Thanh khoản nhảy vọt, khối ngoại bán ròng gần 4.000 tỷ
Sau nhiều tuần biến động trong biên độ hẹp quanh vùng giá 1.100 điểm, VN-Index đã có tuần giao dịch tích cực ở những phiên đầu tuần khi tăng lên vùng 1.130 điểm. Tuy nhiên, ngay sau khi tiệm cận lại khu vực đỉnh cũ, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư được thể hiện rõ ràng thông qua các phiên giao dịch tăng giảm đan xen lẫn nhau.
Riêng phiên ngày 7/12, áp lực bán bất ngờ gia tăng mạnh khiến thị trường liên tục rung lắc với biên độ rộng, nhưng lực cầu cũng dần quay trở lại về cuối phiên giúp cho VN-Index thu hẹp đà giảm và vẫn giữ được nhịp tích lũy tốt.
Kết tuần (4-8/12), VN-Index tăng 2,02% so với tuần trước lên mức 1.124,44 điểm với thanh khoản gia tăng mạnh. Trong tuần, thanh khoản trên HOSE đạt 104.393,28 tỷ đồng, tăng mạnh 59,9% so với tuần trước. Trong đó, phiên giao dịch 7/12, ghi nhận khối lượng giao dịch gần 1,3 tỷ cổ phiếu, cao nhất từ tháng 9/2023.
Xét theo mức độ đóng góp, BID, MSN và MWG là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng BID đã đóng góp gần 1,7 điểm cho chỉ số này. Ở chiều ngược lại, VCB là mã có tác động tiêu cực nhất và lấy đi gần 0,3 điểm của chỉ số.
Trái ngược với dòng tiền khối nội, khối ngoại liên tục bán ròng với thanh khoản lớn trong tuần vừa qua với giá trị lên đến 3.953,89 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng trên HNX với giá trị 72,9 tỷ đồng.
Điểm nhấn trong tuần đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nổi bật ở các mã cổ phiếu bán lẻ, khi nhiều mã phục hồi tăng giá tốt trước áp lực bán ròng mạnh của khổi ngoại, thanh khoản tăng mạnh như MWG (+9,94%), MSN (+7,64%), PET (+5,03%), DGW (+3,3%)...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có tuần giao dịch tích cực với thanh khoản cải thiện, như LPB (+6,86%), BID (+6,35%), OCB (+5,62%), EIB (+4,37%), TCB (+4,03%)... Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa hơn, với L14 (+8,14%), DIG (+6,57%), NTL (+6,46%), PDR (+6,30%)... Ngược lại, LDG (-12,17%), SJS (-5,22%), VHM (-3,06%)... là những mã giảm điểm.
SHS cho rằng thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục thứ 2 sau nhịp giảm sâu và sẽ dần hình thành nền tích lũy mới. Trong ngắn hạn, nhóm phân tích này kỳ vọng VN-Index sẽ sớm vượt qua ngưỡng cản gần quanh 1.130 điểm để hướng tới vùng 1.150 điểm. Xu hướng trung hạn của chỉ số là tìm điểm cân bằng tích lũy trở lại, trong kịch bản tích cực là vùng 1.150 - 1.250 điểm, trường hợp kém hơn là vùng 1.100 - 1.150 điểm.
Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn vẫn có thể giải ngân với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi không phải là xu hướng uptrend tiếp diễn nên sẽ có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào. Trong trung, dài hạn thị trường dù mất xu hướng uptrend nhưng sẽ đi tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao. Nhà đầu tư trung hạn vẫn có thể gia tăng tỷ trọng, hướng giải ngân nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định.
Về góc nhìn kỹ thuật, VCBS cho rằng VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc trong các phiên tới, dù vẫn sẽ tiến lên khu vực 1.140 - 1.160. Nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng cổ phiếu, có thể tận dụng những nhịp rung lắc để có thể mua gia tăng hoặc mua mới đối với những cổ phiếu cho tín hiệu kiểm tra thành công vùng hỗ trợ hoặc vượt lên trên khu vực kháng cự với thanh khoản thuyết phục thuộc các nhóm ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng.
Còn theo VDSC, dòng tiền vẫn còn nỗ lực nâng đỡ thị trường và duy trì nhịp hồi phục hiện tại nên thị trường có khả năng hướng đến vùng 1.130 - 1.150 điểm để thăm dò cung cầu và kiểm tra tín hiệu. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý vùng này sẽ tiềm ẩn áp lực cung lớn và có thể tác động không tốt đến thị trường chung.
Do vậy, nhóm phân tích này khuyến nghị nhà đầu tư cần quan sát và đánh giá áp lực cung tại vùng cản trong thời gian tới. Hiện tại, có thể ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu có tín hiệu dòng tiền và nền hỗ trợ tốt. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn nên tận dụng nhịp tăng để chốt lời ngắn hạn tại các cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng cản.
Xem thêm tại nhadautu.vn