao dịch vượt 1,3 tỷ USD.
Đó cũng là thời điểm, các doanh nghiệp trong nước tập trung mở rộng thị phần và tăng cường triển khai chiến lược liên kết kinh doanh, sáp nhập theo chiều dọc trong chuỗi giá trị của mình.
Tuy nhiên, đến năm 2023, nhiều nhà đầu tư trong nước chuyển sang thế “phòng thủ” để đánh giá lại chiến lược. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm cả 5 vị trí dẫn đầu theo giá trị giao dịch. Nhật Bản, Singapore và Mỹ là 3 quốc gia chiếm phần lớn tổng giá trị giao dịch được công bố.
Kỳ vọng thương vụ xuyên biên giới
M&A là một quá trình có thể kéo dài và gặp nhiều thử thách. Doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị cho những thay đổi không lường trước và phải luôn duy trì sự linh hoạt trong chiến lược.
Trong hơn một năm qua, thị trường M&A gặp nhiều thách thức do bất ổn kinh tế, biến động địa chính trị và những thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh. Những yếu tố này đã định hình lại đáng kể các ưu tiên của cả bên mua và bên bán, buộc họ phải tìm ra con đường mới trong một môi trường phức tạp và rủi ro hơn. Những thay đổi trong điều kiện thị trường hiện tại cũng đòi hỏi doanh nghiệp đánh giá lại chiến lược M&A, nhấn mạnh hơn vào việc đảm bảo tạo ra giá trị lâu dài trong bối cảnh dự báo còn nhiều bất ổn.
Cả nhà đầu tư và bên bán ngày càng quan tâm đến hoạt động kinh doanh sau khi đóng thương vụ. Những thay đổi nhanh chóng trên thị trường và thay đổi trong nội tại doanh nghiệp có thể khiến hoạt động kinh doanh không còn phù hợp với tình hình sau khi thương vụ hoàn tất. Hơn nữa, quá trình lên kế hoạch kinh doanh và giá trị cộng hưởng giữa hai doanh nghiệp sau thương vụ M&A gặp nhiều thách thức từ sự không chắc chắn và biến động trong xu hướng nhu cầu dài hạn.
Những thách thức này thúc đẩy xu hướng tích hợp các đánh giá cũng như hoạt động kiến tạo giá trị vào quá trình M&A, giúp các bên hiểu rõ hơn về tình hình kinh doanh hiện tại của công ty đang chào bán và các động lực chính của lợi nhuận. Tầm nhìn về vận hành rõ hơn cũng như tính minh bạch cao hơn trong hoạt động của công ty giúp các bên đưa ra quyết định kịp thời, sáng suốt hơn trong suốt quá trình giao dịch.
Trong thị trường năng động và đầy biến động hiện nay, quá trình thẩm định một thương vụ M&A đòi hỏi quy trình sâu rộng và đa chiều. Theo đó, bên mua đang tăng cường thẩm định các công ty mục tiêu để đánh giá năng lực tài chính, tiềm năng thị trường, tuân thủ pháp lý và phát triển bền vững. Giá mua hoặc tỷ lệ cổ phần trong một thương vụ M&A thường đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của thương vụ.
Dù hoạt động giao dịch M&A trong năm 2024 diễn ra thận trọng dưới nhiều thách thức, các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng lâu dài vẫn hiện hữu tại Việt Nam. Do đó, các chuyên gia tư vấn kỳ vọng, thị trường M&A Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025 ngày càng có triển vọng hơn với những nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội giữa các biến động trong khu vực.
Để thị trường M&A Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn, trở thành điểm đến của dòng vốn toàn cầu, trong bối cảnh hiện nay, vẫn cần đến lực đẩy của các thương vụ xuyên biên giới. Giới chuyên gia kỳ vọng, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ, từng dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam, sẽ quay trở lại từ năm 2025. Các lĩnh vực chủ chốt như bất động sản, sản xuất, công nghệ thông tin và tiêu dùng vẫn cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư chiến lược và tài chính muốn đầu tư vào khu vực Đông Nam Á.
Xem thêm tại baodautu.vn