Thị trường đảo chiều trong phiên chiều 22/5

Sau phiên sáng tăng điểm khá tích cực dù dòng tiền có chậm lại đôi chút, thị trường bước vào phiên chiều chưa có nhiều thay đổi ngay cả khi lực cung có gia tăng đôi chút trên bảng điện tử.

Diễn biến đáng chú ý chỉ diễn ra sau thời điểm 14h, khi áp lực bán bất ngờ gia tăng trên diện rộng, ngay cả cặp đôi VIC và VHM cũng gặp khó và thậm chí VIC còn lùi về dưới tham chiếu, cùng với đó, cổ phiếu liên quan là VPL cũng chịu sức ép giảm sâu, khiến VN-Index có nhịp rơi 15 điểm về gần 1.312 điểm.

Bất ngờ sau đó rất nhanh, dòng tiền chảy mạnh kéo nhóm cổ phiếu nhà Gelex, cũng như nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bắt đáy đã giúp chỉ số bật hồi mạnh mẽ lên trên tham chiếu.

Tuy nhiên, sự khó lường của thị trường thêm một lần tái diễn, khi cũng chỉ chớm xanh, VN-Index một lần nữa bị kéo lùi trở lại gần vùng 1.312 điểm và hãm đà rơi tại ngưỡng này ở những phút cuối.

Chốt phiên, sàn HOSE có 105 mã tăng và 217 mã giảm, VN-Index giảm 9,21 điểm (-0,70%), xuống 1.313,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.157,1 triệu đơn vị, giá trị 26.405,2 tỷ đồng, tăng gần 9% về khối lượng và gần 5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 71,3 triệu đơn vị, giá trị 1.794 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip với VHM hạ nhiệt, từ mức tăng 5,5% đỉnh của phiên đã chỉ còn +1,2% lên 68.100 đồng. Thậm chí, cổ phiếu liên quan là VIC còn đảo chiều giảm 1,1% xuống 92.500 đồng, phản ánh áp lực chốt lời dứt khoát đến bộ đôi này sau khi liên tục nâng đỡ thị trường những phiên gần đây.

Thêm vào đó là cổ phiếu VPL, khi cũng nới rộng đà giảm, mất hơn 6% xuống 92.000 đồng và là tác nhân kéo lùi VN-Index lớn nhất.

Các cổ phiếu khác trong rổ VN30 biến động nhẹ, với LPB và BCM dẫn đầu đà giảm, nhưng cũng chỉ mất 2%. Các cổ phiếu HDB, BVH, MBB, GVR, STB giảm 1,5% đến 1,7%.

Như đã đề cập, nhóm cổ phiếu nhà Gelex biến động đáng chú ý nhất. Trong phiên sáng, những cái tên như VIX, GEX đã có tín hiệu tăng tốc thì vào phiên chiều, hai mã này đã tăng mạnh với GEX có lúc đã chạm giá trần, còn VIX tăng áp sát giá trần.

Tuy nhiên, về cuối ngày, cổ phiếu VIX chỉ còn +1,1% lên 13.550 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 105,8 triệu đơn vị, bỏ xa phần còn lại. Trong khi GEX thậm chí còn giảm điểm, dù chỉ giảm nhẹ xuống 32.000 đồng, khớp 37,3 triệu đơn vị.

Một mã khác liên quan là EIB cũng có lúc tăng trần, trước khi đóng cửa còn +4,2% lên 21.100 đồng, khớp 36,2 triệu đơn vị.

Ở những nơi khác, ngoài một số mã cuối phiên sáng đáng chú ý như PET, VNE, TEG, SQC, EVF, SMC giữ giá trần, thì HVN +6,04% lên 38.650 đồng – mang lại động lực đỡ giá tốt nhất cho VN-Index.

Trái lại, phản ánh lực chốt lời, loạt cổ phiếu như KSB, GEG, GMD, DRH, QCG, CTI, TCO, GEE, VTP, CTR, VSC... giảm 3% đến gần 5%, đi kèm thanh khoản cao.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có nhịp giảm lao dốc vào giữa phiên chiều, trước khi chững lại và hãm đà rơi vào cuối ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 63 mã tăng và 112 mã giảm, HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,31%), xuống 216,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 92,3 triệu đơn vị, giá trị 1.473 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,36 triệu đơn vị, giá trị 67,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHS vẫn là tâm điểm giao dịch, với khối lượng khớp lệnh vượt trội khi có hơn 32,1 triệu đơn vị, nhưng giá cổ phiếu chỉ nhích nhẹ 0,8% lên 13.000 đồng.

Phần còn lại hầu như biến động nhẹ về giá, với CEO, PVS, MBS giảm trên dưới 1%, khớp lệnh ngay sau SHS khi có từ 4,08 triệu đến hơn 8 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã có những nhịp biến động đáng kể trong phiên chiều, khi lực cung gia tăng khiến chỉ số lùi về dưới tham chiếu, nhưng cũng bật lên nhanh sau đó vào cuối ngày.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,32%), lên 96,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 63,3 triệu đơn vị, giá trị 567,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,67 triệu đơn vị, giá trị 22,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu BGE vẫn là tâm điểm khi nới đà tăng và đóng cửa ở mức giá trần +13% lên 5.200 đồng, khớp 3,86 triệu đơn vị. Cổ phiếu liên quan là BCR khớp lệnh cao nhất với 6,33 triệu đơn vị và giảm mạnh 8,7% xuống 2.100 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm. Trong đó, VN30F2505 giảm 12,5 điểm, tương đương -0,88% xuống 1.402 điểm, khớp lệnh hơn 216.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.880 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã khớp lệnh cao nhất là CVPB2503 bị bán tháo và giảm sàn -66,7% xuống 10 đồng/cq, khớp 6,47 triệu đơn vị. Theo sau là CVPB2407 với 2,79 triệu đơn vị và giảm mạnh hơn 15% xuống 110 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn