Quy hoạch điện VIII – Bước ngoặt cho ngành điện

Giảm gánh nặng nhập khẩu điện

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch này tập trung vào phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải, năng lượng tái tạo và năng lượng mới trong thời gian từ 2021-2030 và đến năm 2050.

Mục tiêu của Quy hoạch là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đảm bảo cung cấp điện đủ cho nhu cầu trong nước và đạt mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7% mỗi năm từ 2021-2030, và khoảng 6,5-7,5% mỗi năm từ 2031-2050.

Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5%-71,5%; kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Quy hoạch cũng yêu cầu hoàn thiện Luật Điện lực và Luật về năng lượng tái tạo và công bố chính sách về mua bán điện trực tiếp. Nó cũng đề xuất đánh giá thực hiện quy hoạch và xây dựng kế hoạch thực hiện để đạt các mục tiêu đề ra.

Với kịch bản chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, áp lực tài chính sẽ lớn hơn nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển công suất nguồn điện của Việt Nam. So với Quy hoạch điện VII, phương án chính thức trong Quy hoạch điện VIII sẽ cắt giảm đáng kể việc phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, và giảm thiểu gánh nặng nhập khẩu điện. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển công suất trong Quy hoạch điện VIII dự kiến sẽ làm tăng chi phí đầu tư của hệ thống trong giai đoạn 2021-2050 tùy kịch bản.

Cụ thể, tổng mức đầu tư cho nguồn điện dự kiến đạt 114 tỷ USD trong giai đoạn 2021-30, phân bổ chủ yếu cho điện khí (30%) và điện gió (35%). Nhiệt điện than trong giai đoạn này cũng chiếm một phần không nhỏ khoảng 15% tổng nhu cầu vốn.

Giai đoạn 2030-2050, tổng nhu cầu vốn sẽ tăng mạnh và đạt khoảng 495 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn cho điện gió chiếm phần lớn (63%) và sau đó là điện mặt trời (18%). Mặt khác, nhu cầu phát triển lưới điện dự kiến chiếm khoảng 11% tổng nhu cầu vốn ngành điện trong 2021-30 và 7% trong 2031-2050.

Những doanh nghiệp có thể được hưởng lợi từ Quy hoạch điện VIII

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, các doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện sẽ được hưởng lợi rõ ràng nhất nhờ khối lượng công việc khá cao trong kế hoạch của Quy hoạch điện VIII, đặc biệt trong các nhóm ngành Điện khí và Năng lượng tái tạo.

Theo đó, nhóm ngành Xây lắp điện bao gồm đường dây, trạm biến áp cũng sẽ ghi nhận mức tăng tương ứng nhằm đảm bảo khả năng hấp thụ và tính hiệu quả của hệ thống. Tuy nhiên, đối với nhóm năng lượng tái tạo, chính sách giá mới là yếu tố làm rõ ràng hơn triển vọng của nhóm ngành này.

VNDirect đã điểm tên một số những doanh nghiệp niêm yết nổi bật trong nhóm xây lắp hạ tầng điện được hưởng lợi sớm nhất bao gồm PC1, FCN, TV2. Trong dài hạn hơn, PVS dự kiến cũng sẽ được hưởng lợi do tham gia vào lĩnh vực xây lắp điện gió ngoài khơi, với kinh nghiệm trong những dự án gần đây như Thăng Long, La Gàn.

Đối với doanh nghiệp điện khí nói chung và điện khí LNG nói riêng, VNDirect nhận định có triển vọng tươi sáng hơn do sở hữu dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch điện bao gồm Nhơn Trạch 3&4 (POW), LNG Long Sơn (PGV, TV2), Ô Môn 3,4 (GE2).

Ngoài ra, GAS cũng sẽ được hưởng lợi chính trong giai đoạn phát triển này do thực hiện phát triển các dự án kho cảng LNG.

“Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sẽ thúc đẩy tiến độ các dự án mỏ khí tỷ đô vốn đã bị đình trệ lâu nay như Lô B, Cá Voi Xanh trong những năm tới nhằm đảm bảo nguồn khí trong nước và giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu LNG cho phát điện tại Việt Nam”, Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn