Tập đoàn công nghiệp lớn bậc nhất Thái Lan sắp mở lại nhà máy trị giá 5,4 tỷ USD ở Việt Nam
Công ty Siam Cement Plc (SCG) đang xem xét việc nối lại hoạt động tại tổ hợp hóa dầu trị giá 5,4 tỷ USD ở Việt Nam, trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy giá cả - từng bị ảnh hưởng bởi tình trạng dư cung - đã chạm đáy.
Tập đoàn Siam Cement là công ty xi măng, vật liệu xây dựng lớn nhất và lâu đời nhất Thái Lan và Đông Nam Á (111 năm tuổi). Đây cũng là một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất Thái Lan.

Các lĩnh vực kinh doanh chính của SCG gồm xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. Tập đoàn có trụ sở tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan), hoạt động tại nhiều nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Philippines, Myanmar, Lào, Campuchia và cả Trung Quốc. SCG hiện có nhiều dự án và công ty con tại Việt Nam, nổi bật nhất là tổ hợp hóa dầu Long Sơn (Long Son Petrochemicals - LSP) tại Bà Rịa - Vũng Tàu – dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của SCG.
Siam Cement đã chuẩn bị kế hoạch để tái khởi động nhà máy Long Sơn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi đã bị đóng cửa từ tháng 10 năm ngoái do nhu cầu và giá cả suy yếu, theo lời Tổng Giám đốc (CEO) Thammasak Sethaudom trong một cuộc phỏng vấn. Ông cho biết việc nối lại sản xuất có thể diễn ra trong vòng 1 tháng sau khi công ty đưa ra quyết định tái vận hành.

Sự phục hồi của SCG trong hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, giữa lúc “siêu cường châu Á” này và Mỹ đạt được thỏa thuận đình chiến thuế quan, đã góp phần làm giảm phần nào tình trạng dư thừa sản phẩm hóa chất giá rẻ từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, ông Thammasak – người đảm nhận chức vụ CEO SCG từ tháng 1 năm 2024 đến nay chia sẻ.
“Đây là dấu hiệu cho thấy giá có thể đã chạm đáy. Điều này mở ra khả năng tái khởi động nhà máy tại Việt Nam”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết.
Siam Cement đã phải gánh chịu các khoản lỗ tại mảng hóa chất do tình trạng dư thừa công suất toàn cầu, cùng với cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung, khiến nhu cầu và giá cả của các hóa chất như ethylene và propylene (được dùng để sản xuất nhựa) sụt giảm.
Nhà máy Long Sơn – khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất của công ty đã trở thành gánh nặng lớn đối với lợi nhuận do phải chi khoảng 1,2 tỷ baht (36,5 triệu USD) mỗi tháng để duy trì cơ sở vật chất, cũng như chi trả lãi vay và các chi phí khác.
Sau thỏa thuận hồi đầu tháng này giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giảm thuế quan, các nhà sản xuất Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang đáp ứng nhu cầu tại Mỹ, ông Thammasak cho biết. Chênh lệch giá giữa polypropylene – sản phẩm hóa chất chính của Siam Cement và chi phí nguyên liệu đầu vào là naphtha đã tăng lên hơn 400 USD/tấn sau thỏa thuận thuế, trước khi giảm xuống còn khoảng 350 USD/tấn, ông nói.
Theo ông Thammasak, nhà máy Long Sơn sẽ có lãi khi mức chênh lệch giữa giá polypropylene và naphtha đạt khoảng 380 USD/tấn. Biên lợi nhuận của các sản phẩm hóa chất cũng được hỗ trợ bởi giá dầu thô thấp hơn.
Theo số liệu cho thấy, Siam Cement đã ghi nhận khoản lỗ ròng tổng cộng khoảng 6 tỷ baht (4.794 tỷ đồng) từ dự án này trong 2 quý vừa qua.
Mảng xi măng vẫn sẽ là nguồn thu lớn nhất của công ty trong năm 2025 khi Chính phủ Thái Lan có kế hoạch đẩy nhanh chi tiêu cho các dự án giao thông và công trình công cộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Thammasak nói. Doanh số xi măng cũng được thúc đẩy nhờ nhu cầu tăng cao từ nước láng giềng Myanmar, quốc gia đang đẩy nhanh công cuộc tái thiết sau trận động đất ngày 28/3 năm nay, ông cho biết thêm.
Siam Cement được thành lập vào ngày 8/12/1913 theo sắc lệnh Hoàng gia Thái Lan nhằm sản xuất vật liệu xây dựng. Công ty 111 năm tuổi này đã chứng kiến giá cổ phiếu tăng 1,2% trong năm nay, ngược chiều với mức giảm 16% của chỉ số chứng khoán tham chiếu chính.
Theo Bangkok Post
Xem thêm tại nguoiquansat.vn