Tập trung xử lý, nợ xấu vẫn khó giảm

Do khách hàng kinh doanh khó khăn không trả được nợ khiến nhiều khoản vay quá hạn, các ngân hàng đã đồng loạt rao bán nợ và thông báo thu giữ tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Liên tục rao bán nợ

BIDV vừa có lần thứ 8 rao bán khoản nợ của Công ty Tài Nguyên với giá khởi điểm 4.419 tỷ đồng, giảm tới 1.300 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên.

Khoản nợ được đem ra bán đấu giá bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi, phí phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ. Cụ thể, tính đến ngày 26/7 là hơn 5.720 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 2.506 tỷ đồng và dư nợ lãi là 3.215 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai thuộc dự án khu dân cư Phước Nguyên Hưng (nay là dự án Kenton) ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM và quyền khai thác mỏ đá tại xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Cuối tháng 10 vừa qua, MSB liên tiếp rao bán khoảng 20 tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của khách hàng để thu hồi nợ. Ví dụ như 2 thửa đất có diện tích hơn 200m2 và tài sản gắn liền trên 2 thửa đất này tại Quảng Nam của khách vay là Công ty TNHH phân phối Thái Dương, được MSB đưa ra giá bán là 4,72 tỷ đồng.

VietinBank cũng đang rao bán hàng loạt khoản nợ xấu. Chẳng hạn, ngân hàng vừa thông báo bán 300 khoản nợ vay tiêu dùng của cá nhân có tổng số tiền gần 5,9 tỷ đồng.

Trong số 300 khoản nợ này có nhiều khoản đã được VietinBank rao bán vào cuối tháng 9 vừa rồi. Toàn bộ khoản vay đều không có tài sản đảm bảo. Giá trị ghi sổ nợ gồm nợ gốc, lãi vay và lãi phạt từ 31.000 đồng đến hơn 220 triệu đồng/món vay.

-3760-1732096879.jpg

Tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55% - gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với mức 2% của năm 2022.

Ngoài rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng cá nhân, VietinBank cũng thông báo bán đấu giá một loạt khoản nợ vay sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, VietinBank chi nhánh Kiên Giang rao bán đấu giá công khai khoản nợ của Công ty cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền để thu hồi khoản nợ 42,6 tỷ đồng (gồm 38,5 tỷ đồng là nợ gốc và tiền lãi, lãi phạt là hơn 4,1 tỷ đồng). Giá khởi điểm được ngân hàng đưa ra là 21,89 tỷ đồng.

Một “ông lớn” khác là Vietcombank thông báo lần 2 về việc bán quyền sử dụng 200m2 đất và tài sản trên đất tại quận Hải An, TP Hải Phòng với giá khởi điểm là 5 tỷ đồng. Đây là tài sản đảm bảo khoản vay của Công ty CP Vật tư thiết bị công nghiệp Hải Nam...

Ngoài bán nợ, bán tài sản đảm bảo, nhiều ngân hàng như LPBank, VPBank, VIB, MSB... ra hàng loạt thông báo thu giữ tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Như VIB, chỉ trong tháng 10 đã ra tới 40 thông báo thu giữ tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất ở và tài sản trên đất ở Bình Dương, TP.HCM, Lâm Đồng… của khách hàng.

Hay MSB cũng vừa thông báo thu giữ tài sản đảm bảo là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty CP tư vấn xây dựng và thương mại HTTC do không trả nợ đúng hạn, nên MSB thu giữ tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Ngân hàng cần sự hỗ trợ

Theo số liệu cập nhật từ báo cáo tài chính quý III/2024 của các ngân hàng, nợ xấu đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt là nợ xấu (nhóm 3, 4, 5). Những ngân hàng có quy mô nợ xấu lớn nhất lần lượt là BIDV, VPBank, VietinBank, NCB, Vietcombank...

BIDV là ngân hàng có quy mô nợ xấu lớn nhất hệ thống, đến hết quý III tăng hơn 49%, lên 33.386 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dư nợ cho vay khách hàng cũng lớn nhất hệ thống, nên tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng này chỉ ở mức 1,71%.

Hay như tại Vietcombank, hết quý III, nợ xấu nội bảng tăng thêm gần 4.700 tỷ đồng, lên mức 17.133 tỷ đồng. Dù dư nợ xấu tăng mạnh 37,6% nhưng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này hiện chỉ ở mức 1,2% - thấp nhất hệ thống.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay ở mức trên 3% tính đến cuối quý III như: SHB, PGBank, ABBank, VietBank, PVcomBank, VIB, OCB, BaoVietBank, BVBank, VPBank, NCB…

Trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã thừa nhận nợ xấu có xu hướng tăng. Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,55% - gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với mức 2% của năm 2022.

Trong bối cảnh nợ xấu ghi nhận tăng và đang tạo áp lực ngày càng lớn, việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng.

Đánh giá về khó khăn trong xử lý nợ, đại diện một ngân hàng cho biết, một trong những áp lực lớn đó là Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực thi hành nhưng một số quy định không được kế thừa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan công an, chính quyền địa phương trong việc thực thi quyền thu giữ tài sản đảm bảo của chủ nợ. Thực tế, có tình trạng không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản đảm bảo, nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng".

Theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, hiện tại, ngành ngân hàng không có văn bản pháp quy nào hỗ trợ việc thu hồi nợ nhanh chóng, dứt điểm và đúng pháp luật. Điều này khiến cho chính những người làm công tác thu hồi nợ có khả năng vi phạm vào những quy định của pháp luật và dễ bị xử lý hình sự.

Vì vậy, các ngân hàng đề nghị các Bộ ngành, NHNN, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; trong đó, công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn