Thêm 'cửa ngõ pháp lý' để thu hút nhà đầu tư ngoại tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém

Đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quyết định chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng thuộc diện mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình xử lý và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2025, VPBank và MB đều tự tin với mục tiêu đưa GPBank và OceanBank có lãi trở lại ngay trong năm 2025.

Riêng đối với SCB, trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho biết đã trình Chính phủ phương án tái cơ cấu ngân hàng này. Cụ thể, ngày 18/4/2025, NHNN đã gửi Tờ trình số 40/TTr-NHNN lên Thủ tướng Chính phủ để giải trình các ý kiến từ thành viên Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 29/4/2025, NHNN hiện đang tiếp tục hoàn thiện phương án tái cơ cấu SCB và sẽ báo cáo lên cấp có thẩm quyền theo quy định.

Đáng chú ý, NHNN cho biết, cơ quan này khuyến khích các tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia hỗ trợ xử lý các vấn đề khó khăn, yếu kém của các tổ chức tín dụng trong nước.

Thực tế, Đề án Tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 cùng với Kế hoạch hành động của NHNN cũng đã xác định rõ việc thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực tài chính và năng lực quản lý của các TCTD.

Theo các chuyên gia VPBankS, 2025 có thể sẽ là năm bước ngoặt với sự xuất hiện của các ngân hàng số thế hệ mới.

Dù vậy, đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa thực sự mặn mà tham gia các thương vụ tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Song, theo các chuyên gia VPBankS, 2025 có thể sẽ là năm bước ngoặt với sự xuất hiện của các ngân hàng số thế hệ mới.

Sau khi về “nhà mới”, 3 trong 4 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc đã được định hướng phát triển thành ngân hàng số thế hệ mới. Cụ thể, CBBank được chuyển giao cho Vietcombank và đổi tên thành VCBNeo, Oceanbank được chuyển giao cho MBBank và đổi tên thành Modern Bank of Vietnam, GPBank được giao cho VPBank thực hiện tái cơ cấu, DongA Bank được chuyển giao cho HDBank và đổi tên thành Vikki Bank.

Theo các chuyên gia VPBankS, sự xuất hiện của những ngân hàng số thế hệ mới này không chỉ giúp xử lý các ngân hàng 0 đồng mà còn tạo ra một “cửa ngõ pháp lý” để vốn ngoại tham gia lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, đồng thời thiết lập một sân chơi ngân hàng số mang tính cạnh tranh cao nhưng có kiểm soát.

Lý giải về nhận định này, các chuyên gia VPBankS cho biết, giấy phép ngân hàng được ví như “viên ngọc quý” khi tiếp cận thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài. Giấy phép ngân hàng cho phép nhà đầu tư vận hành một ngân hàng đầy đủ chức năng, phục vụ khách hàng bán lẻ trên toàn bộ chuỗi dịch vụ tài chính (gửi tiền, cho vay, thanh toán, bảo hiểm, đầu tư…).

Theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), về lý thuyết, NĐT châu Âu có thể sở hữu tối đa 49% vốn tại ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế, các tổ chức tài chính châu Âu thường tập trung vào thị trường nội địa hoặc các khu vực quen thuộc như Mỹ Latinh, châu Phi, và ít quan tâm đến thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Ngược lại, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan có xu hướng chủ động hơn trong việc theo đuổi cơ hội mở rộng tại thị trường ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ sau khi Ngân hàng UOB (Singapore) được cấp phép vào năm 2017, đến nay, vẫn chưa có thêm ngân hàng có 100% vốn nước ngoài nào được thành lập tại Việt Nam.

“Việc chuyển giao dưới hình thức công ty TNHH MTV (một thành viên) tạo điều kiện cho các ngân hàng 0 đồng được bán 100% vốn cho NĐT nước ngoài mà không cần sửa đổi luật giới hạn sở hữu nước ngoài”, các chuyên gia VPBankS nhận định.

Song, cũng theo VPBankS, cơ hội này vẫn mang tính lý thuyết, chưa thể hiện thực hóa ngay, do các ngân hàng này cần nhiều thời gian để tái cơ cấu. Quá trình này bao gồm việc khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu âm do thua lỗ tích lũy trước đây) và mở rộng lại tập khách hàng, xây dựng lại quy mô hoạt động sau nhiều năm gặp khó khăn.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn