Sức ép chốt lời tăng cao, cổ phiếu lớn giữ sắc xanh cho chỉ số
Diễn biến thị trường xấu đi đáng kể trong phiên chiều nay khi lượng cổ phiếu bắt đáy trong phiên biến động mạnh ngày 26/5 về tài khoản. Không chỉ các blue-chips suy yếu khiến VN-Index có lúc rơi xuống dưới tham chiếu, mà độ rộng co lại cũng cho thấy đà giảm giá loang rộng.
Phiên ngày 26/5 vừa qua VN-Index có lúc giảm tới 1,95% và hàng trăm cổ phiếu giảm 2-3% giá trị. Chiều nay tín hiệu chốt lời khá rõ khi độ rộng sàn HoSE co lại rất nhanh. Chốt phiên sáng vẫn có 158 mã tăng/128 mã giảm nhưng đến gần 2h chỉ còn 119 mã tăng /201 mã giảm. Đóng cửa HoSE ghi nhận 133 mã tăng/184 mã giảm.
Mặt bằng giá cổ phiếu so với phiên sáng cũng kém đi rất nhiều. Nếu như buổi sáng chỉ có 36 mã giảm quá 1% thì kết phiên chiều là 109 mã. Dù VN-Index vẫn được một số cổ phiếu lớn nâng đỡ trong đợt đóng cửa và kịp quay đầu tăng nhẹ 2,06 điểm (+0,15%) so với tham chiếu nhưng cổ phiếu thì giảm trên diện rộng. Việc đỡ trụ không thể thay đổi được trạng thái giảm giá mạnh ở số lớn cổ phiếu.
VHM là trụ đóng vai trò lớn ở nhịp phục hồi cuối của VN-Index. Khoảng 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục, cổ phiếu này tăng từ 74.600 đồng lên 76.100 đồng tương đương hơn 2%, trước khi lùi lại một chút ở đợt đóng cửa, nhưng vẫn trên tham chiếu 1,88%. VIC tuy không biến động nhiều bằng VHM nhưng vẫn duy trì được mức tăng 2,65%. BID cũng đáng chú ý, chốt đợt liên tục còn -0,56% nhưng kết phiên đảo chiều tăng 0,55%. BID hiện vốn hóa chỉ đứng sau VCB, VIC và VHM. Một số cổ phiếu khác khá mạnh là VRE tăng 5,53%, VPL tăng 0,92%. Chỉ riêng 4 cổ phiếu nhóm Vin đã đem về tới 4,6 điểm.
Rổ VN30 cũng hưởng lợi đáng kể từ các cổ phiếu nói trên, dù độ rộng chỉ có 10 mã tăng/15 mã giảm. Chỉ riêng VIC đã đem về hơn 4 điểm cho VN30-Index dù chỉ số này tăng tổng cộng 4,74 điểm, chưa kể VHM cũng cộng hơn 2 điểm nữa.

Hiện tượng phân hóa trong nhóm trụ đang làm khó VN-Index ngay trong vùng đỉnh 1340 điểm. Mức cao nhất chỉ số đạt được trong phiên này là 1436,99 điểm nhưng đóng cửa còn 1341,87 điểm. Mặc dù về điểm số đóng cửa thì VN-Index đã có đỉnh cao mới, nhưng diễn biến giao dịch cho thấy đây không phải là sự kiện bùng nổ. Thị trường vận động chậm, chỉ số chủ đạo được đỡ bằng trụ. Mặt khác thanh khoản hôm nay cũng sụt giảm khoảng 11% so với hôm qua.
Mặt bằng giá yếu đi đáng kể chiều nay là điều quá rõ. Trong 109 cổ phiếu giảm quá 1% lúc đóng cửa có tới gần 30 mã xuất hiện thanh khoản cao vượt 100 tỷ đồng. Đây là bằng chứng cụ thể về sức ép bán ra tăng cao, nhất là khi tổng thanh khoản HoSE phiên chiều cũng tăng gần 19% so với buổi sáng, trong đó VN30 tăng 20%.
Nhóm cổ phiếu midcap đã giảm rõ rệt: CII rơi 3,14% với thanh khoản 440,4 tỷ đồng; GEX giảm 1,39% với 403,5 tỷ; HAH giảm 4,62% với 279,6 tỷ; GEE giảm 5,45% với 140,9 tỷ; HHS giảm 1,71% với 120,5 tỷ; VHC giảm 2,57% với 100,5 tỷ… Nhóm thanh khoản vài chục tỷ có mức giảm giá 1-2% cũng rất nhiều.
Ở phía tăng, khả năng cầm cự của dòng tiền cũng đang thu hẹp lại và dồn vào số ít cổ phiếu. Hầu hết các mã còn tăng tốt phiên này vẫn có diễn biến quay đầu trượt giảm ít nhiều. Ví dụ VIX chốt phiên tăng 1,47% thanh khoản cực cao 1.038 tỷ đồng thì đỉnh cao nhất đã có từ gần cuối phiên sáng (tăng 4,41%). NVL còn tăng 1,56% nhưng đã trượt giảm 2,25% so với đỉnh lúc 1h12. PVD cả buổi chiều lao dốc và để mất tới 3,05% so với đỉnh, kết phiên chỉ còn tăng 1,06%. Loạt mã như GMD, HAG, BSR, YEG, PLX, ORS, VDS… cũng đều trượt giảm hơn 1% so với đỉnh buổi sáng. Đây là các cổ phiếu có dòng tiền tốt nhất, thanh khoản khá nhất ở nhóm tăng giá.
Điểm sáng nhỏ chiều nay là khối ngoại đã quay đầu mua ròng 238,4 tỷ đồng, sau khi bán ròng 422 tỷ đồng trong buổi sáng. Khối này đã giảm bán tới 28% nhưng tăng mua 33% so với buổi sáng. Các mã được mua ròng tốt là VHM +122,3 tỷ, DXG +79,5 tỷ, NLG +76,8 tỷ, MWG +76,1 tỷ, GVR +39,3 tỷ, VIC +38,9 tỷ, CTG +32 tỷ, KBC +30,4 tỷ. Phía bán ròng có VCI -101,2 tỷ, VNM -82,3 tỷ, VCB -62,4 tỷ, HAH -59,1 tỷ, SSI -58,1 tỷ, PVD -54 tỷ, VRE -47,5 tỷ, STB -47,2 tỷ, SHB -32,6 tỷ.
Xem thêm tại vneconomy.vn