Thanh khoản có thể tạo động lực cho VN-Index lập đỉnh mới
Thị trường chứng khoán duy trì đà tăng liên tục 5 tháng liên tiếp. Ảnh: Duy Dũng

Cơ hội cho VN-Index tiến tới mốc 1.300 điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy xu hướng tăng rất tích cực. Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/3/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.281,8 điểm, vượt đỉnh năm 2023 và tiến sát mốc 1.300 điểm. Tính tới thời điểm hiện tại so với đầu tháng 3, chỉ số VN-Index tăng 29,07 điểm, mặc dù trải qua nhiều biến động lớn. So với cuối năm 2023, chỉ số VN-Index đã tăng tới 151,87 điểm, tương đương hơn 11,5% (ngày 29/12/2023, VN-Index đạt 1.129,93 điểm).

Tính theo tháng, thị trường chứng khoán đã có nhịp tăng rất tốt, kéo dài 5 tháng liên tiếp. Thị trường trong nước nhận được sự hỗ trợ tích cực từ sự kỳ vọng của nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế vĩ mô, lãi suất ngân hàng duy trì mức thấp và sự cải thiện về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), cũng cho rằng chỉ số VN-Index đang có chuỗi tăng 5 tháng liên tiếp. So với đầu tháng 11 năm ngoái, chỉ số này đã tăng 26%, qua đó xác nhận thị trường đang trong trạng thái thị trường giá lên (bull market).

Nhiều nhận định cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội vượt mốc 1.300 điểm trong thời gian tới khi dòng tiền đang ủng hộ bên cạnh các yếu tố vĩ mô. Tuy nhiên, trong quá trình đi lên, nhịp rung lắc có thể xuất hiện nhiều hơn và biến động cũng lớn bởi thị trường đã trải qua nhịp tăng khá mạnh và kéo dài.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), thị trường chứng khoán trong nước nhìn về trung và dài hạn được nhận được sự hậu thuẫn của nhiều yếu tố, đảm bảo cho sự phát triển bền vững hơn trong tương lai. Chẳng hạn như nhìn rộng trên bình diện vĩ mô, qua góc nhìn của nhiều tổ chức quốc tế, chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng cao trong thời gian tới. Cùng với nội lực, Việt Nam sẽ được đón nhận dòng vốn FDI lớn và là một trong những quốc gia được xem là điểm đến cho chuỗi sản xuất toàn cầu.

“Tôi cho rằng, cùng với những thay đổi trên thị trường, kinh tế vĩ mô là yếu tố lớn nhất đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới” – ông Ngọc chia sẻ.

Thanh khoản – trợ lực và thước đo cho xu thế tăng

Thị trường chứng khoán Việt Nam thêm bước tiến tới thị trường mới nổi

Không chỉ có điểm số, thanh khoản mới là yếu tố đang tạo ra tâm lý hứng khởi cho thị trường chứng khoán trong nước thời gian gần đây. Dòng tiền trên thị trường đang là động lực thúc đẩy đà tăng cho chỉ số hoặc mặt bằng giá cổ phiếu. Dòng tiền nội đã và duy trì ở mức rất tích cực, gánh cho dòng tiền khối ngoại đang có đợt bán ròng mạnh.

Theo ông Ngô Quốc Hưng, thanh khoản toàn thị trường chứng khoán có bước tăng trưởng vượt bậc, từ mức bình quân 18.751 tỷ đồng/phiên ở tháng 1 đã lên mức 30.200 tỷ đồng/phiên trong tháng 3. So với 3 tháng cùng kỳ năm ngoái, thanh khoản đã tăng gấp 2 lần. Thanh khoản thị trường tăng kể từ đầu năm chủ yếu đến từ dòng tiền nội, bù đắp áp lực bán ròng -6.517 tỷ đồng kể từ đầu năm.

“Mức tăng thanh khoản được hỗ trợ trên nền lãi suất ngân hàng ở mức thấp khiến kênh gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn, bên cạnh đó giới đầu tư cũng kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bước vào chu kỳ giảm lãi suất sẽ hỗ trợ cho các tài sản rủi ro như cổ phiếu” – chuyên gia của MBS lý giải.

Còn theo ông Đỗ Bảo Ngọc, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I/2024 tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 20% so với quý IV/2023.

Ông Ngọc cho rằng, thanh khoản thị trường gia tăng rõ rệt thời gian qua là do nhiều yếu tố hỗ trợ. Đầu tiên là việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành đã giúp giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trong nền kinh tế. Điều này đã kích thích dòng tiền chuyển dịch từ kênh tiết kiệm sang các lĩnh vực sản xuất kinh doanh hỗ trợ nền kinh tế hồi phục, cũng như vào các thị trường đầu tư tài sản như chứng khoán, bất động sản, vàng...

Với riêng thị trường chứng khoán, thời gian qua, chủ trương và hành động của cơ quan quản lý các cấp ngày càng rõ nét. Theo đó Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các bộ, ban, ngành liên quan đã rất quyết tâm trong việc điều chỉnh nhiều các quy định pháp luật, hoàn thiện về pháp lý, sản phẩm, chính sách để giúp thị trường phát triển minh bạch, bền vững. Điển hình là các động thái liên quan tới nâng hạng nâng hạng lên thị trường mới nổi.

“Điều này đã giúp tăng nâng cao niềm tin của nhà đầu tư vào sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán, qua đó số lượng tài khoản mở mới tăng khá cùng với sự cải thiện chung của thanh khoản khi nhà đầu tư tăng giá trị đầu tư vào thị trường” – ông Đỗ Bảo Ngọc nói.

Dòng tiền nội đang tạo sức mạnh tích cực

Thanh khoản có thể tạo động lực cho VN-Index lập đỉnh mới

“Giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng rất mạnh trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu tháng 3 tới nay. Thanh khoản bình quân phiên đã vượt mốc “tỷ đô”/phiên. Dòng tiền nhà đầu tư trong nước là động lực chính giúp thanh khoản gia tăng, đồng thời là lực đỡ cho dòng tiền khối ngoại khi khối này tăng lượng bán ròng trong tháng 3 này” – ông Ngô Quốc Hưng.