Phiên giao dịch chứng khoán chiều 8/5: Nhiều mã hồi phục, NVL bị đẩy về kịch sàn

Trong phiên sáng, áp lực chốt lời sau chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp trước đó khiến VN-Index rung lắc mạnh, có thời điểm giảm hơn 13 điểm và tưởng chừng sẽ xuyên thủng mốc 1.230 điểm, nhưng nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu dầu khí với tin tốt về phát 2 hiện dầu mới tại mỏ Rồng thuộc Lô 09-1 và giếng BA-1X, mỏ Bunga Aster, Lô PM3 CAA giúp VN-Index chặn đà tăng và hồi dần, có lúc trở lại trên tham chiếu, trước khi tạm nghỉ trưa với sắc đỏ nhạt.

Ngoài nhóm cổ phiếu dầu khí, NVL cũng gây chú ý khi bị bán mạnh ngay đầu phiên đẩy mã này về mức kịch sàn 13.600 đồng khi báo chí đưa tin Công an TP.HCM yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến Khu đô thị Aqua City (Đồng Nai). Mặc dù vậy, lực cầu bắt đáy cũng rất mạnh, giúp NVL thoát mức sàn với giao dịch sôi động.

Bước sang phiên chiều cán cân cung cầu chung của thị trường khá cân bằng, nên VN-Index chỉ dao động trong biên độ hẹp. Càng về cuối phiên, lực cầu dần chiếm lại ưu thế và qua đó đã giúp VN-Index thoát hiểm trong đợt ATC dù suốt thời gian của phiên chỉ giao dịch trong sắc đỏ. Pha thoát hiểm ở “phút 90” không chỉ giúp VN-Index duy trì chuỗi phiên tăng liên tiếp lên 6 phiên, mà còn giúp chỉ số này chính thức chinh phục được mốc 1.250 điểm.

Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 1,83 điểm (+0,15%), lên 1.250,46 điểm với 204 mã tăng và 233 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 981,8 triệu đơn vị, giá trị 13.308,6 tỷ đồng, tăng 39% về khối lượng và 26,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 162,2 triệu đơn vị, giá trị 4.068,4 tỷ đồng.

Trong khi VN-Index thoát hiểm nhờ lực cầu bắt đáy diễn ra ở nhiều mã, thì NVL dù cũng có lực cầu bắt đáy mạnh, nhưng không thể bù đắp được lượng bán quá lớn, nên quay đầu lao dốc về mức kịch sàn khi đóng cửa với thanh khoản vọt lên mức 70,3 triệu đơn vị, cao nhất thị trường.

Ngoài NVL, nhóm bất động sản chỉ có 3 mã nữa giảm khá mạnh từ hơn 2% đến hơn 3% là SJS, FIR và VRC, còn lại chỉ giảm nhẹ, trong khi sắc xanh dù ít hơn, nhưng lại có nhiều mã tăng mạnh. Điển hình là NHA tăng kịch trần lên 21.800 đồng, NTL tăng 3,31% lên 45.300 đồng, DIG tăng 2,69% lên 28.600 đồng, khớp 28,55 triệu đơn vị, đứng thứ 4 thị trường, IJC tăng 2,15% lên 14.250 đồng, CCL và HDC tăng trên dưới 2%.

Nhóm dầu khí vẫn duy trì phong độ với PVD tăng 3,44% lên 31.600 đồng, PLX tăng 3,36% lên 40.000 đồng, PGD tăng 3,61% lên 37.300 đồng, GAS tăng 1,44% lên 77.400 đồng, còn PVT vẫn duy trì sắc tím 28.100 đồng và còn dư mua trần hơn 3 triệu đơn vị, khớp hơn 7,9 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế, nhưng mức biên độ không quá lớn, trong đó SHB tăng mạnh nhất 2,15% lên 11.900 đồng, cũng là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm và thứ 2 thị trường sau NVL với 59,8 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn có thêm sắc xanh nhạt tại EIB, TCB và VCB. Ở chiều ngược lại, chỉ có 2 mã giảm hơn 1% là STB và VPB.

Nhóm chứng khoán có thêm 2 sắc đỏ nhạt, trong các mã tăng thì SSI tăng khiêm tốn nhất chỉ 0,22% lên 35.650 đồng, còn lại đều tăng trên 1%, trong đó có 2 mã tăng hơn 2% là APG và CTS.

Trong khi đó, nhóm thép ghi nhận sự bật lại tích cực của các mã dẫn dắt là HPG, NKG, HSG, trong khi POM lại không giữ được sắc xanh mà đóng cửa ở tham chiếu. Trong đó, HPG tăng 1,82% lên 30.700 đồng, khớp 34,29 triệu đơn vị, đứng thứ 3 thị trường.

Trong khi đó, sàn HNX và UPCoM dù có chút rung lắc, nhưng vẫn giữ được đà tăng, thậm chí đóng cửa còn cao hơn mức đóng cửa của phiên sáng với thanh khoản tăng vọt so với phiên hôm qua.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,56 điểm (+0,67%), lên 234,52 điểm với 107 mã tăng và 77 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 108,6 triệu đơn vị, giá trị 2.522,7 tỷ đồng, tăng 51,5% về khối lượng và 91,3% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,2 triệu đơn vị, giá trị 259 tỷ đồng.

Các mã tăng tốt trong phiên sáng đều giữ được phong độ trong phiên chiều. Trong đó, SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất 24,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,06% lên 19.000 đồng, PVS tăng 5,39% lên 43.000 đồng, khớp 15,65 triệu đơn vị, CEO tiến về tham chiếu khớp 8,59 triệu đơn vị…

Trên sàn UPCoM, chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,47 điểm (+0,52%), lên 91,57 điểm với 152 mã tăng và 100 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 57,2 triệu đơn vị, giá trị 711,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,7 triệu đơn vị, giá trị 16,5 tỷ đồng.

UPCoM hôm nay có 14 mã khớp trên 1 triệu đơn vị và tất cả đóng cửa tăng giá, trong đó có 3 mã ở mức kịch trần và còn dư mua trần là AAH, VGT và BCR, riêng VGT dư mua trần tới 2,15 triệu đơn vị.

Có 3 mã khớp trên 7 triệu đơn vị và BSR đã lấy lại vị trí dẫn đầu từ VGT với 7,56 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,12% lên 19.300 đồng. AAH cũng vượt qua VGT khớp 7,46 triệu đơn vị, còn VGT khớp 7,22 triệu đơn vị.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, chốt phiên VN30-Index đứng tham chiếu, trong khi có 3 hợp đồng tương lai của chỉ số này tăng nhẹ. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 5 là VN30F2405 tăng 3 điểm (+0,24%), lên 1.279 điểm với 262.214 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 33.293,2 tỷ đồng; khối lượng mở 51.362 hợp đồng.

Thị trường chứng quyền hôm nay cũng có giao dịch sôi động với 12 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 1 mã trên 3 triệu đơn vị, 4 mã trên 2 triệu đơn vị, chỉ có CVHM2302 là do ACBS phát hành, 4 mã còn lại đều do SSI phát hành. Trong đó, lớn nhất là CMWG2314 với 3,27 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,67% xuống 1.460 đồng. Hai mã đứng sau đều là chứng quyền của HPG có thanh khoản trên dưới 2,4 triệu đơn vị và đều đóng cửa tăng giá.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hôm nay có gần 7,79 triệu đơn vị được giao dịch, tổng giá trị 8.867,5 tỷ đồng. Trong đó, mã có khối lượng chào bán lớn nhất là IDS12101 của Đầu tư và Phát triển Sài Gòn với 2,17 triệu đơn vị, giá trị 221,67 tỷ đồng. Còn về giá trị HDR12402 do Bất động sản Hải Đăng phát hành với 1.523,6 tỷ đồng, khối lượng chỉ 15.000 đơn vị. Ba mã có giá trị giao dịch trên 1.000 tỷ đồng còn lại đều là các trái phiếu do ngân hàng phát hành, trong đó có 2 mã do ACB phát hành, mã còn lại là của OCB.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn