Thêm ưu đãi về lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn

Công khai tạo cạnh tranh

Thông tin từ NHNN cho thấy, báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5%/năm so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Đầu tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 32/CĐ-TTg gửi Thống đốc NHNN Việt Nam về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Theo yêu cầu từ lãnh đạo Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện công khai mặt bằng lãi suất cho vay, việc triển khai các gói tín dụng. Tổ chức tín dụng nào không thực hiện thì Thống đốc NHNN sẽ xử lý nghiêm theo thẩm quyền và công khai theo quy định của pháp luật.

Theo quan sát của phóng viên, các ngân hàng đã công khai lãi suất cho vay bình quân. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân của nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước ở mức thấp hơn nhóm ngân hàng tư nhân. BIDV là 6,25%/năm, VietinBank là 6,3%/năm, Vietcombank là 6,4%/năm, Agribank là 7,47%/năm.

Tại nhiều ngân hàng thương mại tư nhân, lãi suất cho vay bình quân còn được chia theo kỳ hạn và theo loại hình khách hàng doanh nghiệp hay cá nhân. Chẳng hạn, tại Techcombank, lãi suất cho vay bình quân với khách hàng doanh nghiệp là 6,89%/năm, với khách hàng cá nhân là 7,33%/năm. Tại TPBank, con số lần lượt là 7,08%/năm và 8,09%/năm; ABBank là 6,31%/năm và 7,28%/năm; OCB là 8,93%/năm và 7,9%/năm; VIB là 6,98%/năm và 7,47%/năm… Chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân tại các ngân hàng từ 2-4%.

Nhận xét về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho hay, việc công khai lãi suất là nguyên tắc hoạt động của các ngân hàng để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Nhưng về lãi suất cho vay, mỗi ngân hàng thường đưa ra các gói ưu đãi khác nhau dựa theo lợi thế của mỗi ngân hàng, chẳng hạn như ngân hàng nhà nước có lợi thế nhờ nguồn vốn lớn, niềm tin người gửi tiền cao hơn thì lãi suất huy động mềm hơn, giúp lãi suất cho vay thấp hơn. Vì thế, việc công khai lãi suất cho vay bình quân có thể khiến khách hàng đang vay vốn ở ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ thấy “chạnh lòng” khi đang phải vay với mức trên 10%/năm. Tuy vậy, theo ông Nghĩa, mỗi ngân hàng có chiến lược bảo vệ khách hàng khác nhau, có thể ở ngân hàng này lãi suất cao hơn nhưng lại thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn.

Hơn nữa, nhiều phản ánh cho rằng các ngân hàng thường để thông tin về lãi suất cho vay bình quân khá khó tìm trên website trong khi những đề mục về tỷ giá, lãi suất huy động thường hiện luôn ở trang chủ. Trong trao đổi mới đây, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, các ngân hàng thương mại đã công khai nhưng cách thức đăng tải thông tin lãi suất của nhiều ngân hàng vẫn khó tìm kiếm, phương pháp tính lãi không đồng nhất nên nhiều trường hợp rất khó so sánh. Vì thế, NHNN sẽ rà soát, chấn chỉnh và chỉ đạo xử lý trong trường hợp công bố chậm, sai, thiếu chính xác.

Cạnh tranh từ ưu đãi đến hình thức tiếp cận vốn

Hiện nay, một số ngân hàng đã quay đầu tăng lãi suất huy động với mức tăng trung bình 0,1-0,3 điểm %/năm khiến nhiều ý kiến phân tích cho rằng lãi suất huy động đã chạm đáy khi dư địa để giảm lãi suất không còn nhiều. Tình hình này cũng phần nào gây lo ngại lãi suất cho vay nhưng theo các chuyên gia, ngân hàng vẫn đang tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi và để được hưởng lãi suất thấp còn phụ thuộc vào "khẩu vị rủi ro" của từng ngân hàng cũng như "sức khoẻ" của doanh nghiệp vay vốn.

Điều đáng mừng là trong những tháng đầu năm, các ngân hàng vẫn liên tiếp tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi và chương trình giảm lãi suất cho vay. Chẳng hạn, VietinBank vừa có thông báo giảm lãi suất lần 2 chương trình "Vay ưu đãi - Khởi sắc tương lai". Mức lãi suất cho vay thấp nhất từ 5,2%/năm đối với ngắn hạn; 5,8%/năm cho vay trung dài hạn. Vietcombank cho vay vốn sản xuất kinh doanh ngắn hạn với lãi suất từ 5,3%/năm và lãi suất từ 6,5%/năm cho các khoản vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sacombank đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng lãi suất chỉ 3%/năm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. LPBank cho doanh nghiệp siêu nhỏ vay với lãi suất từ 6,7%/năm cho khoản vay lên đến 7 tỷ đồng...

Không chỉ cạnh tranh về lãi suất, các ngân hàng còn phải cạnh tranh cả chính sách và hình thức cho vay. Như Vietcombank đa dạng thêm các hình thức thế chấp, cho vay tín chấp không cần tài sản đảm bảo. Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng đã đưa ra rất nhiều chính sách liên quan đến giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ khách hàng trong quá trình có thể triển khai áp dụng hồ sơ online để tạo điều kiện cho khách hàng giảm chi phí về mặt tiếp cận tín dụng của ngân hàng.

Hay tại MSB, cùng với hình thức vay tín chấp, khách hàng của MSB có thể tiếp cận nguồn vốn thông qua nền tảng số khi đăng ký vay 100% online, phê duyệt khoản vay nhanh chỉ từ 24 giờ làm việc. MSB cho biết, hơn 1 năm qua đã có gần 4.000 khách hàng được phê duyệt thành công qua kênh số.

Có thể thấy, nhiều giải pháp được triển khai giúp tăng trưởng tín dụng "ấm" dần, góp phần cung ứng vốn hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Theo NHNN, tín dụng trong tháng 3/2024 đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn