Tái định giá cổ phiếu ngân hàng từ luật hóa Nghị quyết 42

Nợ xấu gia tăng sau kéo lùi định giá ngân hàng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 1/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã lên tới 4,3%, tăng gần 2,3 điểm % so với cuối năm 2022, tập trung tại một số ngân hàng yếu kém hoặc nằm trong diện kiểm soát đặc biệt. Nợ xấu gia tăng không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD), mà còn tác động đến định giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán.

Giai đoạn 2017 - 2023, thông qua cơ chế từ Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42), đà gia tăng nợ xấu từng được kiểm soát tương đối tốt. Nghị quyết cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm, đơn giản hóa thủ tục xử lý nợ tại tòa án và phối hợp với cơ quan chức năng trong thi hành án. Tiến trình xử lý tài sản đảm bảo được đẩy nhanh và hiệu quả hơn, giúp tỷ lệ nợ xấu từ 2017 – 2022 luôn duy trì dưới mục tiêu 3%.

Cuối năm 2023, khi nghị quyết này hết hiệu lực, hệ thống ngân hàng mất đi một công cụ pháp lý quan trọng, buộc phải quay lại quy trình kiện tụng kéo dài, kém hiệu quả, kéo theo nợ xấu gia tăng và định giá cổ phiếu suy giảm.

Theo dữ liệu từ WiChart, hệ số P/B (giá/giá trị sổ sách) trung bình của toàn ngành đã lùi về quanh mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, chỉ đạt gần 1,5 lần tính đến giữa tháng 6/2025. Kết quả này thấp hơn đáng kể so với trung bình trong 5 năm qua, cũng như chỉ bằng một nửa con số từng ghi nhận vào quý II/2021 là hơn 2,8 lần – thời điểm Nghị quyết 42 còn hiệu lực.

Tái định giá cổ phiếu ngân hàng từ luật hóa Nghị quyết 42- Ảnh 1.

Chỉ số P/B ngành ngân hàng giảm mạnh kể từ cuối năm 2022, cũng là thời điểm nợ xấu bắt đầu gia tăng.

Đặc biệt, một số ngân hàng thuộc nhóm bán lẻ – với đặc thù danh mục cho vay phân tán, giá trị khoản vay nhỏ, năng lực tài chính của khách hàng yếu, đang bị chiết khấu mạnh hơn mặt bằng chung. Hiện tại, nhiều cổ phiếu ngân hàng bán lẻ đang được giao dịch với P/B chỉ quanh mức 1 - 1,3 lần, thấp hơn trung bình ngành.

Triển vọng tái định giá ngành ngân hàng nhờ luật hóa Nghị quyết 42

Ngày 27/6, Quốc hội chính thức thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, trong đó luật hóa một số nội dung của Nghị quyết 42 liên quan đến quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quy định về kê biên tài sản đảm bảo và hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng, tang vật trong vụ án, vi phạm.

Nhiều công ty chứng khoán, nhà đầu tư chuyên nghiệp đều nhấn mạnh luật hóa Nghị quyết 42 sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ, mở ra cơ hội cải thiện chất lượng tài sản, kết quả kinh doanh và dư địa để tái định giá với cổ phiếu ngân hàng – vốn đang được chiết khấu mạnh.

Trong bức thư gửi nhà đầu tư đầu tháng 6, ông Petri Deryng, nhà quản lý quỹ PYN Elite (Phần Lan), đánh giá việc luật hóa Nghị quyết 42, cho phép xử lý tài sản bảo đảm nhanh hơn, sẽ mang lại nguồn thu đột biến cho nhiều ngân hàng. Đồng thời, ông cũng nhận định mặt bằng định giá của ngành vẫn ở mức thấp, trong khi cấu trúc vốn lành mạnh và biên lãi thuần có dấu hiệu cải thiện.

Tại báo cáo phân tích ngành ngân hàng công bố ngày 20/6, Chứng khoán MB (MBS) cho biết Luật Các TCTD (sửa đổi) giúp giảm bớt áp lực trích lập dự phòng, chi phí xử lý nợ; minh bạch hóa, giảm thủ tục trong việc mua bán, xử lý nợ, nâng cao ý thức của người đi vay, cải thiện chất lượng tài sản toàn hệ thống trong dài hạn. MBS cho rằng những ngân hàng lớn, với chi phí trích lập cao như VPBank, VietinBank và một số ngân hàng nhỏ sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ thay đổi này.

Tương tự, Chứng khoán VNDirect ước tính nợ xấu toàn hệ thống có thể giảm về dưới 3% ngay trong năm đầu tiên luật hóa Nghị quyết 42. VNDirect đặc biệt nhấn mạnh nhóm TCTD có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao (cho vay tiêu dùng, ô tô, tín chấp) sẽ hưởng lợi rõ nhất. Bên cạnh đó, những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc như VPBank, MB, HDBank và Vietcombank cũng sẽ thuận lợi hơn trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng yếu kém bởi hành lang pháp lý rõ ràng. Đồng quan điểm, SSI Research nhấn mạnh việc rút ngắn thời gian xử lý các khoản vay nhỏ sẽ giúp các ngân hàng bán lẻ giảm đáng kể chi phí vận hành và áp lực quản trị rủi ro.

Tại các phân tích về Nghị quyết 42, một cái tên thường xuyên xuất hiện là VPBank - ngân hàng có tỷ trọng dư nợ bán lẻ lớn và đang nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém.

Mới đây, Chứng khoán Vietcap khuyến nghị “Mua” với VPB. Theo Vietcap, nếu Nghị quyết 42 được luật hóa, hiệu quả thu hồi nợ của VPBank trong năm 2025 sẽ được cải thiện đáng kể, qua đó giảm áp lực từ chi phí huy động và cạnh tranh lãi suất. Ngoài ra, hỗ trợ từ cổ đông chiến lược SMBC, cùng với dư địa giảm chi phí vốn thông qua tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, sự phục hồi của FE CREDIT là những động lực cho định giá của VPBank trong năm 2025.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết Nghị quyết 42 sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý tài sản đảm bảo, từ đó giúp VPBank tăng thu nhập từ thu hồi nợ xấu. Với quy mô dư nợ ngoại bảng hiện tại, KBSV ước tính con số thu nhập nợ xấu của ngân hàng sẽ không nhỏ, đóng góp vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng. Dưới triển vọng tương tự, VNDirect đưa khuyến nghị “Khả quan”, dự phóng cổ phiếu VPB có thể được định giá lại với P/B mục tiêu là 1,2 lần trong năm 2025, trở về tiệm cận so với trung bình ngành.

Ngay trước khi Nghị quyết 42 được luật hóa, VPBank đã có những động thái để tăng cường hiệu quả thu hồi nợ. Năm 2024, ngân hàng đã thành lập Khối Thu hồi và Xử lý nợ (DCD), nhằm đáp ứng nhu cầu quản trị rủi ro ngày càng cao. Nhờ đó, trong quý I/2025, thu từ nợ đã xử lý rủi ro của VPBank đạt 856 tỷ đồng, gấp hơn hai lần cùng kỳ, đóng góp đáng kể cho lãi thuần từ hoạt động khác. Dưới tác động tích cực từ hành lang pháp lý mới và chiến lược chủ động xử lý nợ xấu, VPBank đang sẵn sàng để bứt phá về chất lượng tài sản, tạo sức bật mới cho định giá trong giai đoạn sắp tới.

Xem thêm tại cafef.vn