SHB cảnh báo 2 hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang 'bùng phát'
Trước tình hình các hành vi lừa đảo ngày càng tinh vi và phức tạp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) mới đây đã phát đi thông báo nhằm bảo vệ khách hàng thoát khỏi nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản.
SHB cho biết, các đối tượng lừa đảo đang lợi dụng công nghệ và thông tin cá nhân để thực hiện hành vi phạm pháp, gây thiệt hại lớn về tài chính và tâm lý cho khách hàng. Để tránh sập bẫy kẻ gian, SHB khuyến cáo khách hàng nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn sau:
Giả mạo nhân viên giao hàng (Shipper)
Cụ thể, đối tượng gọi điện cho khách hàng, tự xưng là nhân viên giao hàng (shipper) của một đơn vị vận chuyển uy tín, thông báo khách hàng có đơn hàng cần thanh toán và yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước khi nhận hàng.
Sau khi khách hàng chuyển khoản, đối tượng gọi lại và thông báo khách hàng đã chuyển nhầm tiền vào tài khoản đăng ký thẻ hội viên của đơn vị giao hàng. Đối tượng cho biết tài khoản này sẽ tự động trừ 3.500.000 VNĐ mỗi tháng và yêu cầu khách hàng click vào đường link hoặc nhập thông tin để hủy kích hoạt gói cước hội viên.
Đối tượng sẽ gửi tin nhắn chứa đường link dẫn đến trang web giả mạo của đơn vị giao hàng để yêu cầu nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng. Khách hàng bấm vào đường liên kết giả mạo và nhập các thông tin cá nhân thì sẽ có nguy cơ điện thoại bị nhiễm mã độc, bị chiếm đoạt thông tin cá nhân và nhất là mất quyền kiểm soát điện thoại hoặc tài khoản ngân hàng. Từ đó, các đối tượng lừa đảo thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng sang tài khoản lừa đảo.
Giả mạo cơ quan chức năng
Gọi điện giả mạo cán bộ công an các phường/quận thông báo: Căn cước công dân chưa được đồng bộ dữ liệu đất đai thành công, chưa cập nhật thông tin thẻ bảo hiểm y tế, cập nhật thông tin bằng lái xe chưa thành công,… hay giả danh viện kiểm sát – tòa án, cơ quan thuế.. để hù doạ điều tra hoặc hỗ trợ thủ tục công, quyết toán thuế,…
Khách hàng sẽ được hướng dẫn cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại hoặc truy cập vào đường link cài đặt ứng dụng giả mạo gần giống với Cổng dịch vụ công. Mã độc sẽ song song được tải về điện thoại, cho phép đối tượng truy cập vào thiết bị để hoạt động truy cập dữ liệu, chụp ảnh màn hình, đọc tin nhắn, đặc biệt là quyền trợ năng để chiếm quyền điều khiển điện thoại.
Sau khi chiếm quyền điều khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp thông tin đăng nhập (user, mật khẩu) ngân hàng điện tử, thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
Dù bất kể thủ đoạn giả mạo là gì thì kẻ gian thường thúc giục khách hàng cung cấp các thông tin tài khoản, đặc biệt là click vào link hoặc cài đặt ứng dụng lạ, điền thông tin/đăng nhập theo hướng dẫn để chiếm quyền điều khiển điện thoại của khách hàng.
SHB khuyến cáo khách hàng
Tuyệt đối không thực hiện truy cập link lạ, cài đặt ứng dụng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân theo các yêu cầu thông qua điện thoại, tin nhắn.
- Không truy cập và/hoặc nhập thông tin bảo mật ngân hàng điện tử (NHĐT) vào trang web/ứng dụng khác với trang web/đường dẫn Internet Banking/ứng dụng NHĐT của SHB
- Không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link (ví dụ: Ứng dụng dịch vụ công, ứng dụng thử nghiệm của Apple trên Test Flight)
- Không cấp quyền xem màn hình, xem dữ liệu nhập và điều khiển màn hình điện thoại
- Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật NHĐT: Mật khẩu đăng nhập, mã xác thực (OTP, Smart OTP, QR), thông tin về tài khoản, thông tin cá nhân, thẻ…cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là công an, cán bộ Tòa án, Bộ Y tế, nhân viên ngân hàng…
Trong trường hợp nghi ngờ/phát hiện dấu hiệu lừa đảo, khách hàng cần thực hiện:
- Thay đổi ngay mật khẩu đăng nhập ứng dụng NHĐT
- Trong trường hợp đã tải/cài đặt ứng dụng lừa đảo, chủ động tắt điện thoại hoặc đến các cơ sở uy tín để cài đặt lại điện thoại
- Liên hệ ngay tổng đài hỗ trợ khách hàng 24/7 hotline *6688/, các điểm giao dịch SHB hoặc cơ quan công an gần nhất.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn