PV Drilling bứt phá với đầu tư giàn khoan tự nâng mới, đón sóng tăng trưởng dầu khí
Với chiến lược bài bản, công nghệ tiên tiến và uy tín lâu năm, doanh nghiệp kỳ vọng bước tiến này sẽ tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ, củng cố vị thế trong ngành dịch vụ khoan khu vực.
Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) đang triển khai dự án đầu tư giàn khoan tự nâng đa năng 3 chân rời có dầm trượt, dự kiến đưa vào hoạt động từ quý 4/2025. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu giàn khoan tự nâng đang gia tăng mạnh mẽ tại thị trường nội địa và khu vực.
Theo kế hoạch, PV Drilling sẽ đầu tư giàn khoan được chế tạo theo thiết kế tiêu chuẩn KEPPEL FELS phiên bản Class B MOD V đã qua sử dụng, từng hoạt động tại Đông Nam Á, Đông Á, Úc và Châu Đại Dương. Giàn khoan này có khả năng vận hành tại độ sâu biển tối đa 120 m, thi công giếng khoan tới độ sâu 30.000 ft (tương đương 9.000 m) và đáp ứng được quy mô làm việc trực tiếp của 120 người. Đặc biệt, các thông số kỹ thuật của giàn khoan gần như tương đồng với những giàn khoan tự nâng mà PV Drilling đang sở hữu, giúp tối ưu nguồn lực vận hành và quản lý. Sau khi nhận giàn từ bên bán, PV Drilling sẽ tiến hành cải tạo để nâng cấp khả năng hoạt động như mới.
Hiện tại, PV Drilling đang sở hữu 4 giàn khoan tự nâng (jack-up), một giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (TAD), và một giàn khoan đất liền (land-rig). Toàn bộ các giàn khoan biển đều đã kín lịch tại thị trường quốc tế đến hết năm 2025, trong đó một số giàn có hợp đồng chắc chắn kéo dài đến năm 2028, chưa kể các tùy chọn gia hạn có thể thêm từ hai đến ba năm.
Theo dự báo của Riglogix, thị trường Đông Nam Á trong 4 năm tới sẽ cần 45-50 giàn khoan tự nâng mỗi năm, trong khi nguồn cung chỉ đáp ứng được 70%-80%. Malaysia và Indonesia là những quốc gia có nhu cầu cao, với trung bình hơn 14 giàn mỗi năm từ nay đến 2030 để phục vụ 160-175 giếng khoan/năm (theo PETRONAS Activity Outlook và SKK Migas). Tại Việt Nam, nhu cầu khoan cũng đang tăng lên để phục vụ các dự án lớn như Kình Ngư Trắng, Kình Ngư Trắng Nam, Kèn Bầu, Sư Tử Trắng và Lô B - Ô Môn. Trong bối cảnh nguồn cung giàn khoan nội địa khan hiếm, việc PV Drilling đầu tư thêm giàn mới được đánh giá là bước đi kịp thời và cần thiết.
Theo IHS Petrodata, giá thuê giàn khoan tự nâng trung bình toàn cầu vào tháng 9/2024 đạt 100.000-130.000 USD/ngày, với một số hợp đồng mới ký đạt mức 150.000 USD/ngày. Khu vực Đông Nam Á và Úc ghi nhận mức giá cao hơn trung bình. Dự báo của West Global Energy cho thấy giá thuê giàn trong 5 năm tới sẽ duy trì ở mức 110.000-140.000 USD/ngày, tùy thuộc vào kỹ thuật, tuổi đời giàn, thời hạn hợp đồng và khu vực hoạt động.
Trên cơ sở nhu cầu thị trường và dự báo giá thuê khả quan, PV Drilling nhận định việc đầu tư giàn khoan mới không chỉ phù hợp với điều kiện thị trường mà còn nằm trong chiến lược kinh doanh dài hạn. Với việc đã đảm bảo việc làm cho các giàn khoan hiện hữu, công ty sẽ tập trung nguồn lực để sắp xếp việc làm cho giàn khoan mới. Uy tín của PV Drilling, được xây dựng qua hiệu suất vận hành cao và đội ngũ kỹ thuật giàu kinh nghiệm, là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần tại khu vực và trong nước.
Ngoài giàn khoan tự nâng đa năng 3 chân rời có dầm trượt, PV Drilling dự kiến sẽ xem xét đầu tư thêm một giàn khoan tự nâng khác từ nay đến năm 2026, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường và khả năng tìm kiếm giàn phù hợp. Đồng thời, công ty cũng đang triển khai đầu tư cụm thiết bị phục vụ sửa, hủy giếng (HWU), các thiết bị kỹ thuật giếng khoan, và mở rộng nhà xưởng để đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường.
Việc đưa giàn khoan mới vào hoạt động hứa hẹn mang lại giá trị thực tiễn cho khách hàng, đồng thời góp phần gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho PV Drilling trong chu kỳ tăng trưởng mới. Đây không chỉ là một bước tiến chiến lược mà còn là lời khẳng định vị thế của PV Drilling trên bản đồ dịch vụ khoan khu vực và quốc tế.
Xem thêm tại tapchicongthuong.vn