Thị trường chứng khoán hậu nghỉ lễ: Trút bỏ mọi lắng lo?
Kết thúc tháng 4 đầy biến động và bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày, thị trường chứng khoán Việt Nam để lại một không khí ảm đạm với hai phiên giao dịch nhạt nhoà. VN-Index lình xình trong biên độ hẹp, thanh khoản lao dốc mạnh, phản ánh tâm lý dè dặt của nhà đầu tư.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Đức Huy, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty CP Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho hay, giai đoạn trước kỳ nghỉ lễ, sự thận trọng của thị trường chủ yếu đến từ tâm lý e ngại rủi ro trước biến số khó lường từ các vấn đề thuế quan. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ trở nên khá hơn sau kỳ nghỉ lễ.
Tín hiệu tích cực từ cuộc đàm phán thuế quan và “hiệu ứng KRX”
Ông Lê Đức Huy chỉ ra một điểm sáng giữa bức tranh giao dịch kém sắc của thị trường chứng khoán những ngày qua: “Điểm tích cực là Mỹ đã có lời mời Việt Nam khởi động đàm phán ngay trong tuần này, tạo ra kỳ vọng hỗ trợ nhất định cho thị trường”.

Theo đại diện Agriseco, động thái này sẽ tạo ra lực đỡ tâm lý nhất định cho dòng tiền khi trở lại sau kỳ nghỉ lễ, dù mức độ cải thiện được đánh giá “chỉ ở mức độ vừa phải” và xu hướng thận trọng vẫn chiếm ưu thế.
“Tham chiếu kinh nghiệm từ các cuộc đàm phán tương tự (Nhật Bản, Hàn Quốc), kỳ vọng thực tế là khó có thể sớm đạt được thỏa thuận cuối cùng hoặc chốt mức thuế quan ngay trước khi trở lại giao dịch tuần 05/05-09/05”, ông Huy lý giải.
Ngoài thông tin về cuộc đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam, bước sang tuần giao dịch mới, thị trường chứng khoán còn đón thêm một sự kiện đáng chú ý: hệ thống KRX chính thức đi vào vận hành sau nhiều lần trì hoãn. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực cho thị trường, trong bối cảnh tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn bị chi phối bởi những nhiễu động từ bên ngoài.
Bình luận về “hiệu ứng KRX”, ông Lê Đức Huy cho rằng, trong ngắn hạn, nhà đầu tư sẽ cần thời gian để làm quen với các cơ chế mới của hệ thống KRX, đặc biệt là cơ chế mới tại các phiên khớp lệnh định kỳ hay cơ chế sửa lệnh, thay đổi hiển thị room nước ngoài. Tuy nhiên, về lâu dài, ông đánh giá, những cơ chế này đều hướng tới lợi ích và sự thuận tiện của nhà đầu tư. Chẳng hạn, việc thay thế lệnh lệnh thị trường MP thành lệnh MTL, hay thay đổi về giao dịch các cổ phiếu bị hạn chế,… đều giúp thị trường sôi động và tăng sự tiện lợi cho nhà đầu tư.
“Việc KRX chính thức đi vào vận hành là cơ sở tiến tới đáp ứng điều kiện nâng hạng thị trường trong tương lai. Đây cũng là điều mà nhiều nhà đầu tư chờ đợi, vì vậy có thể sẽ có sự thay đổi tích cực hơn về mặt kỳ vọng của các nhà đầu tư và dòng tiền trong thời gian tới’, ông Huy nhấn mạnh.
Nhiều ẩn số chưa ngã ngũ, nhà đầu tư ứng xử thế nào?
Bên cạnh biến số mang tên thuế quan, một vấn đề khác khiến giới đầu tư lo ngại là tỷ giá. Hiện tại, tỷ giá VND/USD đang “neo” ở mức cao, dù Ngân hàng Nhà nước nhiều lần tăng tỷ giá trung tâm. Theo ông Lê Đức Huy, điều này cho thấy Chính phủ đang ưu tiên chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều thách thức và nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, trong khi chỉ số DXY (đo sức mạnh đồng Đô la Mỹ) đã giảm mạnh hơn 8%, đồng Việt Nam vẫn mất khoảng 2% giá trị. Diễn biến này, theo Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường của Agriseco, phản ánh định hướng chính sách nới lỏng vừa phải nhằm kích thích xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
“Tuy nhiên, nếu tỷ giá tiếp tục biến động mạnh và đồng Việt Nam mất giá sâu hơn so với các đồng tiền trong khu vực, có thể dẫn đến áp lực rút vốn khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu Việt Nam”, ông Lê Đức Huy lưu ý.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, niêm tin vào sự ổn định vĩ mô là một trong những yếu tố cốt lõi để duy trì dòng vốn ngoại dài hạn. Do đó, việc kiểm soát tỷ giá trong biên độ hợp lý là điều tối quan trọng.

Trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều biến số khó lường từ bên ngoài như chính sách thuế quan và thương mại quốc tế, ông Lê Đức Huy khuyến nghị nhà đầu tư duy trì nguyên tắc thận trọng, đặc biệt là khi sử dụng đòn bẩy tài chính. Cụ thể, tỷ lệ margin nên được giữ ở mức thấp, ưu tiên sử dụng vốn tự có, tránh sử dụng đòn bẩy cao để phòng ngừa rủi ro khi thị trường biến động bất ngờ. Tỷ trọng cổ phiếu cũng nên điều chỉnh về mức trung bình, dao động khoảng 50–60% danh mục, tập trung vào các doanh nghiệp cơ bản tốt: có báo cáo tài chính lành mạnh, dòng tiền ổn định và khả năng “chống chịu” với các “cú sốc” vĩ mô.
“Trong giai đoạn hiện nay, quản trị rủi ro danh mục và bảo toàn vốn nên được đặt lên hàng đầu, thay vì theo đuổi lợi nhuận bằng mọi giá”, đại diện Agriseco nói.
Dù vậy, đối với các nhà đầu tư muốn tái cơ cấu danh mục, giai đoạn thị trường giằng co như hiện tại vẫn là một cơ hội tốt. Theo ông Huy, nhà đầu tư có thể ưu tiên các cổ phiếu bluechips không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan nhưng đang giảm mạnh cùng với đà giảm chung của thị trường.
Về trung dài hạn, triển vọng của một số nhóm ngành vốn được xem là động lực của nền kinh tế và duy trì tăng trưởng trong dài hạn như nhóm ngành xuất khẩu (bao gồm thủy sản, dệt may, đồ gỗ), ngành cảng biển, ngành khu công nghiệp sẽ giảm đi sức hấp dẫn. Ngược lại, các nhóm ngành không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan và xu hướng bảo hộ như ngân hàng, bất động sản, xây dựng, bán lẻ, công nghệ sẽ được đẩy mạnh để thay thế động lực tăng trưởng cũ.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn