Quản lý và ban hành quy định giá dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT

Giá dịch vụ chuyên ngành hàng không theo quy định của Bộ GTVT

Hiện nay, tình trạng giá vé máy bay tăng cao đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, nhất là khi đang bước vào cao điểm mùa du lịch. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn gây áp lực lên lạm phát cũng như ngành du lịch trong nước.

Trước tình trạng này, một số dư luận cho rằng một trong những nguyên nhân đẩy giá vé máy bay tăng cao quá mức là do mức thu thuế, phí hiện nay không nhỏ.

Theo Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT quy định về mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam của Bộ GTVT, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định. Ngoài ra, hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không. Như vậy, để thực hiện được một chuyến bay, bình quân một vé máy bay sẽ phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.

Vì thế, đã có kiến nghị để giảm giá vé máy bay cần biện pháp giảm thuế, phí nhằm cùng gỡ khó cho ngành hàng không.

Tuy nhiên, trả lời báo chí về vấn đề 20 loại phí nêu trên, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, các khoản phí nêu trên là “giá dịch vụ” chuyên ngành hàng không quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT; không phải khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Theo quy định pháp luật phí và lệ phí, đối với chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại các sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay (theo Thông tư số 247/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay) với mức phí: 165.000 đồng/lượt/dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và 335.000 đồng/lượt/dịch vụ kinh doanh cảng hàng không.

Thông tin thêm về nội dung này, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, khoản 2 Điều 9 Luật số 66/2006/QH11 về hàng không dân dụng và khoản 3 Điều 1 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014 đã có quy định cụ thể.

Thứ nhất là Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng. Thứ hai là hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT. Vì thế, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT. Đồng thời, Bộ GTVT (Cục Hàng không dân dụng Việt Nam) tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa do Bộ GTVT định giá tối đa…

Đối với giá vé dịch vụ vận chuyển hàng không, theo thẩm quyền, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT ngày 30/11/2023 (có hiệu lực từ ngày 01/03/2024) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 03/5/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa…

Từ những quy định theo pháp lý như vậy, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, việc quản lý nhà nước về giá và ban hành quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.

Doanh nghiệp hàng không ghi nhận lãi lớn

Ngoài ra, xét báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp hàng không lớn cho thấy đang ghi nhận những khoản lãi lớn trong 3 tháng đầu năm. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA) ghi nhận lợi nhuận sau thuế lên tới hơn 4.441 tỷ đồng, so với mức lỗ hơn 37 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Giải trình về kết quả lợi nhuận quý 1/2024 tăng trưởng đột biến, Vietnam Airlines cho biết, đây là giai đoạn kinh doanh cao điểm trong ngành hàng không, Tổng công ty tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp quyết liệt trong điều hành hoạt động kinh doanh như tối ưu hóa, nâng cao hiệu suất sử dụng đội bay, nguồn nhân lực; cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giá dịch vụ, lãi suất… Lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong kỳ tăng trưởng mạnh, chủ yếu do công ty mẹ và các công ty con kinh doanh đều có lãi. Ngoài ra, Tổng công ty có thu nhập khác hợp nhất đột biến do trong quý 1/2024 phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả.

Tương tự, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 540 tỷ đồng trong quý 1/2024, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước - mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2020. Giải trình về kết quả lợi nhuận tăng trưởng, Vietjet cho biết trong quý 1 đã khai thác tăng hơn 10% chuyến bay, vận chuyển tăng 16% lượng hành khách và tăng 104% lượng hàng hoá so với cùng kỳ năm trước…

Vào đầu tháng 4, Công ty Cổ phần Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) cũng đã thông báo, sau hơn 3 năm đi vào khai thác, Vietravel Airlines có lãi 3 tháng liên tiếp đem lại kết quả kinh doanh quý 1/2024 đạt 491,2 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm trước và lãi ròng đạt 10,1 tỷ đồng. Mục tiêu kinh doanh trong quý 2/2024, doanh thu của công ty dự kiến đạt 1.049 tỷ đồng.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn