“Săn hàng” mùa đại hội

Săn cổ tức cao

Cổ tức là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong mùa đại hội cổ đông thường niên và các doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức cao thường thu hút dòng tiền.

Nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Thái (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, gần đây, ông tập trung đọc tài liệu phục vụ cuộc họp đại hội cổ đông cũng như các thông tin công bố khác của các doanh nghiệp để lọc tìm cơ hội đầu tư, tái cơ cấu danh mục. Trong đó, những doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức cao được ông đặc biệt quan tâm.

“Săn cổ phiếu có cổ tức cao mùa đại hội luôn thú vị”, ông Thái nói.

Ngày 15/3 tới, Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (mã chứng khoán BTP) sẽ chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức với tỷ lệ 26,47% (cao nhất từ trước đến nay). Ước tính, Công ty sẽ chi 160 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức này, thanh toán từ ngày 29/3.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex (mã chứng khoán CMF) có kế hoạch tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 50%. Với 8,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Công ty sẽ chi khoảng 40,5 tỷ đồng để trả cổ tức vào ngày 10/5/2024. Cuộc họp đại hội cổ đông thường niên năm nay được doanh nghiệp dự kiến tổ chức ngày 24/4 tới.

Công ty cổ phần Bao bì Biên Hoà (Sovi, mã chứng khoán SVI) sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024 vào ngày 29/3 để thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 26%, kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu đạt doanh thu 1.710 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 154 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 17% so với năm 2023.

Thực tế, mua cổ phiếu để nhận cổ tức là lựa chọn của đa số nhà đầu tư trung và dài hạn.

“Đây là kiểu đầu tư được xét vào nhóm đầu tư an toàn, bản thân tôi cảm thấy rất ổn, yên tâm nhận thành quả mà không phải chọn điểm mua - điểm bán như những nhà đầu tư lướt sóng, vốn mất nhiều thời gian và khá đau đầu. Tôi thường chọn nhóm cổ phiếu có cổ tức tốt như NT2, BMP, FPT”, một nhà đầu tư khác chia sẻ.

Ngành ngân hàng cũng được nhà đầu tư quan tâm đến cổ tức đưa vào danh sách theo dõi, bởi năm nay dự kiến sẽ có không ít ngân hàng chia cổ tức bằng tiền sau nhiều năm chia bằng cổ phiếu. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán TCB) dự kiến dành ít nhất 20% tổng lợi nhuận trước thuế năm 2023, tương đương 4 - 5% vốn chủ sở hữu để chia cổ tức bằng tiền.

Tuy nhiên, nhiều nhà băng vẫn lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB) dự kiến dùng 21.680 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và trích lập các quỹ năm 2022 để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, với vốn điều lệ 55.891 tỷ đồng, Vietcombank sẽ phát hành 21,7 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương 38,79% vốn điều lệ.

Năm 2023, Vietcombank đạt 33.054 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 10,5% so với năm 2022. Ngày 26/3 tới, Ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông để tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2024 vào ngày 26/4.

“Tân binh” ngành ngân hàng trên HOSE là Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, mã chứng khoán NAB) được lãnh đạo Ngân hàng chia sẻ trong một hội thảo về triển vọng cổ phiếu ngân hàng mới đây rằng, mức cổ tức 20% sẽ được duy trì, nhưng chủ yếu chia bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính. Nam A Bank dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 4.000 tỷ đồng, năm 2025 đạt 5.000 tỷ đồng.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank nhận xét, bên cạnh câu chuyện cổ tức, lợi nhuận cao của nhóm ngân hàng cùng sự tăng trưởng ổn định luôn hấp dẫn nhà đầu tư.

“Cổ phiếu ngân hàng sẽ là một trong những nhóm dẫn dắt sự tăng trưởng trên thị trường chứng khoán năm nay”, ông Sơn nhận định.

Cần xem xét yếu tố cơ bản doanh nghiệp và triển vọng ngành

Một số cổ phiếu có tỷ lệ chi trả cổ tức cao là NT2, BMP, FPT, BTP, CMF, SVI…

Theo giới phân tích, khi lựa chọn cổ phiếu để hưởng cổ tức, nhà đầu tư cần xem xét lịch sử chi trả cổ tức của doanh nghiệp, dòng tiền kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận, triển vọng ngành…

Không ít nhóm ngành có khả năng tăng trưởng trong năm 2024 như bán lẻ, đầu tư công, chứng khoán, nhờ động lực từ chính sách và triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực.

Trong lĩnh vực bán lẻ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm 2024 chưa có sự phục hồi đáng kể, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ tăng 14,7%), nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng là 5% (cùng kỳ tăng 10,9%). Tuy nhiên, cổ phiếu FRT của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), cổ phiếu PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động gần đây thu hút nhà đầu tư nên giá có diễn biến tăng.

PNJ hiện là một trong các cổ phiếu được Công ty Chứng khoán KB Việt Nam khuyến nghị đưa vào danh mục đầu tư tháng 3/2024, nhờ tiềm năng tăng trưởng dài hạn của vàng trang sức, doanh nghiệp mở rộng mạng lưới cửa hàng, đồng thời cải thiện doanh thu trên cửa hàng, tìm kiếm tệp khách hàng mới.

Với đầu tư công, các doanh nghiệp nhóm này (thép, đá, xây dựng) được kỳ vọng sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khi đầu tư công được đẩy mạnh (mức giải ngân trong 2 tháng đầu năm nay tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái nếu so sánh theo số tuyệt đối), trong khi lãi suất tiếp tục đi xuống giúp giảm áp lực chi phí tài chính.

Nhóm chứng khoán có yếu tố hỗ trợ là triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán và hệ thống KRX chuẩn bị đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, kinh tế năm 2024 sáng hơn khi Việt Nam là điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khả quan hơn… Trên sàn chứng khoán, khối ngoại có động thái mua ròng cổ phiếu trở lại trong hai tuần gần đây cho thấy, họ nhìn ra cơ hội tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mùa đại hội cổ đông năm nay hứa hẹn sôi động khi niềm tin của nhà đầu tư được củng cố. Cùng với yếu tố lãi suất ở mức thấp, dòng vốn tìm đến thị trường chứng khoán sẽ nhiều hơn, tập trung vào các doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh và nội lực tốt.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn