Bị nhắc nhở về công bố thông tin, cổ phiếu thuộc diện kiểm soát

Ngày 22/3 vừa qua, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã có văn bản số 426/-NY về việc nhắc nhở tuân thủ quy định thông tin đối với PMG. HOSE nhắc nhở vì công ty đã chậm thông tin về 2 quyết định của Tổng cục Thuế và Cục Thuế Quảng Nam.

Trước đó, ngày 3/1/2024, PMG cũng có tên trong thông báo danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ của HOSE với nguyên nhân là chứng khoán thuộc diện cảnh báo.

Được biết, ngày 18/4/2022, cổ phiếu PMG tiếp tục bị đưa vào diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 thua lỗ hơn 61,6 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, cổ phiếu PMG đã bị đưa vào diện cảnh báo. Nguyên nhân khiến cổ phiếu PMG rơi vào diện cảnh báo là do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2020 là âm 16,1 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.

PMG thua lỗ triền miên, cổ phiếu thanh khoản “nhỏ giọt”

Ngày 7/3/2024, HOSE có thông báo số 453/TB-SGDHCM về ngày đăng ký cuối cùng tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của PMG. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 22/3/2024, thời gian thực hiện trong tháng 4. Địa điểm thực hiện tại Lô 4 Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, phường Điện Nam Bắc. Ảnh minh hoạ.

Kể từ ngày cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát đến nay, PMG rất nhiều lần có văn bản gửi HOSE về báo cáo triển khai khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát. Lần gần nhất là ngày 30/1/2024, PMG cho biết, với những biện pháp đang được triển khai quyết liệt và đồng bộ, Ban điều hành công ty tin tưởng rằng Petro miền Trung sẽ khắc phục được tình trạng chứng khoán PMG bị kiểm soát đúng như lộ trình đã công bố.

Tuy nhiên, cổ phiếu của PMG hiện vẫn thuộc diện kiểm soát với nguyên nhân là bởi báo cáo tài chính bán niên 2022, báo cáo tài chính hợp nhất 2022, báo cáo bán niên 2023, báo cáo tài chính hợp nhất 2023 của PMG đều lỗ luỹ kế và có kết quả kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, cổ phiếu PMG cũng chưa được giao dịch ký quỹ theo thông báo số 13/-SGDHCM ngày 3/1/2024 của HOSE với nguyên nhân là chứng khoán thuộc diện kiểm soát.

Hiệu quả kinh doanh suy yếu

Theo báo cáo tại chính hợp nhất năm 2023 của PMG, doanh thu thuần năm 2023 của công ty đạt 1.832 tỷ đồng, giảm 10% so với 2022 (2.022 tỷ đồng). Lợi nhuận ròng 2023 của PMG âm hơn 24 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2022 (âm 13,3 tỷ đồng). Năm 2021, doanh thu thuần của công ty đạt 1.569 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2020 (1.225 tỷ đồng). Đáng chú ý, năm 2021 ghi nhận mức lỗ kỷ lục ở mức âm 108 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với năm 2022 (âm 20 tỷ đồng).

Để lý giải về việc lợi nhuận có sự biến động qua mỗi năm, ngày 9/4/2021, PMG đã có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và HOSE giải trình số liệu báo cáo chênh lệch lợi nhuận sau thuế năm 2020 so với năm 2019. PMG cho biết, năm 2020 doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ có mức tăng trưởng thấp hơn của năm 2019, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, giá gas năm 2020 giảm nên kết quả kinh doanh năm 2020 giảm so với năm 2019. Ngày 29/3/2023, PMG tiếp tục giải trình số liệu báo cáo chênh lệch lợi nhuận sau thuế năm 2022 so với năm 2021. PMG nhận định, năm 2022, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, tập đoàn đã có những bước đầu phục hồi và có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận đáng kể so với năm 2021.

PMG thua lỗ triền miên, cổ phiếu thanh khoản “nhỏ giọt”
Trong vòng 4 năm, PMG đều không đạt được chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh mà công ty đã đề ra.

Gần đây nhất là ngày 29/3, PMG giải trình số liệu báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2023 so với kết quả kinh doanh năm 2022 của báo cáo tài chính riêng và hợp nhất.

Theo đó, năm 2023 tình hình kinh doanh thuận lợi, sản lượng hàng tiêu thụ tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá CP (giá tham chiếu được công bố bởi các nhà cung cấp lớn như Saudi Aramco để định giá LPG trên thị trường quốc tế) của thế giới thấp hơn nhiều so với giá CP năm 2022 nên doanh thu năm 2023 giảm so với năm 2022.

Kết quả kinh doanh năm 2023 tăng trưởng tốt. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2023 PMG bị ảnh hưởng nặng nề do một chuyên hàng LPG nhập khẩu có tỷ lệ chất lượng hàng hóa vượt mức tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam, buộc Công ty phải làm thủ tục tái xuất, gây thiệt hại từ chi phí logistics, giảm giá.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn tới năm thứ 4 PMG kinh doanh thua lỗ đến từ việc đầu tư vào công ty con của PMG. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2023, PMG có 4 công ty con bao gồm: Công ty CP Dầu khí V-Gas, Công ty CP Gas miền Trung, Công ty TNHH Trung Nam, Công ty TNHH MTV Gas Quảng Trị. Trong đó, Công ty TNHH MTV Gas Quảng Trị cũng là công ty con của Công ty CP Gas miền Trung.

Tại báo cáo tài chính công ty mẹ quý IV/2023, mục đầu tư vào công ty con của PMG ghi nhận là 507 tỷ đồng. Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn lên đến 54 tỷ, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

PMG lý giải nguyên nhân tại mục 5.12 trong báo cáo là do chi phí trích lập dự phòng của Công ty CP Gas miền Trung đến ngày 31/12/2023 là 47 tỷ đồng, tăng 29,2 tỷ đồng so với số đầu năm. PMG sở hữu 51% cổ phần của Công ty CP Gas miền Trung nên đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của PMG báo lỗ hơn 24 tỷ đồng, mặc dù lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ vẫn lãi 2,4 tỷ đồng.

Giá lình xình, giao dịch “nhỏ giọt”

Về biến động giá cổ phiếu PMG trên thị trường chứng khoán, thời điểm trước khi thuộc diện kiểm soát, có phiên giao dịch giá cổ phiếu lên đến 22.550 đồng/cổ phiếu và hoạt động của cổ phiếu diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, từ khi cổ phiếu thuộc diện kiểm soát, giá cổ phiếu PMG bắt đầu có xu hướng giảm dần và đến nay trong 1 tháng trở lại gần đây, giá cổ phiếu giao động từ 8.100 đồng - 9.000 đồng/cổ phiếu và có nhiều phiên giao dịch không có thanh khoản.

PMG thua lỗ triền miên, cổ phiếu thanh khoản “nhỏ giọt”
Theo Báo cáo quản trị 2023 của PMG ông Nguyễn Tiến Lãng và bà Nguyễn Thị Bích Thuỳ sở hữu đến 55% cổ phiếu PMG. Ảnh: TH

Bên cạnh đó, tính đến hết ngày 31/12/2023, 3 cổ đông lớn nắm giữ tỷ lệ lớn cổ phiếu của PMG gồm có ông Nguyễn Tiến Lãng - Chủ tịch HĐQT PMG sở hữu 1.6217.932 cổ phiếu (tương đương 35%); bà Nguyễn Thị Bích Thuỳ - Thành viên HĐQT PMG sở hữu 9.267.542 cổ phiếu (tương đương 20%); Công ty Lemon Gas Co., Ltd sở hữu 9.267.070 cổ phiếu (tương đương 20%). Tổng tỷ lệ 3 cổ đông lớn nắm giữ cổ phiếu của PMG là 75%.

Trong năm 2023, bà Nguyễn Thị Bích Thuỳ và Lemon Gas Co., Ltd thực hiện giao dịch mua và bán cổ phiếu vào ngày 21/8 với tỷ lệ 5%. Và với tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của 3 cổ đông lớn là 75%, các nhà đầu tư trên thị trường chỉ còn có 25%. Điều này khiến cho PMG là một trong những những mã giao dịch khá nhỏ giọt khi thỉnh thoảng mới có phiên giao dịch đạt vài trăm hoặc đến vài nghìn đơn vị.

Trên thị trường hiện nay, khối lượng cổ phiếu PMG đang lưu hành là 46.336.278 cổ phiếu. Tuy nhiên, tháng 3/2024, có 21 phiên giao dịch. Trong đó có 11 phiên phát sinh giao dịch, 10 phiên còn lại không có thanh khoản. Giá cổ phiếu PMG ở mức cao nhất là 9.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 29/3 và thấp nhất là 8.050 đồng/cổ phiếu vào ngày 6/3. Khối lượng giao dịch trung bình/ngày trong tháng 3 là 455 cổ phiếu. Kết phiên ngày 29/3, giá cổ phiếu PMG là 9.000 đồng/cổ phiếu với tổng giá trị giao dịch là 1.000.000 đồng.

PMG là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vỏ bình gas, tồn trữ, chiết nạp khí hóa lỏng và làm đầu mối cung ứng gas cho thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên, hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ năm 2007 và với vốn điều lệ hơn 463 tỷ đồng. Ngày giao dịch đầu tiên trên thị trường chứng khoán của PMG là ngày 25/1/2028 với mức giá đóng cửa là 16.800 đồng/cổ phiếu.