Petrovietnam: Tiên phong thúc đẩy hợp tác, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trở nên đặc biệt quan trọng. Doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân được xem là hai trụ cột chiến lược, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
HỢP TÁC CÔNG - TƯ: ĐỘNG LỰC CHO TĂNG TRƯỞNG VƯỢT BẬC
Các Doanh nghiệp Nhà nước, với vai trò chủ đạo trong các ngành then chốt như năng lượng, dầu khí, hạ tầng, tài chính, hàng không và viễn thông, đang đảm bảo an ninh kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn. Những năm qua, các tập đoàn như Petrovietnam, EVN, Viettel, Vinachem, ACV, TKV… đã thể hiện năng lực quản trị hiện đại, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước và đầu tư vào các dự án chiến lược.
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng khẳng định vị trí trung tâm trong nền kinh tế. Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị là một bước đột phá, thể hiện cam kết mạnh mẽ: Nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp là trung tâm, và phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài. Nghị quyết nhấn mạnh việc tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân, Doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI, tạo động lực để doanh nghiệp tư nhân trở thành những “chiến sĩ kinh tế” vững mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các Doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt nền kinh tế, tiên phong trong sáng tạo và đổi mới tư duy. Đồng thời, các Doanh nghiệp Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau và hợp tác hiệu quả hơn với doanh nghiệp tư nhân để đạt được mục tiêu tăng trưởng dài hạn.
PETROVIETNAM: DẪN DẮT THÔNG QUA HỢP TÁC CHIẾN LƯỢC
Là đầu tàu kinh tế của đất nước, Petrovietnam đã và đang đóng góp tích cực vào bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh kinh tế. Tập đoàn cũng tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài.
Nhận thức rõ trách nhiệm trong giai đoạn phát triển mới, Petrovietnam đã chủ động mở rộng liên kết với các Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong nước và quốc tế, nhằm mở rộng thị trường và gia tăng giá trị chuỗi cung ứng. Định hướng này không chỉ cụ thể hóa chiến lược mới của Petrovietnam với danh xưng Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia, mà còn đáp ứng chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường phối hợp giữa các Doanh nghiệp Nhà nước trong bối cảnh quốc tế đầy thách thức.
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển, đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam đã xác định mô hình phát triển mới với ba trụ cột: năng lượng, công nghiệp và dịch vụ, trong đó năng lượng là cốt lõi. Tập đoàn sẽ dẫn dắt, thúc đẩy các ngành khác thông qua việc xây dựng các chuỗi liên kết, hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước và khu vực, mở rộng dư địa kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngay sau khi được đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, Petrovietnam đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với các Doanh nghiệp Nhà nước trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)… Trước đó, Petrovietnam cũng đã hợp tác trong lĩnh vực tài chính với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank).
Các thỏa thuận này tận dụng thế mạnh và nguồn lực của các bên, đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tìm kiếm không gian phát triển mới, đóng góp vào mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
SỨC MẠNH TỔNG HỢP TỪ LIÊN KẾT DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN
Petrovietnam không chỉ hợp tác với Doanh nghiệp Nhà nước mà còn mở rộng liên kết với doanh nghiệp tư nhân, đóng vai trò cầu nối thúc đẩy nền kinh tế. Với tinh thần tiên phong, Tập đoàn đã làm việc với nhiều doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong các lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ số, sản xuất công nghiệp và logistics.

Điển hình, Petrovietnam và Tập đoàn Hòa Phát đã thống nhất hợp tác toàn diện, trong đó Petrovietnam cung cấp năng lượng và nhiên liệu, còn Hòa Phát cung cấp các sản phẩm thép chất lượng cao. Sự phối hợp này tạo sự bổ trợ lẫn nhau, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Trước đó, Petrovietnam đã có nhiều liên kết với doanh nghiệp tư nhân thông qua các đơn vị thành viên: PV Power hợp tác với Vingroup; PVEP, PVOIL, PVFCCo ký thỏa thuận chuyển đổi số với FPT Digital; PVcomBank hợp tác với Prudential…
Những hợp tác này cho thấy Petrovietnam đang chủ động kết nối với các doanh nghiệp tư nhân có công nghệ cao, tài chính mạnh và kinh nghiệm quốc tế, qua đó tối ưu hóa hoạt động và lan tỏa sức mạnh chuỗi giá trị năng lượng - công nghiệp - dịch vụ.
Những nỗ lực hợp tác của Petrovietnam với Doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân góp phần xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp mạnh mẽ, kết nối khu vực công và tư, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đây là bước đi thiết thực, cụ thể hóa định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả liên kết giữa các tập đoàn kinh tế, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Xem thêm tại vneconomy.vn