Sacombank đã xử lý được Khu công nghiệp Phong phú?
Trong báo cáo phân tích mới đây Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết trong năm 2024, Sacombank sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận với nhiều yếu tố hỗ trợ.
Cụ thể, các chuyên gia phân tích kỳ vọng Sacombank sẽ đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn sau khi trích lập xong các tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý trong năm 2023 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô phục hồi tích cực hơn.
Đồng thời, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính tại Đề án tái cơ cấu trong năm 2023, ngân hàng sẽ đẩy nhanh tiến độ đấu giá 32,5% cổ phần STB tại VAMC theo tiến độ thì sớm nhất là tới quý II/2024 sẽ hoàn thành.
Đáng chú ý, Agriseco cho biết Sacombank đã đấu giá thành công Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú với giá trị trên 7.900 tỷ đồng và đang chờ nhận tiền thanh toán. Điều này sẽ giúp Sacombank gia tăng tài sản sinh lời, tạo dư địa tăng trưởng cao trong giai đoạn tới.
Khi được liên hệ, Sacombank cho biết ngân hàng chưa đưa ra phát ngôn về vấn đề này vì KCN Phong Phú đang trong quá trình xử lý.
Năm 2023, ngân hàng ghi nhận lãi trước thuế tăng 45% trong quý IV và tăng 55% trong cả năm với 2.755 tỷ đồng và 9.595 tỷ đồng nhờ chi phí dự phòng giảm mạnh. Sacombank là một trong số ít ngân hàng có tỷ NIM mở rộng trong năm 2023. Biên lãi ròng (NIM) năm 2023 tiếp tục xu hướng tăng, đạt 3,8% (tăng 0,4 điểm % so với năm ngoái nhờ tỷ suất sinh lời tài sản cao 9,6%).
Trước đó, nhiều công ty chứng khoán cũng đã đưa thông tin về bán đấu giá KCN Phong Phú, một trong những khối tài sản lớn cần xử lý của Sacombank.
Cụ thể, trong báo cáo hồi đầu tháng 12/2023, Chứng khoán Vietcap giữ nguyêngiả định về việc bán khoản nợ liên quan đến khu công nghiệp Phong Phú trong năm 2023 nhưng dời giả định về việc bán 32,5% cổ phần của STB làm tài sản thế chấp cho VAMC từ năm 2024 sang năm 2025.
Trong khi đó, Chứng khoán SSI kỳ vọng ngân hàng sẽ bán được Khu công nghiệp Phong Phú trong năm 2024 chứ không phải năm 2023 và giúp Sacombank hoàn nhập khoản dự phòng 1.600 tỷ đồng thay vì 3.200 tỷ đồng như dự kiến trước đó. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 của ngân hàng ước đạt 12.700 tỷ đồng, tăng 33,5% so cùng kỳ.
Vào tháng 4, chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 về tình hình đấu giá đất KCN Phong Phú, Tổng Giám đốc Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho hay Khoản nợ tại KCN Phong Phú khi bán đấu giá tài sản thì bị vướng mắc nên UBND TP HCM đã có công văn ngưng đấu giá tài sản. Thay vào đó, Sacombank thực hiện đấu giá khoản nợ bao gồm các nghĩa vụ tài sản, các khoản nợ tồn đọng.
Bà cho biết Sacombank sẽ không để mất vốn, không mất khoản dự thu đã dự toán. Hiện nay, đã có một số nhà đầu tư quan tâm và ngân hàng dự kiến xử lý xong trong năm nay.
Theo thông tin chúng tôi có được, thông tin bán đấu giá 18 khoản nợ liên quan KCN Phong Phú được đưa ra lần gần nhất là vào ngày 19/1/2023 từ Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group. Những khoản nợ này đều được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú. Đây là lần thứ 5 khoản nợ này được rao bán với giá khởi điểm là 7.934 tỷ đồng.
Giá rao bán trên không thay đổi so với lần đấu giá gần đây nhất ngày 22/12/2022. Vào tháng 3/2022, ngân hàng đã rao bán 18 khoản nợ này với giá khởi điểm là 14.577 tỷ đồng. Đến tháng 5/2022, giá rao bán giảm còn 11.810 tỷ đồng và tiếp tục giảm xuống 9.600 tỷ đồng vào tháng 9/2022.
Theo thông tin từ Sacombank, tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng. Đây là các khoản nợ phát sinh tại Sacombank và đã được bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ là quyền tài sản phát sinh từ toàn bộ lợi ích thu được từ quyền sử dụng đất đã đền bù thuộc Dự án KCN Phong Phú, tọa lạc tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM. Phía ngân hàng cho biết sẽ bán toàn bộ 18 khoản nợ, không tách rời.
Trong năm 2023, ngân hàng đã quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu, theo ước tính của ngân hàng gần 7.000 tỷ nợ xấu và tài sản tồn đọng đã được xử lý thành công trong năm,nâng tổng mức thu hồi lũy kế lên gần 95.000 tỷ.
Theo báo cáo tài chính, số chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành (chủ yếu là trái phiếu VAMC) đã giảm từ 21.514 tỷ đồng về 16.433 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 4.000 tỷ đồng so với cuối quý III và giảm hơn 5.000 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Ngân hàng đã trích lập được 14.603 tỷ đồng dự phòng cho số còn lại này.
Xem thêm tại vietnambiz.vn