'Sốt ruột' tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Công trình trọng điểm quốc gia dần lộ diện

Dự án sân bay Long Thành ở Đồng Nai có tổng mức đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng (khoảng 16,06 tỷ USD), trong đó, giai đoạn 1 có mức đầu tư là 114.450 tỷ đồng (5,45 tỷ USD).

Dự án gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3 hoàn thành các hạng mục để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

San-bay-Long-Thanh

"Siêu" sân bay Long Thành dần thành hình. Ảnh: Cao Nguyên

Hiện nay, dự án về cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra. Tuy nhiên, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các hạng mục công trình.

Cụ thể, hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 dù đã nhận bàn giao mặt bằng đạt 99% nhưng vẫn còn vướng vị trí mặt bằng tại nút giao tuyến số 1 với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và mặt bằng đoạn từ Km0+880-Km0+944 cầu Bưng Môn.

Các vị trí vướng mắc này dẫn đến chưa triển khai được hạng mục đắp đất gia tải, vì vậy có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công hạng mục xử lý đất yếu nền đường (do thời gian thi công hạng mục đắp gia tải phải chờ lún khoảng 438 ngày).

Bên cạnh đó, dù đã bàn giao được mặt bằng đạt hơn 89% tại tuyến số 2, nhưng qua kiểm tra thực tế, phía ACV đánh giá mặt bằng có thể thi công được chiếm khoảng 80% và vẫn còn tình trạng "xôi đỗ" nên rất khó tổ chức triển khai thi công.

Đơn cử, vị trí mặt bằng tại nút giao tuyến số 2 với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ảnh hưởng đến tiến độ thi công hạng mục cầu vượt đoạn qua cao tốc từ trụ T12-T22 (khu vực này có tính chất và yêu cầu kỹ thuật phức tạp trong thi công cầu vượt với thời gian thi công dự kiến 12 tháng).

Ngoài ra, một số công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu (đường đây điện 22kV tại nút giao QL51 với tuyến 1; đường dây điện 110kV, 220kV cắt ngang qua tuyến 1; đường điện 22kV trên đường Giải Phóng giao với tuyến 2) vẫn còn tồn tại trên tuyến chưa được đi dời, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn và tiến độ thi công công trình.

Do đó, ACV đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị có liên quan sớm thực hiện các thủ tục về giải phóng mặt bằng và bàn giao các phần mặt bằng còn tồn tại nêu trên làm cơ sở triển khai thi công các hạng mục công trình đáp ứng tiến độ đề ra của dự án.

Hồi đầu tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tiến độ dự án này. Tại đây, Thủ tướng nêu rõ, nếu những năm trước là năm khởi động thì năm nay năm tăng tốc và 2025 sẽ là năm bứt phá và 6 tháng đầu năm 2026 phải hoàn thành, đưa công trình sân bay Long Thành vào sử dụng. Với kinh nghiệm đã có, Thủ tướng yêu cầu xây dựng lại đường găng tiến độ, phấn đấu rút ngắn thời gian thêm từ 3-6 tháng, bù lại thời gian bị chậm.

Là dự án trọng điểm quốc gia, khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ phát triển mạnh các đường bay, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam với các nước ASEAN và thế giới, khắc phục ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất... Đồng thời, sau năm 2030 sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển châu Á và thế giới. Tuy nhiên, việc vướng mặt bằng, khiến chủ đầu tư, các nhà thầu thi công lo lắng về tiến độ đã cam kết với Chính phủ.

Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam khó hoàn thành vào năm 2025

Sau 1 năm khởi công và triển khai thi công, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đang gặp nhiều thách thức về mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu. Nếu không sớm giải quyết, Bộ GTVT thừa nhận tiến độ các dự án thành phần sẽ khó hoàn thành vào năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội.

Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt sản lượng đến nay đạt 6.641/8.595 tỷ đồng (77,3% giá trị hợp đồng), phấn đấu hoàn thành 30 km từ nút giao QL7 đến nút giao QL46B (đi về TP. Vinh) trước ngày 30/4 tới. Đoạn còn lại 19 km có đất yếu cần thời gian chờ gia tải nên hoàn thành sau.

Cao tốc Lâm - Vĩnh Hảo đạt sản lượng 7.494/7.587 tỷ đồng (đạt 98,8% giá trị hợp đồng) hoàn thành đưa vào sử dụng trước 30/4.

Empty

Cao tốc Lâm - Vĩnh Hảo đưa vào khai thác từ ngày 26/4. Ảnh: ĐC

Với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, theo Bộ GTVT chủ đầu tư và nhà thầu triển khai thi công bám sát tiến độ đề ra. Riêng đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau chậm so với kế hoạch và mặt bằng chung do thiếu nguồn cát đắp.

Cụ thể, các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, các nhà thầu mới khai thác được 14/17 mỏ cát (còn lại 3 mỏ đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã được chấp thuận bản đăng ký khối lượng nhưng chưa khai được do vướng thỏa thuận với chủ sở hữu đất khu vực mỏ về giá đền bù) đáp ứng khoảng 91% nhu cầu và 43/55 mỏ đất (tỉnh Quảng Trị còn 2 mỏ, Quảng Ngãi còn 5 mỏ, Bình Định còn 1 mỏ, Phú Yên còn 4 mỏ) đáp ứng khoảng 77% nhu cầu.

Tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, hiện các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cung cát được 16,02 triệu m3, còn 2,98 triệu m3 chưa xác định được nguồn (An Giang 1 triệu m3; Vĩnh Long 1,98 triệu m3); đã hoàn thành thủ tục, đang tổ chức khai thác các mỏ với tổng trữ lượng 9 triệu m3; đang hoàn thiện thủ tục để khai thác 7 triệu m3.

Đến nay, nhà thầu mới đưa về công trường được 2,7 triệu m3 cát (tỉnh An Giang khoảng 0,4 triệu m3; Đồng Tháp 2,3 triệu m3; Vĩnh Long mới khai thác được 4.400 m3); công suất khai thác của các mỏ cát khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay rất thấp (chỉ đạt trung bình 18.000 m3/ngày, trong khi nhu cầu của dự án là 50.000 m3/ngày) do khống chế công suất, phương tiện khai thác, thời gian khai thác trong ngày, do vậy chưa đáp ứng được yêu cầu.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT đánh giá nếu không bàn giao mặt bằng trước 30/4 để triển khai thi công sẽ không đáp ứng tiến độ hoàn thành các dự án thành phần vào năm 2025.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh Nghị quyết 273 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên nếu không kịp trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong tháng 4 sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.

Xác định công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm, Bộ GTVT cũng đề nghị địa phương huy động cả hệ thống chính trị để giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án này.

Xem thêm tại nhadautu.vn