Petrovietnam giữ vững vị trí thứ 2 bảng xếp hạng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục giữ vững vị trí trong Top 3 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Với việc xếp vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng VNR500 năm 2023, Petrovietnam ghi nhận năm thứ 16 liên tiếp đứng trong Top 3 của bảng xếp hạng này. Trong VNR500 năm 2023 cũng tiếp tục ghi nhận vị trí thứ hạng cao, cũng như sự có mặt của rất nhiều các công ty Dầu khí khác: Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn - BSR (xếp thứ 4); Tổng công ty Dầu Việt Nam – PVOIL (xếp thứ 14); Tổng công ty Khí Việt Nam - PV GAS (xếp thứ 15). Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp khác như: Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power); Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo); Tổng công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO); Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC); Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank); Công ty CP PVI; Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans);…

Petrovietnam giữ vững vị trí thứ 2 bảng xếp hạng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam ảnh 1

Hoạt động khai thác dầu khí của Petrovietnam.

Kết quả thống kê từ bảng xếp hạng VNR500 năm 2023 cho thấy tổng doanh thu của cả ba lĩnh vực Công nghiệp – Xây dựng, Dịch vụ và Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản đều có sự gia tăng so với năm 2022. Trong đó, ngành Công nghiệp – Xây dựng vẫn là một trong những động lực phát triển của ngành kinh tế và hoạt động Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản vẫn giữ được đà cải thiện đáng kể so với năm trước.

Petrovietnam giữ vững vị trí thứ 2 bảng xếp hạng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam ảnh 2

Bảng xếp hạng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Xét về các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR500 2023, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng trở lại, lần lượt tăng 0,2% và 4,1% so với năm trước xét trên tổng thể toàn bảng xếp hạng. Khu vực vốn nước ngoài (FDI) ghi nhận hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu tốt so với hai khu vực còn lại, tăng lần lượt 2,2% và 16,8%. Ngược lại, khu vực Tư nhân lại ghi nhận ROA bình quân và ROE bình quân ở chiều sụt giảm so với năm trước, lần lượt giảm 0,5% và 2,9%.

Xem thêm tại tienphong.vn