Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 31/5 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng trở lại 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,45 – 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 13,1 USD lên 1.959,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng nhẹ nhưng đã giảm đảo chiều giảm nhẹ về quanh 1.955-1.960 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,53 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 31/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.714 đồng/USD, đi ngang so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.315 – 23.655 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đi ngang quanh 27.700 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp giảm và về gần 27.100 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,30 USD (-1,87%), xuống 68,16 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,49 USD (-1,96%), xuống 72,10 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Dù VN-Index đang gặp khó ở ngưỡng cản vùng 1.080 điểm do áp lực chốt lời ngắn hạn và nhóm bluechip vẫn án binh bất động, nhưng nhóm bất động sản nhỏ luôn thay nhau tạo sóng, thu hút dòng tiền. Nhiều mã liên tiếp tăng trần trong nhiều phiên vừa qua như TDH, EVG, VRC, LGL, QCG… và đà tăng này tiếp tục được duy trì trong phiên cuối cùng của tháng 5.

Tuy nhiên, việc dòng tiền hướng sự chú ý vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ khiến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhất là nhóm Vingroup giảm giá, khiến cho VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ dù số mã tăng chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 19,72 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 473,99 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 31/5: VN-Index giảm 2,88 điểm (-0,27%), xuống 1.075,17 điểm; HNX-Index tăng 1,48 điểm (+0,67%), lên 222,81 điểm; UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,46%), lên 82,05 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các chỉ số chính trên Phố Wall phân hóa trong phiên thứ Ba (30/5), khi chịu áp lực bởi lo ngại về việc các nhà lập pháp tại Hạ Viện sẽ phản đối thỏa thuận nâng trần nợ, nhưng mặt khác cũng được hỗ trợ bởi một đợt tăng của Nvidia.

Một số các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã nói rằng họ sẽ phản đối, trong một dấu hiệu cho thấy thỏa thuận lưỡng đảng có thể phải đối mặt với một con đường gập ghềnh thông qua tại Hạ Viện.

Trái lại, hỗ trợ thị trường là Nvidia, khi cổ phiếu nhà sản xuất chip đã tăng 3% để đóng cửa với mức vốn hóa thị trường khoảng 991 tỷ USD, cách không xa câu lạc bộ ưu tú gồm 6 công ty có giá trị từ 1.000 tỷ USD trở lên tại Phố Wall.

Kết thúc phiên 30/5, chỉ số Dow Jones giảm 50,56 điểm (-0,15%), xuống 33.042,78 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,07 điểm (+0,00%), lên 4.205,52 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 41,74 điểm (+0,32%), lên 13.017,43 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, do các nhà đầu tư chốt lời sau khi chỉ số chuẩn đạt mức cao nhất trong 33 năm vào đầu tuần này, trong khi đồng yên mạnh hơn và dữ liệu đáng thất vọng của Trung Quốc cũng đè nặng tâm lý thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,41% xuống 30.887,88 điểm nhưng đã tăng 7% trong tháng 5, mức tăng tốt nhất kể từ tháng 11/2020. Chỉ số Topix giảm 1,32% xuống 2.130,53 điểm.

"Các nhà đầu tư đang chờ đợi để bán cổ phiếu và sức mạnh của đồng yên đã trở thành yếu tố kích hoạt. "Tốc độ mua của nhà đầu tư nước ngoài dường như cũng đang chậm lại. Trong tương lai, họ sẽ mua thêm bao nhiêu cổ phiếu trong nước sẽ là chìa khóa giúp định hướng thị trường”, Jun Morita, Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Chibagin Asset Management cho biết.

Phiên này, cổ phiếu lớn Fast Retailing, chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo, giảm 1,08% và là lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225. Theo sau là nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron giảm 2% và nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest mất 1%.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu công ty con Hino Motors của Toyota tăng 12,3%, sau khi Daimler Truck Holding AG và Toyota Motor đạt được thỏa thuận sơ bộ để kết hợp các đơn vị xe tải của họ tại Nhật Bản.

Chứng khoán Trung Quốc giảm khi chỉ số PMI tháng 5 của nước này tiếp tục ở trong vùng thu hẹp.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 5, dữ liệu cho thấy vào thứ Tư. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi hơn về sự phục hồi kinh tế ở nước này khi nhu cầu yếu và đầu tư vốn chậm lại.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) là 48,8 điểm trong tháng 5. Con số này thấp hơn so với kỳ vọng về mức 51,4 điểm và giảm so với mức 49,2 điểm của tháng trước.

Nhà kinh tế trưởng Ting Lu của Nomura cảnh báo về những cơn gió ngược mạnh mẽ từ sự sụt giảm bất động sản, suy thoái sản xuất toàn cầu ngày càng sâu sắc và căng thẳng địa chính trị ngày càng tồi tệ sẽ tiếp tục là lực cản đối với sự phục hồi kinh tế Trung Quốc.

Những lo lắng kéo dài về quan hệ Trung-Mỹ Căng thẳng cũng đè nặng lên cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, kéo các quỹ bao gồm IShares MSCI China ETF và KraneShares CSI China Internet ETF đi xuống.

Hôm thứ Tư, Lầu Năm Góc cáo buộc một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã thực hiện một hành động "hung hăng không cần thiết" gần một máy bay quân sự của Mỹ trên Biển Đông trong không phận quốc tế.

Chứng khoán Hồng Kông lao dốc và rơi vào thị trường gấu về mặt kỹ thuật sau khi để mất 20% từ đỉnh gần nhất, ảnh hưởng mạnh bởi chỉ số PMI đáng thất vọng tại Đại lục.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,94% xuống 18.234,27 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,92% xuống 6.163,34 điểm.

Gã khổng lồ trò chơi NetEase giảm 6,1%, nền tảng giao đồ ăn Meituan giảm 5,1% và JD.com mất 5,1%. Alibaba Group giảm 3,5% và Tencent Holdings giảm 2,3%.

"Tâm lý trên thị trường tài chính khá bi quan. Không rõ chính phủ giải thích tình trạng kinh tế hiện tại như thế nào. Không có dấu hiệu phản ứng chính sách sắp xảy ra", Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết.

Chứng khoán Hàn Quốc đảo chiều giảm, khi các chỉ số kinh tế yếu từ Trung Quốc làm giảm khẩu vị của giới đầu tư.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 8,40 điểm, tương đương 0,32%, xuống 2.577,12 điểm.

Chỉ số KOSPI tăng 3,02% trong tháng 5, hiệu suất trong một tháng tốt nhất kể từ tháng Giêng.

Hôm nay, cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1,24% và SK Hynix mất 1,54%, nhưng nhà sản xuất pin LG Energy Solution tiến 3,28%.

Kết thúc phiên 31/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 440,28 điểm (-1,41%), xuống 30.887,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,65 điểm (-0,61%), xuống 3.204,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 361,51 điểm (-1,94%), xuống 18.234,27 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 8,40 điểm (-0,32%), xuống 2.577,12 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lại nhắc chuyện bán bảo hiểm liên kết đơn vị

Theo phản ánh từ khách hàng, một số đại lý bán bảo hiểm liên kết đơn vị (ILP) mà không tư vấn rõ ràng, thậm chí bỏ qua hoặc tự ý hoàn thành phiếu khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng, trong khi theo quy định hiện hành thì đây là điều bắt buộc..>> Chi tiết

- Chuyên gia Yuanta: "Tránh mua đuổi penny, đề phòng cuối tuần có điều chỉnh"

Theo chuyên gia, sóng tăng hai ngày qua chủ yếu do tâm lý và do nhịp tăng lại của nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ đã bị chiết khấu sâu trước đó. Nhà đầu tư hạn chế mua đuổi vì áp lực điều chỉnh đang khá cao..>> Chi tiết

- Chứng khoán ngóng nguồn vốn rẻ

Dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm dần, nhưng để có dòng vốn rẻ thì cần thêm điều kiện và phải có thời gian..>> Chi tiết

- Ba dấu hiệu quan trọng chỉ ra suy thoái kinh tế toàn cầu

Ba chỉ báo dẫn dắt kết hợp cụ thể là giá đồng thấp hơn, đường cong lợi suất trái phiếu của Mỹ đảo ngược và giá cước vận chuyển giảm, đã cảnh báo về sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu..>> Chi tiết

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn